“Soi” sức khỏe doanh nghiệp niêm yết qua các con số

(ĐTCK) Ông Vũ Xuân Biển, Trưởng phòng kiểm toán doanh nghiệp niêm yết, Hãng kiểm toán AASC trao đổi về những vấn đề NĐT nên lưu ý khi đọc báo cáo tài chính (BCTC) của các doanh nghiệp (DN) niêm yết để có thể ra quyết định đầu tư hợp lý nhất.
“Soi” sức khỏe doanh nghiệp niêm yết qua các con số

Mùa công bố báo cáo kiểm toán năm 2013 của khối DN niêm yết đang đi vào chặng cuối. Theo quan sát của ông, thực trạng hàng tồn kho và nợ xấu của các DN cuối năm 2013 ra sao?Ông có  lưu ý gì với NĐT khi đọc các chỉ tiêu này trên BCTC của các DN?

Hàng tồn kho và nợ xấu của các DN đến cuối năm 2013 nhìn chung đã có sự chuyển biến theo hướng tích cực so với cùng kỳ năm trước. Tuy nhiên, đây vẫn là vấn đề căng thẳng của các DN, đặc biệt là các DN xây dựng, kinh doanh địa ốc, bất động sản, do sức cầu của thị trường vẫn còn  yếu ớt, niềm tin với thị trường vẫn còn chưa thực sự hồi phục trở lại.

Hàng tồn kho là những tài sản đã sẵn sàng để đem ra bán hoặc sẽ được đem ra bán. Thông thường, tỷ trọng hàng tồn kho lớn của DN là mối quan ngại ít nhiều với NĐT, do vốn bị tồn đọng, làm phát sinh chi phí, ảnh hưởng không tốt tới hoạt động sản xuất - kinh doanh. Cụ thể, DN sẽ phải tốn thêm chi phí dự trữ, chi phí thanh lý hay cải tiến hàng bị lỗi thời và thanh lý hàng hư hỏng.

Tuy nhiên, việc không dự trữ đủ hàng tồn kho cũng là một rủi ro, vì DN có thể đánh mất những khoản doanh thu bán hàng tiềm năng hoặc thị phần nếu giá tăng cao trong khi DN không còn hàng để bán. Vì vậy, khi đọc BCTC, nhìn vào giá trị hàng tồn kho, nếu không hiểu rõ tường tận hoạt động của DN, NĐT dễ mắc sai lầm trong quá trình ra quyết định đầu tư, thay vì nắm giữ, mua vào cổ phiếu thì lại bán ra và ngược lại.

Chỉ tiêu hàng tồn kho mang đặc trưng, đặc điểm kinh doanh của DN, nên không phải cứ mức tồn kho thấp là tốt, mức tồn kho cao là xấu. Khi phân tích, đánh giá chỉ tiêu hàng tồn kho, NĐT nên tính đến các yếu tố có khả năng ảnh hưởng lớn đến kế hoạch quản lý hàng tồn kho của DN như tính chất mùa vụ, các sự kiện sắp diễn ra trong tương lai đến sản phẩm của DN (kế hoạch dự trữ hàng hóa, đảm bảo nguyên liệu sản xuất, hàng hóa lưu thông hay kỳ vọng tăng giá trong tương lai của sản phẩm...). Ngoài việc đọc BCTC, NĐT nên xem xét bản thuyết minh BCTC để thấy rõ cơ cấu hàng tồn kho của DN, mặt khác cũng nên phân tích hệ số vòng quay hàng tồn kho để đánh giá tốc độ luân chuyển hàng tồn kho, so sánh với cùng kỳ năm trước và các DN cùng ngành nghề trước khi ra quyết định đầu tư.

Nợ xấu cũng là vấn đề cần lưu ý khi NĐT đọc BCTC của DN. Nợ xấu cao ảnh hưởng trực tiếp đến tính thanh khoản của DN, do thực tế các khoản nợ này không thu hồi được hoặc khó có khả năng thu hồi. NĐT cần đánh giá tỷ lệ nợ xấu của DN trước khi ra quyết định đầu tư. Một DN có nợ xấu chiếm tỷ trọng cao trên tỷ trọng các khoản phải thu thể hiện khả năng thanh toán của DN thấp và ngược lại. Nhà đầu tư khi đọc BCTC cần so sánh số liệu trích lập dự phòng năm nay so với cùng kỳ năm trước, ngoài ra cần xem xét trên các chỉ tiêu có liên quan như vòng quay dòng tiền cũng như điều kiện thực tế của từng DN.

Như vậy, có thể nhìn nhận rằng sức khỏe của khối DN niêm yết nhìn chung đã có sự chuyển biến theo hướng tốt dần lên?

Khi đọc BCTC để nhận biết sức khỏe của DN, chúng ta thường dùng các chỉ tiêu tài chính. Chỉ tiêu đánh giá hiệu quả sử dụng vốn của DN khi phân tích BCTC đánh giá hiệu quả sử dụng vốn của DN, các nhà phân tích thường sử dụng chỉ tiêu ROE và ROA. Hai chỉ tiêu này chuyển biến tốt là dấu hiệu đầu tiên để nhận biết sự chuyển biến về sức khỏe của DN đang được cải thiện.

Thời gian qua, với thực trạng nợ xấu, nhiều DN đang nằm trong tình trạng thiếu vốn, vì vậy, khả năng của DN có thể trả được các khoản nợ thương mại và hoàn trả vốn vay là một trong những cơ sở để đánh giá sự ổn định, vững vàng về tài chính của DN. Thông qua sự thay đổi các hệ số thanh toán, chúng ta có thể đánh giá được chuyển biến tình hình tài chính của DN. Các hệ số này càng lớn thì khả năng thanh toán của DN càng tốt, các hệ số thanh toán nhỏ hơn giới hạn cho phép cho thấy sự thiếu hụt trong khả năng thanh toán, sẽ ảnh hưởng đến kế hoạch trả nợ của DN.

