Chủ tịch Sợi Thế Kỷ kể “bí kíp” vượt qua đối thủ

(ĐTCK) Giao dịch sai 1.000 tấn nguyên liệu thì chỉ trả giá cho 1.000 tấn đó, nhưng nếu đầu tư nhà máy sai thì phải trả giá trong hàng chục năm sau đó. Bởi vậy, với ông Đặng Triệu Hòa, Chủ tịch Hội đồng quản trị - Tổng giám đốc Công ty cổ phần Sợi Thế Kỷ (mã STK), việc đầu tư cần phải tính toán vô cùng kỹ lưỡng. 
Ông Đặng Triệu Hòa, Chủ tịch Hội đồng quản trị - Tổng giám đốc Công ty cổ phần Sợi Thế Kỷ. Ông Đặng Triệu Hòa, Chủ tịch Hội đồng quản trị - Tổng giám đốc Công ty cổ phần Sợi Thế Kỷ.

Bước chuyển mình từ đại lý sang sản xuất

Chia sẻ về quá trình khởi nghiệp, Chủ tịch STK cho biết, ông bắt đầu công việc là một nhân viên bán hàng, sau đó làm giám đốc trong công ty chuyên nhập khẩu sợi DTY của Ðài Loan. Ðây là công ty tư nhân thuộc sở hữu của một gia đình. Sau một thời gian, sự bất đồng quan điểm giữa các cổ đông bắt đầu xuất hiện. Trong bối cảnh đó, ông quyết định nghỉ việc và thành lập công ty làm đại lý.

Mọi khởi đầu đều rất khó khăn, nhưng ông Hòa quyết định không sử dụng khách hàng của công ty cũ, mà tự tạo lập nguồn khách hàng mới, một trong số đó chính là các đối thủ cạnh tranh - nay đã trở thành khách hàng thân thiết của STK.

Thời gian đầu làm đại lý, ông Hòa chia sẻ, công ty bán được 10 tấn sợi, doanh thu hơn 30.000 USD, nhân sự chưa tới 10 người. Lúc bấy giờ, có rất ít doanh nghiệp hoạt động trong lĩnh vực sợi, kể cả những doanh nghiệp đầu tư nước ngoài. Ðiều này giúp cho công ty của ông đến năm 1999 gần như là đại lý lớn nhất, độc quyền về sợi tại Việt Nam. Mỗi tháng, công ty bán hơn 1.000 tấn sợi, tương đương khoảng 20% tổng công suất nhà máy của STK hiện tại.

Ðối với Chủ tịch STK, các nhà cung ứng sợi vừa là khách hàng, vừa là bạn. Chính quan điểm này đã giúp ông rất nhiều trong bước chuyển từ đại lý sang sản xuất.

"Các đối tác đã chủ động đề nghị hỗ trợ về nhân sự và tôi chỉ phải trả lương cho họ. Về đầu tư máy móc, thiết bị, tôi quyết định mua lại máy cũ của đối tác bởi là máy của Ðức, giá chấp nhận được, hơn nữa họ cam kết giúp tôi chạy máy được...", ông Hòa nhớ lại.

Ðiểm nhấn trong giai đoạn “chuyển mình”, theo ông Hòa, đó là gần như không vay nợ ngân hàng. Lý do rất đơn giản là vì không vay được, bởi nhà máy sản xuất chưa có nên không có tài sản đảm bảo, trong khi sự hiểu biết về ngành sợi lúc đó của các cán bộ tín dụng còn hạn chế...

“Dự định làm quy mô lớn hơn nhưng không vay được vốn nên phải huy động tất cả anh em, bạn bè, ai có bao nhiêu tiền là gom hết vào được gần 5 triệu USD, chia làm 2 lần để xây dựng nhà máy. Lúc làm đại lý, tôi chỉ cần vài trăm ngàn USD để đảm bảo hoạt động”, ông Hòa kể.

