Soi một số thủ thuật làm đẹp dòng tiền

(ĐTCK) Với việc các nguyên tắc dồn tích trong kế toán đã bị lợi dụng qua nhiều thế hệ, tại nhiều quốc gia trên thế giới, nhà đầu tư dần có cái nhìn thận trọng hơn về chất lượng lợi nhuận của doanh nghiệp và tập trung hơn vào dòng tiền từ hoạt động kinh doanh (CFFO). Tuy nhiên, giới chủ doanh nghiệp “thấu hiểu” nhu cầu này nên đã sử dụng các kỹ thuật nhằm tạo ra một dòng tiền kinh doanh mạnh cho công ty.
Nhà đầu tư nên chọn những công ty có chính sách kế toán nhất quán. Nhà đầu tư nên chọn những công ty có chính sách kế toán nhất quán.

Trong môi trường kinh doanh liên tục biến đổi, việc cập nhật các kỹ năng, chuyên môn là phần không thể thiếu của công việc đầu tư. Ðã tới lúc nhà đầu tư nhận diện các kỹ thuật “gian lận” dòng tiền kể trên để có được cái nhìn chân thực nhất về hiệu quả hoạt động kinh doanh của doanh nghiệp.

Dòng tiền chảy trong doanh nghiệp được phân loại thành 3 phần dựa trên bản chất của giao dịch: Kinh doanh, đầu tư và tài chính. Trong đó, dòng tiền kinh doanh được nhà đầu tư để mắt tới nhiều nhất vì liên quan tới hoạt động kinh doanh chính và vận hành của doanh nghiệp. Các kỹ thuật gian lận tài chính dù là vô tình hay có chủ ý cũng sẽ tác động ít nhiều tới dòng tiền, ở bài viết này sẽ xét trong khía cạnh gian lận có chủ ý.

Theo đó, tuy có nhiều kỹ thuật, nhưng có một nguyên lý chung là “lấy của người giàu chia cho người nghèo”, tức dịch chuyển dòng tiền của hoạt động kinh doanh sang một trong hai dòng tiền còn lại. Dòng tiền thu từ đầu tư và tài chính lại được ghi nhận ngược lại vào dòng tiền thu về từ hoạt động kinh doanh. Những “chiêu” thường được sử dụng có thể chia thành ba nhóm chính theo Howard M.Schilit (CEO của CFRA) và Jeremy Perler (Giám đốc nghiên cứu của tổ chức CFRA - Center of Finanicial Research and Analysis).

Di chuyển dòng tiền từ hoạt động tài chính (CFFF) sang dòng tiền hoạt động kinh doanh (CFFO)

Kỹ thuật đầu tiên là ghi nhận CFFO ảo từ việc vay mượn ngân hàng thông thường. Cụ thể, khi doanh nghiệp vay vốn lưu động từ ngân hàng sẽ phải thế chấp các quyền tài sản như các hợp đồng phải thu, hoặc hàng hóa hình thành từ tài sản đó như hàng tồn kho luân chuyển và được đăng ký các giao dịch đảm bảo xác nhận.

Từ sau những gian lận hàng tồn kho ảo, các ngân hàng trở nên thận trọng hơn trong việc nhận các tài sản đảm bảo dạng này, coi đây là một dạng tài sản bổ sung để xử lý, không phải cơ sở để cho vay, giải ngân, dù đây là một giao dịch vay mượn rất bình thường. Tuy nhiên, điều bất thường xảy ra khi doanh nghiệp thực sự không có nhu cầu vay, nhưng lại muốn “bán” sản phẩm này cho ngân hàng. Khi đó, giao dịch sẽ diễn ra tương tự như một hợp đồng Repo, tức là doanh nghiệp bán hàng hóa kèm theo một điều khoản mua lại trong khoảng thời gian ngắn sau đó với giá cao hơn số tiền nhận ban đầu.

