Hiểu hơn về “sức khỏe” doanh nghiệp

(ĐTCK) Để có chiến lược đầu tư hợp lý, trong mùa ĐHCĐ đang diễn ra, cổ đông cần tranh thủ cơ hội đối thoại trực tiếp với ban lãnh đạo DN để hiểu hơn về “sức khỏe” tài chính DN.
Ông Trương Anh Hùng Ông Trương Anh Hùng

Đó là chia sẻ của ông Trương Anh Hùng, Phó tổng giám đốc Dịch vụ kiểm toán, Công ty Deloitte Việt Nam.

Thưa ông, muốn đánh giá “sức khỏe” của DN thông qua xem xét báo cáo tài chính, NĐT cần quan tâm tới các thông tin chính yếu nào?

“Sức khỏe” của DN xét trên góc độ đánh giá về tài chính thường được xem xét trên nhiều chỉ số. Chỉ số nên ưu tiên xem xét là mức độ phụ thuộc vào vốn vay và nợ phải trả. Chỉ tiêu này thường được tính bằng tổng nợ phải trả/vốn chủ sở hữu trên bảng cân đối kế toán, được dùng để đánh giá mức độ an toàn về tài chính mà tự DN có thể tài trợ cho hoạt động đầu tư, kinh doanh của mình, hay phải phụ thuộc vào vốn vay/phải trả bên ngoài. Thông thường, tỷ lệ này lớn hơn 1 tức là DN bị nghiêng về phụ thuộc vào vốn vay/phải trả bên ngoài. Ở góc độ khác, tỷ lệ vốn vay và nợ phải trả cũng thể hiện đòn bẩy tài chính của DN. DN có tỷ lệ này lớn hơn 1 nghĩa là DN tận dụng được nguồn vốn bên ngoài để tài trợ cho hoạt động của mình, nó sẽ tạo động lực để DN thúc đẩy kinh doanh để trả các khoản vay. Khi xem xét vấn đề này, cần quan tâm đến chi phí lãi vay phải trả so với lãi từ hoạt động kinh doanh để đánh giá hiệu quả của việc sử dụng vốn vay.

Khi DN có tỷ lệ vốn vay và nợ phải trả cao mà muốn giảm xuống, họ thường cân nhắc tăng vốn điều lệ, hoặc phát hành trái phiếu chuyển đổi để tái cơ cấu nguồn vốn, hoặc xem xét các giải pháp cơ cấu lại tài sản nhằm dần cân bằng giữa nợ phải trả và vốn chủ sở hữu. Trong giai đoạn hiện nay, nhiều DN đang tìm kiếm cơ hội để tái cơ cấu tài sản và nguồn vốn. Điều này có thể được nhận thấy trong mùa ĐHCĐ năm nay.

Thực tế, không ít DN có lãi lớn nhưng vẫn gặp khó khăn về khả năng thanh toán và ngược lại. Phải hiểu thực tế này như thế nào, thưa ông?

Khả năng thanh toán là rất quan trọng để đánh giá “sức khỏe” trong ngắn hạn của DN. Nó thường được tính bằng tổng tài sản ngắn hạn/tổng nợ phải trả ngắn hạn (nợ phải trả trong vòng 1 năm), đồng thời thể hiện khả năng trả được các khoản nợ đến hạn trong vòng 1 năm có gặp khó khăn gì không. Việc phân tích chỉ số này có vẻ đơn giản trong điều kiện nền kinh tế phát triển bình thường. Tuy nhiên, khi nền kinh tế suy thoái hoặc đình trệ, thì việc phân tích tỷ lệ này cần cân nhắc đến các yếu tố thanh khoản của các khoản hàng tồn kho, thậm chí là nợ phải thu. Tuy hàng tồn kho và nợ phải thu được coi là tài sản lưu động ngắn hạn, nghĩa là có khả năng chuyển thành tiền trong ngắn hạn, nhưng thực tế của từng ngành nghề kinh doanh lại rất khác nhau. Do đó, vòng quay của hàng tồn kho và nợ phải thu của DN cũng rất khác nhau. Bởi vậy, có thể phải xem xét kỹ hơn đến vòng quay của chúng để đánh giá “sức khỏe” của DN trong ngắn hạn.

Việc DN có lãi nhiều nhưng vẫn gặp khó khăn về khả năng thanh toán ngắn hạn là do không cân đối giữa vòng quay của hàng tồn kho và khoản phải thu với các khoản nợ phải trả ngắn hạn. Ngược lại, DN không có lãi hoặc lỗ nhưng vẫn có đủ hoặc thừa khả năng thanh toán nợ ngắn hạn. Vì sao như vậy? NĐT có thể xem thêm trong báo cáo lưu chuyển tiền tệ để thấy được dòng tiền tạo ra từ hoạt động kinh doanh là bao nhiêu. Dòng tiền đó âm hay dương, nếu âm thì nó được bù đắp bằng đi vay hay góp vốn của cổ đông? Nếu dòng tiền hoạt động kinh doanh dương, thì nó tài trợ cho đầu tư mua sắm tài sản thế nào, hay để trả các khoản vay ngân hàng, hay để trả cổ tức…? Muốn tăng khả năng thanh toán, DN thường đẩy nhanh tốc độ giải phóng hàng tồn kho, thúc đẩy thu tiền phải thu khách hàng.

 

Cần xem xét khả năng sinh lời của DN như thế nào cho chuẩn xác, thưa ông?

Khả năng sinh lời thường được các NĐT quan tâm đầu tiên, nhưng nó cần được xem xét cùng với các hiểu biết nói trên về chất lượng của cơ cấu tài chính và tài sản sinh lời của DN. Tốc độ tăng trưởng/suy giảm doanh thu được quan tâm đầu tiên kèm theo là tăng/giảm tỷ lệ lãi gộp. Tỷ lệ lãi gộp được tính bằng lãi gộp/doanh thu. Tỷ lệ này phản ánh tương đối cơ bản về sự thay đổi (nếu có) tình hình kinh doanh của ngành nghề mà DN đang hoạt động. Khi tỷ lệ này thay đổi đáng kể mà không phải do thay đổi chính sách kế toán, thì thông thường do có sự thay đổi trong thị trường mà DN đang kinh doanh. Sự thay đổi đó có thể là giá bán giảm, mà giá mua nguyên vật liệu/chi phí đầu vào không giảm. Ngược lại, có thể là giá mua nguyên liệu tăng, mà giá bán thì không tăng. Hoặc có thể do quy mô bán hàng giảm đáng kể dẫn đến tốc độ giảm doanh thu lớn, trong khi nhiều chi phí cố định không thể giảm. Việc hiểu được nguyên do biến động này có thể giúp DN tìm kiếm được các giải pháp kinh doanh kịp thời, phù hợp để hạn chế lỗ hoặc tăng lãi.

Việc xem xét lãi của DN không nên chỉ nhìn vào chỉ tiêu lãi sau thuế của DN, mà phải xem xét lãi từ hoạt động kinh doanh chính qua các năm để đánh giá sự ổn định của lãi qua từng thời kỳ thế nào. Nếu trong năm DN có các khoản thu nhập bất thường, thì cần tìm hiểu thêm những thay đổi trong chiến lược kinh doanh của DN và cơ cấu lại tài sản có hay không, nếu sau khi cơ cấu lại tài sản thì lãi từ hoạt động kinh doanh chính sẽ có chiều hướng thế nào trong thời gian tới.

Hữu Đạo thực hiện.
Hữu Đạo thực hiện.

Tin cùng chuyên mục