Sự ngần ngừ của doanh nghiệp nhà nước
Đến ngày 19/8, tiêu chí phân loại doanh nghiệp nhà nước mới sẽ có hiệu lực. Kế hoạch sắp xếp lại doanh nghiệp giai đoạn 2021 - 2025 sẽ phải đợi đề nghị của các cơ quan đại diện chủ sở hữu, các bộ, ngành liên quan theo tiêu chí mới trước khi Bộ Kế hoạch và Đầu tư tổng hợp, trình Thủ tướng Chính phủ vào quý III/2021.
Nhưng khoảng thời gian này không phải để trống với các hoạt động sắp xếp, tái cơ cấu doanh nghiệp nhà nước.
Ngay trong Quyết định 22/2021/QĐ-TTg về tiêu chí phân loại doanh nghiệp nhà nước, doanh nghiệp có vốn nhà nước thực hiện chuyển đổi sở hữu, sắp xếp lại, thoái vốn giai đoạn 2021 - 2025, Thủ tướng Chính phủ đã yêu cầu tiếp tục thực hiện theo các danh mục doanh nghiệp cổ phần hóa và thoái vốn đến hết năm 2020 đã ban hành trước cho đến khi có kế hoạch sắp xếp lại doanh nghiệp giai đoạn 2021 - 2025 mới.
Tuy nhiên, ông Đặng Quyết Tiến, Cục trưởng Cục Tài chính doanh nghiệp (Bộ Tài chính) đang lo ngại đây là lý do khiến các nỗ lực sắp xếp lại doanh nghiệp nhà nước trong năm nay tiếp tục chậm.
“Tốc độ cổ phần hóa trong 6 tháng đầu năm 2021 chậm có lý do ảnh hưởng bởi Covid-19, doanh nghiệp tập trung phòng chống dịch, khiến các hoạt động liên quan đến thoái vốn, cổ phần hóa bị gián đoạn. Nhưng nguyên nhân chủ quan vẫn là chủ yếu”, ông Tiến phân tích.
Nguyên nhân chủ quan này chính là tâm lý chờ đợi danh mục mới của lãnh đạo các cơ quan đại diện chủ sở hữu, các bộ, UBND các địa phương, các doanh nghiệp nhà nước. Trong 6 tháng đầu năm, theo ông Tiến, các ban đổi mới của các tập đoàn, doanh nghiệp nhà nước và cả Ủy ban Quản lý vốn nhà nước tại doanh nghiệp rất ít hoạt động, họp bàn về triển khai các kế hoạch cổ phần hóa, thoái vốn theo danh mục đã ban hành.
“Thậm chí, những đề xuất hình thành các tập đoàn kinh tế tầm cỡ, theo mô hình sếu đầu đàn... cũng đang khiến nhiều doanh nghiệp ngần ngừ trong các đề xuất tái cơ cấu theo yêu cầu”, ông Tiến thẳng thắn.
Hệ quả là, 6 tháng đầu năm 2021, Bộ Tài chính mới nhận được báo cáo phê duyệt phương án cổ phần hóa 3 doanh nghiệp thuộc Tổng công ty Lương thực miền Bắc và Tập đoàn Công nghiệp Than - Khoáng sản Việt Nam (không thuộc danh mục doanh nghiệp cổ phần hóa được Thủ tướng Chính phủ phê duyệt). Tổng giá trị thoái vốn trong 6 tháng là 286,6 tỷ đồng, thu về 2.165 tỷ đồng, trong đó 85,1 tỷ đồng thu được từ thoái vốn tại 3 đơn vị thuộc Quyết định số 908/QĐ-TTg của Thủ tướng Chính phủ; số còn lại thu từ thoái vốn tại 9 doanh nghiệp thuộc Tập đoàn Công nghiệp Cao su Việt Nam, Tập đoàn Viettel, Nhà xuất bản Giáo dục Việt Nam, VNPT, Tổng công ty Thái Sơn.
Như vậy, số thu từ cổ phần hóa, thoái vốn nộp về Quỹ Hỗ trợ sắp xếp và phát triển doanh nghiệp trong 6 tháng qua mới là 276 tỷ đồng, so với dự toán ngân sách là 40.000 tỷ đồng từ thoái vốn, cổ phần trong năm nay, thì phần còn lại là rất lớn.
Nhưng vấn đề đáng ngại hơn đang nằm ở sự ngần ngừ của nhiều doanh nghiệp nhà nước.