Về bản chất kinh tế, đây vẫn là một giao dịch vay mượn có tài sản đảm bảo, hạch toán đúng sẽ là tăng nợ vay và tiền, nhưng trong trường hợp này, doanh nghiệp có thể ghi nhận tiền từ ngân hàng như một dòng tiền vào từ hoạt động kinh doanh, dòng tiền trả nợ sau đó cũng thuộc dòng tiền ra từ hoạt động kinh doanh. Khi đó, doanh thu, lợi nhuận và cả dòng tiền kinh doanh trong trường hợp này đều tăng trước khi chốt sổ cho kỳ kế toán.

Vấn đề trở nên phức tạp hơn một chút, khi các tập đoàn thành lập tổ chức có mục đích đặc biệt (SPEs) nhằm ký một hợp đồng vay nợ với nhiều ngân hàng. Số tiền các SPEs vay được sẽ tài trợ cho việc mua lại hàng hóa từ tập đoàn mẹ. Dòng tiền từ SPEs chảy qua tập đoàn sẽ được ghi nhận là dòng vào của CFFO. Trên thực tế, không có dòng tiền thực nào được tạo ra và chỉ đơn thuần là bỏ tiền từ túi bên trái qua túi bên phải, nhưng lại không phải ghi nhận dòng ra của CFFO.

Trên thực tế, kỹ thuật này đã được “Made in Vietnam” dưới hình thức tinh vi và phức tạp hơn. Bằng việc các SPEs trực tiếp sở hữu ngược lại cổ phần trong tập đoàn và bán hàng dưới thương hiệu của tập đoàn mẹ. Cụ thể, SPEs dùng nguồn vốn tài trợ từ ngân hàng để nhập nguyên vật liệu bán lại cho tập đoàn, sau đó mua lại thành phẩm và bán ra ngoài thị trường dưới thương hiệu của tập đoàn mẹ. Ðây là một hình thức chuyển giá hay xảy ra tại thị trường Việt Nam vượt lên trên mức gian lận và làm đẹp báo cáo tài chính.

Kỹ thuật thứ hai là tăng CFFO bằng việc bán các khoản phải thu trước khi tới ngày thu hồi thực tế. Quy trình thực hiện cũng tương tự như trường hợp bán sản phẩm của công ty cho ngân hàng và ghi nhận sai bản chất. Ngoài ra, doanh nghiệp có thể sử dụng các công cụ chưa được phổ biến rộng rãi tại Việt Nam là bao thanh toán và chứng khoán hóa.

Dấu hiệu nhận biết trong trường hợp này là các khoản phải thu giảm rất mạnh trong một khoảng thời gian ngắn. Những khoản phải thu này chưa tới hạn và sẽ được “bổ sung” vào dòng tiền hoạt động kinh doanh trong tương lai, nhưng được doanh nghiệp mang ra sử dụng để làm đẹp báo cáo trước. Việc này sẽ để lại một “lỗ hổng” lớn trong tương lai. Ngoài ra, với hành động này, có thể suy luận rằng doanh nghiệp gặp khó khăn về vốn lưu động, nhưng không muốn tìm tới ngân hàng vì thêm một khoản vay sẽ làm “xấu” đi báo cáo tài chính.

Nhà đầu tư bên cạnh việc phân tích những chỉ tiêu trung bình cần quan tâm tới số dư phải thu tại thời điểm cuối mỗi quý. Thông thường, từ khi diễn ra việc khủng hoảng dòng tiền cho tới khi doanh nghiệp phá sản là một khoảng thời gian không dài, do các công ty thường tìm nhiều cách để che đậy tình hình, cũng như sự khó khăn về thanh khoản.

Ðáng chú ý, chính sách kế toán của doanh nghiệp cũng sẽ nói cho nhà đầu tư biết các rủi ro tiềm ẩn từ việc ghi nhận doanh thu theo hình thức ước lượng khối lượng công việc hoàn thành mà không có xác nhận của khách hàng, dẫn tới việc không thống nhất được khi xuất hóa đơn, chứng từ thực tế và các khoản phải thu đã được ghi nhận kéo dài thời gian thu hồi, gây khó khăn cho thanh khoản, ảnh hưởng tới kết quả kinh doanh.