Ngoài ra, việc đánh giá hệ số vòng quay hàng tồn kho giúp NĐT biết được hiệu quả hoạt động của DN thông qua hiệu quả sử dụng vốn lưu động. Giá trị vòng quay hàng tồn kho càng lớn cho biết DN sử dụng vốn lưu động càng hiệu quả, góp phần nâng cao tính năng động trong sản xuất - kinh doanh của DN. Vòng quay thấp là do DN lưu giữ quá nhiều hàng tồn kho, dòng tiền sẽ giảm đi do vốn kém hoạt động và gánh nặng trả lãi tăng lên, tốn kém chi phí lưu giữ và rủi ro khó tiêu thụ do không phù hợp với nhu cầu tiêu dùng hoặc thị trường kém đi. Vòng quay hàng tồn kho của các DN có quy mô lớn có xu hướng cao hơn các DN có quy mô nhỏ. Riêng các DN thuộc lĩnh vực thương mại dịch vụ thì vòng quay hàng tồn kho có xu hướng càng lớn khi DN có quy mô hoạt động càng nhỏ.

Trong mùa kiểm toán vừa qua, những vấn đề kiểm toán và DN thường không thống nhất được với nhau khi kiểm toán là gì?

Mỗi DN có đặc điểm và lĩnh vực sản xuất - kinh doanh khác nhau, do đó, với mỗi trường hợp cụ thể, sẽ có các vấn đề khó thống nhất giữa công ty kiểm toán và khách hàng, như trích lập dự phòng cổ phiếu OTC, trích lập dự phòng khoản phải thu khó đòi, đánh giá chi phí sản xuất - kinh doanh dở dang (nhất là DN xây lắp), ghi nhận doanh thu bất động sản, trích khấu hao tài sản cố định, xác nhận nợ... Các vấn đề này nếu vượt quá mức trọng yếu do công ty kiểm toán xác định, công ty kiểm toán và kiểm toán viên sẽ đưa ý kiến ngoại trừ, ý kiến từ chối hoặc ý kiến trái ngược trên báo cáo kiểm toán.

Tuy nhiên, có nhiều DN chấp nhận ngoại trừ để có được báo cáo kết quả kinh doanh có lãi, khi đó việc vay vốn ngân hàng sẽ có lợi hơn cả về hạn mức và lãi suất. Vì vậy, để hiểu rõ hơn về DN và BCTC của DN cũng như các điểm được coi là “nhạy cảm” trong báo cáo đó, NĐT cần lưu ý đến những vấn đề công ty kiểm toán và kiểm toán viên đã nêu trên báo cáo kiểm toán.

Có một thực tế là nhiều DN hạch toán lợi nhuận vào một quý rất cao một cách có chủ đích, nhưng quý sau hoặc cả năm lại thấp. Vậy, làm thế nào để có thể nhận biết một phần vấn đề này?

Việc các DN có kết quả kinh doanh đột biến vào một quý nào đó trong năm thường do các trường hợp sau: một là các DN hoạt động theo chu kỳ kinh doanh trong năm (ví dụ các DN sản xuất hoặc thương mại bánh kẹo, thông thường quý I sẽ phát sinh doanh thu và lợi nhuận lớn do vào dịp Tết, lượng tiêu thụ hàng mạnh, hoặc như các DN xây lắp thường ký biên bản nghiệm thu khối lượng vào cuối năm, do đó, doanh thu và lợi nhuận sẽ tập trung nhiều vào quý IV). Hai là DN có kết quả đột biến do thanh lý tài sản, bán cổ phiếu đầu tư được giá cao, thu hồi được khoản công nợ khó đòi từ các năm trước…

Tất nhiên, cũng có các trường hợp DN cố tình hạch toán lợi nhuận vào một quý. Tuy nhiên, để nhận biết vấn đề này NĐT cần có hiểu biết nhất định về hoạt động kinh doanh của DN cũng như đưa ra các nhận định khi phân tích sự biến động kết quả kinh doanh giữa các quý cùng kỳ của năm trước và năm sau.

Quý I/2014 và năm 2013, có nhiều DN công bố lãi lớn, nhưng nhiều NĐT băn khoăn không biết DN có dòng tiền thực hay chỉ là lãi trên sổ sásch. Cần nhìn nhận vấn đề này như thế nào, thưa ông?

Ở một số DN, việc chuyển công ty con thành công ty liên kết trong trường hợp đối tác hoạt động kinh doanh thua lỗ không chỉ là động tác thay đổi kỹ thuật, giúp DN không bị phụ thuộc nhiều vào BCTC của công ty con khi lập BCTC hợp nhất, mà còn mang lại một số thuận lợi cho công ty mẹ như: hoàn nhập dự phòng giảm giá chứng khoán và được ghi nhận “Lợi nhuận từ công ty liên doanh, liên kết” tương ứng với tỷ lệ sở hữu khi đối tác trở thành công ty liên kết.

Mặc dù dòng tiền thực chất là không có, nhưng lãi vẫn phát sinh do công ty được hoàn nhập dự phòng giảm giá chứng khoán và đây vẫn là khoản lãi thực của DN. Do đó, trong trường hợp này, NĐT cần có cái nhìn tổng quát về kết quả kinh doanh cũng như dòng tiền của DN để phân tích được khoản lãi/lỗ trong DN có phát sinh dòng tiền thực hay không.

PV

Tin liên quan

Tin cùng chuyên mục