Tại Hà Nội, ấn tượng nhất là sự “tái khởi động” Dự án AZ Vân Canh của chủ đầu tư đã một thời bị đưa vào “danh sách đen” là CTCP Bất động sản AZ (AZ Land). Trước đó, ngay sau Tết Giáp Ngọ 2014, AZ Land cũng đã triển khai xây dựng tiếp Dự án AZ Lâm Viên Complex sau 2 năm tạm dừng.
Theo đánh giá của nhiều sàn giao dịch bất động sản có uy tín tại Thủ đô, đây là những dự án đình đám một thời do vị trí đẹp, giá rẻ và được giới đầu cơ săn lùng. Nhưng khi thị trường bất động sản kém thanh khoản, các nhà đầu cơ lướt sóng rút chạy, việc thi công cũng vì thế bị ngưng trệ.
Trao đổi với Đầu tư Bất động sản mới đây, ông Bùi Viết Sơn, Tổng giám đốc AZ Land cho biết, Công ty đã nỗ lực đàm phán với Agribank Chi nhánh Nam Hà Nội để ký hợp đồng rót 400 tỷ đồng, nhằm tiếp tục xây dựng và hoàn thiện Dự án AZ Vân Canh. Vì thế, trong thời gian qua, AZ Land đã đẩy nhanh tiến độ thi công dự án này để bàn giao nhà cho khách hàng vào giữa năm tới.
Không chỉ có AZ Land mà tại Hà Nội, còn có nhiều DN đã giành lại được sự tin tưởng của ngân hàng, khi tiếp cận được nguồn tín dụng mới như CTCP Đầu tư Hải Phát vừa ký hợp đồng với Ngân hàng Quân đội giải ngân 500 tỷ đồng tiếp tục xây dựng Toà tháp HP Landmark Tower; hay như Ngân hàng Liên Việt Post Bank cũng đã đồng ý rót tiếp 500 tỷ đồng để hoàn thiện dự án Tổ hợp trung tâm thương mại, nhà ở cao cấp Tháp hoa Kim cương - Diamond Flower Tower do CTCP Đầu tư và phát triển nhà Hà Nội Handico 6 làm chủ đầu tư.
Tại TP. HCM, ấn tượng nhất là sự “trỗi dậy” của hai dự án căn hộ với thương hiệu Icon 56 và Galaxy 9. Thực chất, đây không phải là dự án mới, mà đều đã xây dựng dở dang và nằm bất động một thời gian dài do chủ đầu tư không đủ năng lực tài chính để hoàn thiện. Với kinh nghiệm phát triển dự án, Novaland đã quyết định bắt tay với chủ đầu tư cũ, đồng thời rót thêm tiền để khởi động lại dự án này.
Và mới đây nhất, CTCP Tổ chức Nhà Quốc gia (N.H.O) vừa tuyên bố sẽ đầu tư xây dựng 25.000 căn nhà tại TP. HCM, Hà Nội, Đà Nẵng, Bình Dương, Quảng Ngãi và An Giang. Theo đó, tổng mức đầu tư của dự án lên đến 20.612 tỷ đồng với tổng quỹ đất là 230 héc-ta. Trong số 14 dự án mà N.H.O đầu tư, cũng có nhiều dự án được mua lại từ những chủ đầu tư không có khả năng tiếp tục triển khai dự án.
Theo ông Nguyễn Quốc Khánh, Chủ tịch Liên minh sàn giao dịch bất động sản G5, nhiều dự án bất động sản đang tái khởi động xây dựng và bán hàng, cho thấy quyết tâm của các chủ đầu tư nhằm lấy lại niềm tin của khách hàng. Hơn nữa, việc khởi động lại các dự án vào thời điểm này cũng có nhiều thuận lợi, vì thị trường bất động sản đã có những tín hiệu khả quan, nên triển vọng bán hàng cũng sáng sủa hơn.
Bên cạnh đó, nguồn vốn cho các dự án bất động sản cũng phong phú hơn nhiều. Nếu như gói hỗ trợ tín dụng trị giá 30.000 tỷ đồng chủ yếu nhắm tới đối tượng vay là người mua nhà, thì liên tiếp thời gian qua, có hàng loạt chương trình tín dụng hướng đến đối tượng khách hàng là các chủ đầu tư như gói tín dụng 50.000 tỷ đồng theo mô hình liên kết 4 nhà (chủ đầu tư, nhà thầu, nhà cung cấp vật liệu xây dựng và nhà băng); hay như mới đây nhất là gói tín dụng 10.000 tỷ đồng do Tập đoàn Thiên Thanh và Ngân hàng Xây dựng Việt Nam (VNCB) thiết kế...
Về mặt chính sách, trong kỳ họp dự kiến bắt đầu từ ngày 20/5 này của Quốc hội, Chính phủ sẽ trình 2 dự luật quan trọng là Luật Nhà ở và Luật Kinh doanh bất động sản với nhiều quy định mới, nhằm tháo gỡ khó khăn cho thị trường, trong đó có những dự án bất động sản bị đình trệ thời gian qua.
Có thể nói, với những thuận lợi và sự nỗ lực từ nhiều phía, sẽ có nhiều hơn nữa những dự án bất động sản đang nằm “bất động” trên cả nước được tiếp sức để tiếp tục hoàn thiện trong thời gian tới. Điều đó được kỳ vọng sẽ tạo ra một diện mạo mới cho thị trường bất động sản, thực tế đang thiếu nguồn cung những căn hộ trung bình đã hoặc sắp hoàn thiện.