Một số doanh nghiệp lớn thuộc ngành xây dựng của Việt Nam sử dụng phương pháp này để tăng trưởng nóng và để lại hậu quả là những khoản nợ quá hạn phải trích lập, ăn vào lợi nhuận hoạt động của doanh nghiệp trong các kỳ kế toán sau. Trên thực tế, nhà đầu tư không thể biết được danh sách các khách hàng quá hạn với số tiền từng người thế nào, tuổi nợ bao nhiêu và công ty có trích lập đúng theo quy định của pháp luật hay không.

Kỹ thuật thứ ba là tăng CFFO bằng việc giả mạo doanh thu từ các khoản phải thu. Những khoản doanh thu ảo tạo ra các khoản phải thu ảo mà không bao giờ có thể thu hồi được, vì các giấy tờ tạo ra không đi kèm với bản chất kinh tế thực hoặc ít nhất việc ghi nhận không đúng thời điểm. Ngay cả ngân hàng cũng phải “dè chừng” với các tài sản này vì việc lập ra các SPEs ở Việt Nam không hề khó để phục vụ cho mục đích riêng của chủ doanh nghiệp.

Do dấu hiệu của kỹ thuật này rất khó để nhận biết, cách tốt hơn để giảm thiểu rủi ro cho nhà đầu tư là chọn các công ty được kiểm toán bởi Big4, xem xét kỹ chính sách kế toán và các thuyết minh về những khoản mục trọng yếu đối với các khách hàng có số dư lớn. Bất kỳ quyết định quản trị nào liên quan tới việc thay đổi chính sách kế toán (accounting decision) cũng là một dấu hỏi rất lớn đối với nhà đầu tư. Trên hết, nhà đầu tư nên chọn những công ty có khoản phải thu thấp với chính sách kế toán nhất quán.

Di chuyển dòng tiền ra từ hoạt động kinh doanh (CFFO) sang dòng tiền đầu tư (CFFI)

Với nhóm thủ thuật làm đẹp dòng tiền này, nhà đầu tư cần chú ý tới việc doanh nghiệp “đẩy mạnh” CFFO bằng các giao dịch boomerang - giao dịch được tạo ra giữa các bên độc lập nhưng là khách hàng của nhau, về bản chất là trao đổi các loại sản phẩm, dịch vụ với nhau và đôi bên cùng có lợi. Dòng tiền vào được phân loại là dòng tiền kinh doanh, trong khi tiền ra phân loại vào dòng tiền đầu tư để mở rộng hoạt động kinh doanh. Trên thực tế, dòng tiền ra hoàn toàn để phục vụ cho hoạt động kinh doanh chính mà không phải là hoạt động đầu tư.

Ví dụ, một công ty xây dựng cung cấp dịch vụ cho chủ đầu tư là công ty bất động sản được trả thu nhập một phần bằng chính các sản phẩm bất động sản, hoặc một doanh nghiệp sản xuất thép cung cấp thép cho các công ty xây dựng để xây nhà máy cho chính công ty thép. Ðây đều là những giao dịch dễ bị lẫn lộn về mặt bản chất kinh tế.

Kỹ thuật tiếp theo là vốn hóa không hợp lý các chi phí hoạt động thông thường. Lợi nhuận tăng do kéo giãn chi phí từ việc vốn hóa không hợp lý các chi phí thành tài sản là việc khó kiểm soát. Việc làm này phức tạp để nhận biết, nhưng rất dễ thực hiện đối với doanh nghiệp. Nó không những giúp tăng lợi nhuận, mà còn làm tăng dòng tiền hoạt động kinh doanh do dòng tiền ra được ghi nhận là dòng tiền đầu tư, sau đó lại được cộng ngược lại khi tính toán khấu hao cho những kỳ kế toán sau.