Ngay khi Covid-19 xuất hiện vào đầu năm ngoái, TS. Nguyễn Đình Cung, nguyên Viện trưởng Viện Nghiên cứu quản lý kinh tế Trung ương (CIEM) đã cho rằng, đây là cơ hội làm mới doanh nghiệp nhà nước, để thực sự làm tốt vai trò dẫn dắt của khu vực này. Nhưng sau hơn 1 năm Covid-19, ông Tiến là người thể hiện sự nuối tiếc.
“Nếu khu vực doanh nghiệp nhà nước tận dụng được áp lực thay đổi do dịch bệnh, từ thay đổi quản trị doanh nghiệp, sắp xếp lao động, minh bạch thông tin, giảm chi phí hoạt động..., những việc thường rất khó làm trong giai đoạn bình thường, thì với quy mô, lợi thế thị trường, ngành nghề, khu vực này sẽ tìm được địa bàn để chiếm lĩnh, không chỉ trong nước, mà cả nước ngoài, khi thị trường đang cơ cấu lại rất mạnh. Hơn thế, mục tiêu tạo hệ sinh thái do doanh nghiệp nhà nước làm đầu chuỗi có thể thực hiện được ngay lúc này, khi các doanh nghiệp tư nhân đang gặp khó khăn, rất cần sự hỗ trợ về công nghệ, thị trường... của các doanh nghiệp quy mô lớn. Khi đó, nhiều doanh nghiệp nhà nước sẽ thành sếu đầu đàn theo đúng nghĩa”, ông Tiến nói.
Hơn thế, nếu hiệu quả hoạt động của doanh nghiệp nhà nước được cải thiện, thì khi lý do khách quan là dịch bệnh đi qua, sức hấp dẫn của khu vực này trên thị trường sẽ tăng lên. Khi đó, các con số thu về từ cổ phần hóa, thoái vốn trong 5 năm 2021 - 2015 sẽ không chỉ dừng lại ở mức đang dự kiến là 248.000 tỷ đồng.
Cũng phải nói thêm, đây là một nguồn lực mà Kế hoach Phát triển kinh tế - xã hội 5 năm 2021 - 2025 dành để đầu tư cho các công trình kết cấu hạ tầng trọng điểm, quan trọng quốc gia, địa phương và bổ sung vốn điều lệ cho một số doanh nghiệp nhà nước then chốt...
Những câu hỏi sau số liệu tích cực của khu vực tư nhân
TS. Lê Duy Bình, Giám đốc điều hành Economica Vietnam đặt nhiều kỳ vọng vào khu vực doanh nghiệp tư nhân, khi số vốn đăng ký mới và tăng thêm của khu vực này trong 6 tháng qua đã lên tới 2.095.163 tỷ đồng, tương đương khoảng 90 tỷ USD.
“Đây là nguồn lực rất lớn của nền kinh tế, nếu so với 15,27 tỷ USD vốn đăng ký cấp mới, điều chỉnh và góp vốn, mua cổ phần của khu vực có vốn đầu tư nước ngoài (FDI)”, ông Bình nói.
Trong số này, TS. Lê Duy Bình đặc biệt quan tâm đến hơn 23.000 doanh nghiệp đăng ký tăng vốn, với số vốn tăng thêm là 1.152.515 tỷ đồng, tương đương khoảng 50 tỷ USD. Lý do là, tiềm năng giải ngân vốn đăng ký ngay trong năm nay thuộc về 23.000 doanh nghiệp này. Như vậy, đây sẽ là khu vực chính tạo việc làm, đóng góp ngân sách, tạo tăng trưởng cho nền kinh tế trong năm nay.
“Tất nhiên, số lượng doanh nghiệp rút lui cũng rất lớn, nhưng nền kinh tế đang nhìn thấy sự sàng lọc, tái cơ cấu mạnh mẽ, dù đau đớn. Chúng ta đang cần những doanh nghiệp có trình độ công nghệ cao hơn, quản trị tốt hơn, thích ứng tốt hơn với xu thế phát triển mới”, ông Lê Duy Bình lý giải góc nhìn tích cực của mình.
Cũng phải nói thêm, khi nhìn nhận số liệu về doanh nghiệp, PGS-TS Bùi Quang Tuấn, Viện trưởng Viện Kinh tế Việt Nam vẫn rất lo lắng khi nhìn vào dòng số liệu doanh nghiệp đang ngừng và chờ giải thể, với 20 - 23%.