Ðịa điểm mở nhà máy đầu tiên tại Củ Chi, bởi khu vực này có nguồn điện tốt, cho dù đường xá còn thiếu thốn. Với lợi thế thông thạo 2 ngôn ngữ Anh và Trung Quốc, ông Hòa làm việc thường xuyên với các chuyên gia, sau đó thông dịch lại cho các cộng sự. Nhờ đó, ông dần nắm rõ về sản xuất sợi. Năm 2000, nhà máy chính thức đi vào hoạt động và liên tục trong 5 năm đầu, ông Hòa duy trì cường độ làm việc 16-17 tiếng/ngày, không về nhà vì đi lại bất tiện. Quy mô nhân viên lúc này vào khoảng 30 người. Nhiều nhân viên đầu tiên của Sợi Thế Kỷ đến nay vẫn đang công tác tại Công ty.

"Giai đoạn 1995-1998, chỉ làm thương mại mà mỗi đơn hàng công ty lãi trung bình khoảng 20-30%, thậm chí có đơn hàng lãi đến 40%. Trung bình mỗi năm ghi nhận 1-2 triệu USD lợi nhuận", ông Hòa cho hay. 

Tập trung vào chất lượng sản phẩm để chinh phục khách hàng khó tính

Nhưng thuận lợi không kéo dài. Từ năm 2003, khi Trung Quốc đẩy mạnh làm hàng sợi giá rẻ, sử dụng công nghệ đại trà, chấp nhận chất lượng không cao để cạnh tranh với sợi từ Việt Nam.

Với kinh nghiệm nhiều năm lăn lộn trên thị trường, ông Hòa nhận ra rằng, trong bối cảnh thị trường cạnh tranh ngày một khốc liệt, chỉ có tập trung vào chất lượng sản phẩm thì mới chiến thắng được đối thủ. Ðây cũng là lý do máy móc, thiết bị của STK được đầu tư theo xu hướng làm hàng chất lượng cao, có thể chuyển đổi linh hoạt để sản xuất được các mặt hàng.

Vào năm 2003, ông Hòa quyết định đầu tư thêm nhiều máy móc hiện đại. Ðến năm 2005, cổ phần hóa Công ty với sự tham gia của bạn bè thân thiết và cả khách hàng. Năm 2008, Công ty bắt đầu tự sản xuất thêm sợi POY, khép kín quy trình sản xuất. Do tập trung vào chất lượng, nhiều khó khăn bắt đầu nảy sinh, nhất là về trình độ chuyên môn. Ðể giải quyết vấn đề này, ông đã mời chuyên gia về đạo tạo chuyên môn cho nhân sự Công ty.

 Một dây chuyền sản xuất sợi của STK.

Ðiểm đặc biệt ở Sợi Thế Kỷ là nhân viên được hướng dẫn làm việc, có nghề trong tay, lại có cơ hội thăng tiến, tăng lương. Ðây là cách mà sếp Ðặng Triệu Hòa giữ chân được nhân sự tốt và tăng hiệu quả hoạt động của Công ty.

“Khi nhân viên được tăng lương, họ tăng 1, Công ty được 10”, ông Hòa nhấn mạnh.

Chia sẻ về việc chinh phục khách hàng, ông Hòa đặc biệt nhấn mạnh đến các khách hàng Nhật Bản.

"Các khách hàng lớn họ đi mua hàng không phải với tư cách người mua hàng đơn thuần, mà là người bán hàng đi mua hàng. Với khách hàng Nhật Bản, trong thời gian tìm hiểu đối tác, họ nghiên cứu rất kỹ, trung bình mất khoảng 2-3 năm. Ðây là cách kinh doanh và lựa chọn đối tác của người Nhật. Họ lấy quy trình, tiêu chuẩn của Nhật để đo lường và với thời gian dài như vậy, các điểm yếu của đối tác sẽ dần lộ diện. Bởi vậy, làm việc với người Nhật là phải kiên trì”, ông Hòa nhấn mạnh.