Các chi phí dễ bị vốn hóa liên quan tới các dự án dài hơi như: sửa chữa lớn, phát triển phần mềm, chi phí thu hút khách hàng (marketing), chi phí nghiên cứu và phát triển, chi phí lãi vay trong quá trình xây dựng cơ bản dở dang…

Những công ty thâm dụng vốn lớn như sản xuất thép, ngành điện, vận tải hàng không, dược, các doanh nghiệp khoa học công nghệ... thường phát sinh những chi phí hoạt động định kỳ này và cần được xem xét kỹ. Dòng tiền tự do cũng phát huy sức mạnh trong trường hợp này.

Sau cùng, nhà đầu tư cần chú ý tới chiêu ghi nhận việc mua hàng tồn kho như là dòng tiền ra của CFFI. Theo đó, để tránh việc gây hiểu lầm giữa các loại chi phí này, nhà đầu tư cần nắm rõ bản chất kinh tế, hoạt động kinh doanh của doanh nghiệp. Ví dụ, đối với các công ty khoa học công nghệ, tiền lương trả cho nhân viên trong nghiên cứu phát triển các sản phẩm nội bộ là một chi phí hoạt động thông thường.

Ðối với các công ty công nghệ hoặc dược, tiền trả để mua bản quyền, bằng sáng chế cũng được phân loại như dòng tiền hoạt động bình thường. Trong một số các giao dịch, các công ty này có thể không thanh toán tiền mặt ngay mà trả chậm, như vậy sẽ không tác động tới dòng tiền, dòng tiền ra để trả nợ trong tương lai có thể được ghi nhận vào dòng tiền tài chính.

Trong trường hợp này, nhà đầu tư có thể tìm kiếm các công ty cùng ngành nghề để so sánh chính sách giữa các doanh nghiệp, từ đó có được nguồn tham chiếu tốt hơn.

Tăng dòng tiền kinh doanh qua các thương vụ M&A

Tăng dòng tiền kinh doanh qua các thương vụ M&A là việc làm phổ biến tại các tập đoàn lớn thường xuyên thực hiện các thương vụ mua lại. Xét về mặt tích cực, các tập đoàn muốn mở rộng hoạt động sẽ đi tìm mua những công ty có lợi thế cạnh tranh bền vững với dòng tiền mạnh. Tuy nhiên, ở góc độ tiêu cực, khi muốn che giấu sự yếu đi của dòng tiền, doanh nghiệp có thể sử dụng các kỹ thuật như sau:

Thứ nhất, thừa hưởng CFFO thông thường trong các thương vụ M&A. Nhờ lỗ hổng trong các nguyên tắc kế toán, việc mua lại các công ty làm thúc đẩy CFFO. Cụ thể, việc mua lại bằng tiền mặt sẽ thể hiện dòng tiền ra trong hoạt đồng đầu tư, nhưng khi mua lại bằng phát hành cổ phiếu, không có dòng tiền phát sinh. Việc hợp nhất làm gia tăng doanh thu, lợi nhuận và tài sản của công ty mẹ một cách nhanh chóng, nhất là khi các công ty bị mua lại có dòng tiền kinh doanh mạnh, vốn lưu động ròng luôn dương...

Một thương vụ sẽ không đủ lớn để tác động tới tình hình công ty mẹ, nhưng vài chục hoặc vài trăm thương vụ thì có khả năng đạt được “sức mạnh cộng hưởng”. Một số công ty còn tích cực hơn khi tham gia vào các thương vụ này, bằng cách kéo giãn thời gian thu hồi nợ, trì hoãn việc bán hàng và kéo dài công nợ với nhà cung cấp qua thời điểm hợp nhất, các công ty có thể có một dòng tiền dồi dào và báo cáo đẹp hơn sau khi hợp nhất.

