Số liệu từ Sở Kế hoạch và Đầu tư TP. Hà Nội cho biết, hiện ở Hà Nội có 523 dự án FDI của Nhật Bản, trong đó khoảng gần 500 dự án đang hoạt động sản xuất - kinh doanh, với tổng vốn đầu tư đưa vào thực hiện khoảng 3,3 tỷ USD.
Canon Việt Nam (vốn đầu tư 306,6 triệu USD), Hoya Glass Disk Việt Nam (230 triệu USD), Panasonic Electronic Devines (250 triệu USD), Yamaha Motor (123 triệu USD), Khu Thương mại, dịch vụ cộng đồng, triển lãm Aeonmall Himlam (200 triệu USD)… là những dự án đầu tư điển hình. Các dự án này đã và đang đóng góp lớn cho kinh tế - xã hội Thành phố.
Cụ thể, nếu như năm 2011, các doanh nghiệp Nhật Bản đầu tư ở Hà Nội đạt doanh thu 78.587 tỷ đồng, thì con số này đã nâng lên 90.748 tỷ đồng năm 2012 và 110.823 tỷ đồng trong năm 2013. Số nộp ngân sách trong 3 năm này cũng tăng lên tương ứng là 1.329 tỷ đồng; 1.597 tỷ đồng; 2.357 tỷ đồng.
“Các doanh nghiệp Nhật Bản là khối doanh nghiệp sản xuất - kinh doanh ổn định nhất trong số các doanh nghiệp FDI trên địa bàn Hà Nội. Cùng với xu hướng tăng vốn mở rộng sản xuất - kinh doanh, nhà đầu tư Nhật Bản thường góp vốn đúng tiến độ cam kết”. Đánh giá tốt như vậy về các nhà đầu tư Nhật Bản, nên dễ hiểu vì sao, Hà Nội muốn tăng cường thu hút nhà đầu tư hàng đầu này.
Tuy nhiên, theo ông Ngô Văn Quý, Giám đốc Sở Kế hoạch và Đầu tư Hà Nội, cho đến nay, đầu tư của Nhật Bản tại Hà Nội còn chưa xứng với tiềm năng. Hà Nội cũng chưa thu hút được các dự án có mức đầu tư lớn, sử dụng công nghệ nguồn. Cũng chưa thu hút được các dự án đầu tư nghiên cứu và sản xuất trong lĩnh vực công nghệ cao.
Chính vì thế, một kế hoạch tổng lực để thu hút FDI từ Nhật Bản đang được TP. Hà Nội thực hiện, với “hai chân” là vừa hỗ trợ doanh nghiệp FDI Nhật Bản đang hoạt động, vừa thu hút làn sóng đầu tư mới thông qua việc hỗ trợ giải quyết vướng mắc; xây dựng, vận hành các KCN mới và hỗ trợ thu hút FDI thứ cấp vào KCN.
Tuy nhiên, phản hồi từ các nhà đầu tư Nhật Bản đang sản xuất - kinh doanh tại Hà Nội cho biết, cũng còn những vấn đề liên quan đến môi trường đầu tư ở Hà Nội cần được cải thiện, sửa đổi. Một kết quả khảo sát về nhu cầu đầu tư, vướng mắc, kiến nghị của doanh nghiệp Nhật Bản, được Cục Thống kê Hà Nội công bố tại Hội nghị cho biết, việc hệ thống pháp luật chưa hoàn thiện, vận hành chưa minh bạch, còn nhiều chồng chéo, bất cập; chi phí nhân công tăng vọt, khó khăn trong tuyển dụng nhân công thành thạo công việc… đang là những yếu tố gây khó khăn cho hoạt động đầu tư của doanh nghiệp Nhật Bản.
Cũng theo kết quả khảo sát này, có 3 thủ tục “bị” các doanh nghiệp Nhật Bản cho là phiền hà nhất, đó là thủ tục xuất nhập khẩu tại Hải quan, Sở Công thương (54/196 phiếu điều tra); thuế, phí, lệ phí, quản lý giá (48 phiếu) và thủ tục xuất nhập cảnh, tạm trú đối với người nước ngoài, cũng như quản lý con dấu trong hoạt động kinh tế tại Công an Thành phố (45 phiếu)…
Những phiền hà này, theo khẳng định của lãnh đạo UBND TP. Hà Nội, sẽ tiếp tục được cải cách, sửa đổi trong thời gian tới, nhằm tạo thuận lợi nhất cho các nhà đầu tư Nhật Bản.