Và điều này đã mang lại thành quả cho Sợi Thế Kỷ. Ông Hòa cho biết, sau giai đoạn tìm hiểu, trong một vài tháng đầu, đối tác Nhật chỉ đặt từ 1-3 container, giá trị khoảng 30.000 USD, mà mỗi conteiner lại gộp 2-3 mặt hàng. Nhưng sang đến tháng thứ 4 thì lượng hàng tăng đột biến lên 25 container/tháng, thậm chí có thời điểm lên tới 50 container/tháng.

Việc đơn hàng tăng đột biến trong thời gian ngắn khiến Sợi Thế Kỷ đối mặt với bài toán sản xuất, vận chuyển bị trễ, nhưng bài toàn này nhanh chóng được giải quyết.

“Trong trường hợp phải cân nhắc, nếu đơn hàng tại Việt Nam chưa gấp thì ưu tiên cho xuất khẩu. Giao hàng 1 lần đơn hàng lớn có thể gặp khó khăn, nhưng nếu giao cuốn chiếu thì sẽ dễ dàng hơn. Chẳng hạn, 1 máy dệt của doanh nghiệp Việt cần 2 tấn sợi/ngày, vậy không cần giao 1 lần 1 container 20 tấn cho khách. Ưu tiên cho xuất khẩu, còn trong nước giao dần trong các ngày sau. Như vậy, khách hàng còn mừng hơn vì không phải lưu kho, miễn sao đảm bảo thứ Hai dùng thì Chủ nhật phải có nguyên liệu”, ông Hòa nhiệt tình chia sẻ và nhấn mạnh, bên cạnh đảm bảo chất lượng, điều quan trọng là không được trễ hẹn giao hàng, làm ảnh hưởng đến tiến độ sản xuất của khách hàng. 

Tầm nhìn chiến lược

Chia sẻ về chiến lược đầu tư, ông Hòa cho biết, thực tế, nhiều doanh nghiệp đầu tư máy móc rất tốt, của hãng nổi tiếng, nhưng khi ghép vào hệ thống thì gặp trục trặc, dẫn đến tiêu hao lớn. Do đó, điểm chốt chính là sự am hiểu về quy trình, để vừa đảm bảo đạt chất lượng cao, vừa tiết kiệm chi phí.

"STK phát triển như ngày hôm nay là bởi trong quá trình đầu tư, Công ty đã tính toán rất kỹ lưỡng nên đầu tư máy móc nào, sự ăn khớp giữa các máy ra sao, cũng như tính toán chi tiết cả việc tiêu thụ điện năng. Lấy ví dụ, nhu cầu chỉ cần dùng 500 m3 hơi, nhưng mua thiết bị phụ trợ bị lố tới 5.000 m3, vậy khi chạy đã tiêu hao đến 90%. Ðã từng có doanh nghiệp cứ Sợi Thế Kỷ mua máy hiệu gì, nhập nguyên liệu ở đâu, thiết kế nhà máy ra sao… đều được họ làm y chang, nhưng kết quả lại hoàn toàn khác nhau. Lý do bởi họ không nắm rõ các điểm trên”, ông Hòa nói.

Ông chia sẻ, trong hành trình 18 năm phát triển, cũng có những sai lầm, chẳng hạn mua thiết bị không khớp nhau, điện năng tiêu thụ nhiều hơn nhu cầu cần thiết... song điều này được rút kinh nghiệm cho những dự án sau làm tốt hơn.

“Giao dịch nhầm 1.000 tấn nguyên liệu thì chỉ trả giá cho 1.000 tấn đó, nhưng đầu tư sai nhà máy sẽ phải là trả giá trong hàng chục năm sau đó.  Vì vậy, đầu tư cần phải tính toán vô cùng kỹ lưỡng", ông Hòa nhấn mạnh.

“Có nhiều con đường để đi nhanh hơn, nhưng phương châm của Sợi Thế Kỷ là chậm mà chắc. Khi chất lượng sản phẩm được đảm bảo, chi phí sản xuất được kiểm soát... thì luôn mang lại kết quả tốt, dù thị trường tích cực hay tiêu cực", ông Hòa trải lòng.

Nhã An

Tin liên quan

Tin cùng chuyên mục