Nhà đầu tư cần hiểu rằng, dòng tiền mạnh lên đơn giản là do thừa hưởng từ các thương vụ M&A dù là vô tình hay hữu ý, trong khi hiệu suất của các thương vụ M&A khó có thể đo lường được ngay vì có các điều khoản bí mật trước, trong và sau các thương vụ. Thực tế, việc các tập đoàn bất động sản và đa ngành nghề khác như bán lẻ, tiêu dùng thực hiện hàng loạt thương vụ M&A có lẽ không phải là cuộc chơi mà những nhà đầu tư cá nhân, nhỏ lẻ có thể tham gia.

Thứ hai, mua lại những hợp đồng hoặc khách hàng thay vì tự thân phát triển. Thông thường, các công ty tự sản xuất, tự phân phối trực tiếp qua kênh bán hàng của mình và qua các đại lý có thể sử dụng kỹ thuật này. Với việc “mua lại” những hợp đồng bán hàng từ mạng lưới các đại lý, dòng tiền ra thực chất là tiền chi ra cho hoạt động kinh doanh và công ty có thể dễ dàng ghi nhận nó vào dòng tiền đầu tư.

Một số doanh nghiệp “sáng tạo” hơn bằng cách đưa ra một “mức phí kết nối nhà phân phối”. Dĩ nhiên các nhà phân phối sẽ không chấp nhận điều khoản này, bù lại công ty sẽ nâng giá mua các hợp đồng đúng bằng mức phí phân phối này và như vậy lượng tiền chi ra không có gì khác biệt, nhưng mức phí ghi trong hợp đồng được ghi nhận là dòng tiền vào từ hoạt động kinh doanh.

Thứ ba, gia tăng CFFO bằng việc “sáng tạo” trong bán các tài sản. Theo đó, khi hoạt động khó khăn, hiệu suất sử dụng tài sản của các công ty cũng sẽ rất thấp. Ðể tái cấu trúc, việc bán tài sản là một trong những phương án chủ chốt.

Tuy nhiên, ngay cả khi khó khăn nhất, doanh nghiệp cũng không quên mong muốn làm đẹp báo cáo tài chính bằng cách bán tài sản ở giá chiết khấu cho đối tác quen thuộc trong chuỗi giá trị, đồng thời bên đối tác sẽ cam kết mua lại hàng hóa tương lai với giá cao hơn giá thị trường (hai khoản chênh lệch này bù trừ lẫn nhau với bản chất không thay đổi là bán tài sản và bán sản phẩm của công ty).

Theo lẽ thông thường, việc bán tài sản làm phát sinh thu nhập và dòng tiền vào từ hoạt động đầu tư rất lớn. Phần chênh lệch được ghi nhận vào khoản phải thu của bên bán tài sản và sẽ được thanh toán trong kỳ sau khi bên mua thực hiện mua sản phẩm. Như vậy, kết quả sau cùng, thu nhập từ hoạt động đầu tư sẽ giảm xuống, dòng tiền từ hoạt động kinh doanh lại tăng lên do công ty bóp méo bản chất kinh tế thực của các giao dịch.

Giao dịch này khá phức tạp về mặt hạch toán kế toán và “thông minh” nhưng đã xảy ra tại Việt Nam trong lĩnh vực tôn thép, xây dựng dù họ không có chủ đích làm đẹp dòng tiền mà chuyển hẳn dòng tiền ra khỏi công ty.

Ngoài ra, còn nhiều thủ thuật và các kỹ thuật khác để làm đẹp bức
tranh tài chính của doanh nghiệp. Nhiệm vụ của nhà đầu tư là phải học hỏi không ngừng nhằm bảo vệ chính bản thân mình và tuân thủ nguyên tắc tối quan trọng trong đầu tư là “không để mất tiền”. 

VOT partners ( Email: info@votpartners.com)

Tin liên quan

Tin cùng chuyên mục