“Soi” tài sản của các siêu tỷ phú

(ĐTCK) Sự thăng hoa của thị trường chứng khoán 2021 khiến khối tài sản của nhiều siêu tỷ phú nở ra thần tốc, nhưng không phải ai cũng được hưởng niềm vui này.
“Soi” tài sản của các siêu tỷ phú

Tỷ phú đổi ngôi

Theo thống kê của Bloomberg, tổng giá trị tài sản ròng của 10 tỷ phú giàu nhất thế giới đã nở ra thêm hơn 402 tỷ USD trong năm 2021 và 10 tỷ phú này đều sở hữu khối tài sản giá trị hơn 100 tỷ USD, chủ yếu nhờ sự tăng trưởng mạnh của thị trường chứng khoán.

Đứng đầu danh sách những người giàu nhất thế giới năm 2021 là ông Elon Musk, Giám đốc điều hành của hãng xe điện Tesla. Năm 2020, tài sản ròng của Musk tăng thêm tới 140 tỷ USD. Sang năm 2021, khối tài sản này tăng thêm 121 tỷ USD, tuy tăng có phần ít hơn năm trước đó nhưng vẫn đủ để đưa ông trở thành người giàu nhất thế giới với tài sản trị giá 277 tỷ USD.

Trong năm qua, Elon Musk còn lập được kỷ lục chưa ai làm được khi là người đầu tiên trên thế giới có tài sản vượt trên 300 tỷ USD. Giá trị tài sản của ông Musk bắt đầu tăng mạnh khi cổ phiếu Tesla đi lên sau thương vụ bán 100.000 xe cho công ty cho thuê xe Hertz Global Holdings.

Cổ phiếu Tesla đã tăng khoảng 60% trong năm 2021 và công ty đạt mức vốn hóa thị trường 1.000 tỷ USD lần đầu tiên vào tháng 10/2021.

Chuyên gia phân tích Adam Jonas của Ngân hàng Morgan Stanley dự báo, tỷ phú Elon Musk sẽ là người đầu tiên trên thế giới sở hữu khối tài sản 1.000 tỷ USD, nhờ vào sự thành công của SpaceX - công ty thám hiểm vũ trụ tư nhân nhưng hiện đang hợp tác nhiều hợp đồng lớn với NASA.

Đứng thứ hai trong danh sách là Jeff Bezos, cựu CEO của ông lớn ngành thương mại điện tử Amazon. Tài sản của cựu tỷ phú giàu nhất thế giới này đã ghi nhận mức tăng thêm 5 tỷ USD trong năm 2021, nâng tổng khối tài sản ròng lên 195 tỷ USD.

Hiện vị tỷ phú 57 tuổi đã từ chức Giám đốc điều hành của Amazon vào tháng 7/2021 và cho biết, ông đang dành nhiều thời gian hơn cho các sáng kiến như Quỹ Trái đất Bezos, công ty trong lĩnh vực hàng không vũ trụ Blue Origin của ông, The Washington Post và Quỹ Amazon Day 1.

Tháng 7/2021, Công ty Blue Origin đã làm nên lịch sử khi thực hiện chuyến bay chở khách đầu tiên lên vũ trụ. Đáng chú ý, tỷ phú Jeff Bezos là một trong 4 hành khách đầu tiên được bay lên vũ trụ trong chuyến bay này.

Đứng tiếp theo trong danh sách là CEO của tập đoàn hàng xa xỉ LVMH, Bernard Arnault. Khối tài sản của ông trong năm 2021 đạt 176 tỷ USD, tăng 61 tỷ USD so với năm 2020.

Bernard Arnault được mệnh danh là ông chủ quyền lực nhất trong ngành thời trang thế giới khi Tập đoàn LVMH sở hữu các thương hiệu thời trang cao cấp như Louis Vuitton, Christian Dior và Givenchy. Vị tỷ phú 72 tuổi này giữ danh hiệu người giàu nhất châu Âu.

Tỷ phú nổi tiếng Bill Gates năm vừa qua dù trải qua nhiều biến cố, nhưng vẫn là người giàu thứ 4 thế giới với khối tài sản 139 tỷ USD, tăng 7 tỷ USD so với con số 132 tỷ USD của năm 2020. Dù đã dành hàng chục tỷ USD để làm từ thiện trong vài thập kỷ qua, nhưng khối tài sản của Gates vẫn tiếp tục tăng lên, một phần nhờ vào hiệu quả hoạt động mạnh mẽ của cổ phiếu Microsoft , công ty do ông đồng sáng lập và hiện vẫn sở hữu khoảng 1%.

Năm 2021, Bill Gates ly hôn với bà Melinda French Gates sau 25 năm chung sống. Hậu ly hôn, ông Gates và bà Melinda vẫn tiếp tục làm việc với nhau trong quỹ chung của 2 người là Bill & Melinda Gates - một trong những quỹ từ thiện lớn nhất thế giới tập trung vào sức khỏe cộng đồng, giáo dục và biến đổi khí hậu, đối phó với đại dịch Covid-19.