“Có thể họ đã là anh hùng hơn một năm qua, nhưng giờ phải buông tay. Thực tế này sẽ ảnh hưởng đến mục tiêu tăng trưởng của nền kinh tế trong năm nay, khi mà các doanh nghiệp mới đăng ký có thể chưa đóng góp nhiều được”, ông Tuấn lo ngại.
Nhưng điều này cũng đồng nghĩa với câu hỏi, làm thế nào để nguồn vốn đăng ký tăng thêm phát huy tối đa; làm thế nào để các doanh nghiệp đang tính tới việc tạm ngưng có thể tiếp cận được các nguồn hỗ trợ cần thiết để tiếp tục hoặc thực hiện tái cơ cấu khi dịch bệnh vẫn đang rất phức tạp.
Mặc dù các gói hỗ trợ doanh nghiệp vẫn đang được tiếp tục, trên cơ sở kéo dài các giải pháp đã đưa ra từ năm ngoái, nhưng các chuyên gia cho rằng, vẫn cần đến những gói giải pháp căn bản, có ý nghĩa lâu dài hơn, chính sách kinh tế vĩ mô cần nới lỏng có chừng mực, để hỗ trợ doanh nghiệp và giữ dư địa để giúp nền kinh tế bật lên sau dịch.
Ông Nguyễn Anh Dương, Trưởng ban Nghiên cứu tổng hợp (CIEM) cho rằng, dư địa đang có cho các gói mới, dù nguồn lực có hạn hẹp.
“Việc thực thi các gói hỗ trợ cần đặc biệt được quan tâm sau bài học của năm 2020. Đi cùng với đó là các gói hỗ trợ phục hồi kinh tế hướng vào các động lực tăng trưởng, với khu vực doanh nghiệp có mối liên kết với các chuỗi giá trị, với các đối tác đang phục hồi sớm, các dự án có tính liên kết vùng và khu vực kinh tế số”, ông Dương chia sẻ quan điểm.
Đặc biệt, thời điểm này, theo ông Dương, nếu tận dụng được tốc độ phục hồi của các đối tác kinh tế, các doanh nghiệp sẽ có cơ hội bứt phá nhanh. Vì vậy, các chính sách hỗ trợ doanh nghiệp cần được xây dựng một cách tinh tế và thực dụng.
Theo đánh giá của Nikkei vừa công bố cuối tuần trước, Trung Quốc, Singapore, Mỹ, Anh... đang là những nền kinh tế có tốc độ phục hồi cao.
Tuy vậy, ông Dương cũng cho biết, các điều kiện của những thị trường này đã có nhiều thay đổi so với trước dịch bệnh. “EU vừa đưa ra nghiên cứu về kinh tế tuần hoàn trong ngành dệt may, với những tính toán cho việc đưa ngành này quay lại EU, thay vì tận dụng lợi thế nhân công của các nước đang phát triển. Tôi cho rằng, Chính phủ và doanh nghiệp thay đổi cách tiếp cận khi bàn về phát triển bền vững”, ông Dương nói.
Các chính sách thúc đẩy doanh nghiệp, nền kinh tế phục hồi một cách bền vững đang là những đề xuất được giới nghiên cứu kinh tế nhắc đến, đòi hỏi nỗ lực cải cách ở cả góc độ Chính phủ và doanh nghiệp. Chỉ khi đó, các đợt sàng lọc, tái cơ cấu doanh nghiệp mới thực sự có ý nghĩa tích cực trong giai đoạn tăng trưởng tới của nền kinh tế.
Nếu khu vực doanh nghiệp nhà nước tận dụng được áp lực thay đổi do dịch bệnh, từ thay đổi quản trị doanh nghiệp, sắp xếp lao động, minh bạch thông tin, giảm chi phí hoạt động..., những việc thường rất khó làm trong giai đoạn bình thường, thì với quy mô, lợi thế thị trường, ngành nghề, khu vực này sẽ tìm được địa bàn để chiếm lĩnh, không chỉ trong nước, mà cả nước ngoài, khi thị trường đang cơ cấu lại rất mạnh.
Ông Đặng Quyết Tiến, Cục trưởng Cục Tài chính doanh nghiệp (Bộ Tài chính)
Bài viết triển khai thực hiện Nghị quyết 84/NQ-CP ngày 29/5/2020 của Chính phủ về các nhiệm vụ, giải pháp tháo gỡ khó khăn cho sản xuất - kinh doanh, thúc đẩy giải ngân vốn đầu tư công, đảm bảo trật tự an toàn xã hội trong bối cảnh dịch Covid-19.
Xem thêm nội dung TẠI ĐÂY!