Những tỷ phú kiếm tiền nhanh nhất...

Giá trị tài sản của tỷ phú người Nga Tatyana Bakalchuk đã tăng tới 1.075% trong năm qua. Bà Bakalchuk là người sáng lập hãng bán lẻ thương mại điện tử Wildberries, có giá trị ròng ước tính 12,9 tỷ USD - tăng từ 1,1 tỷ USD hồi đầu năm 2021.

Nguyên nhân được cho là nhu cầu mua sắm trực tuyến tăng vọt trong thời kỳ đại dịch và định giá công khai của Wildberries đã giúp Bakalchuk kiếm được lợi nhuận khủng. Bà cũng đã trở thành nữ tỷ phú giàu nhất nước Nga, hiện đang theo đuổi kế hoạch mở rộng ra thị trường toàn cầu, bao gồm cả Mỹ.

Giá trị tài sản ròng của ông Nik Storonsky, CEO và đồng sáng lập Ngân hàng Fintech Revolut đã tăng tới 547% trong năm 2021. Năm 2020, khối tài sản của ông chỉ là 1,1 tỷ USD nhưng khi kết thúc năm 2021, con số này lên tới 7,1 tỷ USD.

Điều này là bởi vào tháng 7/2021, Revolut đã hoàn thành vòng kêu gọi vốn 800 triệu USD, nâng định giá công ty lên 33 tỷ USD, trở thành công ty khởi nghiệp Fintech giá trị nhất của Vương quốc Anh. Ông Storonsky nhờ sở hữu hơn 20% cổ phần của công ty, nên đã giàu lên nhanh chóng.

Leo Koguan, một doanh nhân và nhà đầu tư người Mỹ đang sinh sống tại Singapore đã có khối tài sản ròng tăng tới 481% vào năm 2021 chỉ bằng cách đầu tư vào các quyền chọn mua của cổ phiếu Tesla. Khi cổ phiếu Tesla tăng mạnh vào năm 2021, giá trị tài sản ròng của Koguan cũng tăng cực nhanh và hiện ước tính khoảng 8,1 tỷ USD tính đến ngày 31/12/2021.

Tỷ phú Trung Quốc Luo Liguo đã ghi nhận giá trị tài sản ròng của mình đạt 16,6 tỷ USD, tăng 472% nhờ thời gian hoạt động cực hiệu quả của Silicon Industry - nhà cung cấp kim loại silicon được sử dụng trong thiết bị điện tử, tấm pin mặt trời và các sản phẩm hóa học mà Luo làm Chủ tịch.

Cổ phiếu của công ty được niêm yết trên Sàn giao dịch chứng khoán Thượng Hải, đã tăng từ 5,20 USD/CP (33 nhân dân tệ) lên gần 21 USD/CP (132 nhân dân tệ) trong năm 2021.

...Và mất nhiều tiền nhất

Anthony Tan - Nhà đồng sáng lập Grab, có thời điểm tài sản đã giảm từ hơn 1 tỷ USD xuống còn 725 triệu USD vì cổ phiếu Grab biến động.

Trong năm 2021, Grab đã IPO thông qua thương vụ sáp nhập SPAC trong một thỏa thuận có giá trị khoảng 40 tỷ USD và lập kỷ lục về vụ sáp nhập SPAC lớn nhất thế giới từ trước đến nay. Ngay sau đó, giá cổ phiếu Grab đã tăng lên mức 13,06 USD/CP, giúp ông Anthony Tan sở hữu khối tài sản ròng có giá trị lên tới 1 tỷ USD.

Tuy nhiên, trong phiên giao dịch đầu tiên trên sàn chứng khoán Nasdaq ở New York, cổ phiếu của Grab đã giảm hơn 21%. Cú sụt này khiến giá trị vốn hoá thị trường của Grab “bốc hơi” khoảng 17 tỷ USD. Tài sản của ông Tan trong Grab cũng giảm còn 725 triệu USD. Điều này có nghĩa là nhà đồng sáng lập Grab chỉ làm tỷ phú trong vài giờ đồng hồ.

Jean Qing Liu, Chủ tịch tập đoàn ứng dụng gọi xe khổng lồ của Trung Quốc DiDi Global và chồng là Will Wei Cheng, CEO của Công ty, đều trở thành tỷ phú khi DiDi niêm yết cổ phiếu trên Sàn giao dịch chứng khoán New York vào tháng 6/2021, với giá trị tài sản ròng của cặp vợ chồng này ước tính là 5,5 tỷ USD, trong đó của bà Liu là hơn 1 tỷ USD.

Tuy nhiên, chưa đầy 1 tuần sau, giá cổ phiếu DiDi giảm 27% khiến khối tài sản ròng của bà Jean Qing Liu giảm xuống dưới mức 1 tỷ USD.

Diệp Anh

Tin liên quan

Tin cùng chuyên mục