Nhà đầu tư rót thêm tiền
Trong vài năm qua, CEO SoftBank Masayoshi Son tạo dấu ấn đặc biệt trong ngành công nghệ toàn cầu khi thông qua Quỹ đầu tư Vision Fund để rót vốn cho hàng loạt công ty khởi nghiệp (startup) đình đám như Uber, Slack và WeWork với tham vọng biến SoftBank thành doanh nghiệp tiên phong trong các lĩnh vực công nghệ cao và tạo nên cuộc cách mạng công nghiệp mới.
Tuy nhiên, năm 2019, một phần giấc mơ này đã tan vỡ khi WeWork thất bại với việc lên sàn.
Vision Fund và SoftBank đã bơm gần 11 tỷ USD vào WeWork và chuẩn bị gặt hái thành quả khi startup này tiến hành IPO.
Tuy nhiên, sau khi công bố thông tin và nộp hồ sơ chuẩn bị cho việc bán cổ phiếu ra công chúng, WeWork “bị bóc mẽ” với hoạt động kinh doanh thua lỗ trong 3 năm qua, người sáng lập và CEO Adam Neumann dính hàng loạt bê bối và buộc phải rời khỏi vị trí CEO. Trong vòng 4 tuần, giá trị vốn hoá của WeWork bốc hơi 37 tỷ USD, kế hoạch IPO bị hoãn vô thời hạn.
Trong bối cảnh này, SoftBank dường như chưa thôi nuôi hy vọng. Theo đó, SoftBank Group quyết định bổ sung thêm 5 tỷ USD cho We Company, công ty mẹ của WeWork và sẽ sớm công bố kế hoạch chi tiết, theo tin tức dành riêng cho Nikkei Asian Review.
Khoản đầu tư này sẽ được rót trực tiếp từ SoftBank Group, thay vì thông qua Quỹ Vision Fund như thường lệ.
Đáng chú ý, số vốn đầu tư mới này sẽ giúp CEO SoftBank Masayoshi Son nắm số lượng cổ phần lớn hơn tại We Company, nhưng không gia tăng lượng cổ phiếu có quyền biểu quyết. Như vậy, We Company sẽ không trở thành công ty con của SoftBank.
Cơ hội sống sót?
Đi kèm quyết định rót thêm vốn, SoftBank cho biết, Tập đoàn sẽ có thêm các yêu cầu về quản trị, cắt giảm chi phí và các thay đổi cần thiết khác để giúp We Company theo đuổi mục tiêu tạo lợi nhuận.
Đây vốn là điều mà hai CEO mới của WeWork là Artie Minson và Sebastian Gunningham đang thực hiện: sa thải 5.000 nhân viên, tương đương 1/3 lực lượng lao động; đóng cửa hoặc bán 3 nền tảng là Managed by W, Conductor và Meetup…
Bên cạnh dòng vốn mới từ SoftBank, We Company cho biết, Công ty đang tiến hành đàm phán với một nhóm những người đỡ đầu tiềm năng dẫn đầu bởi JPMorgan Chase, với gói hỗ trợ trị giá gần 5 tỷ USD.
Tuy nhiên, We Company gặp một số trở ngại bởi các điều khoản mà nhóm nhà đầu tư này đưa ra, trong đó có vấn đề lãi suất cao.
Theo giới chuyên gia, vấn đề của WeWork là câu chuyện đi sai hướng ngay từ đầu. Cụ thể, để thu hút đầu tư và nâng cao giá trị doanh nghiệp, cựu CEO Neumann luôn nhắc tới WeWork như một công ty công nghệ, sử dụng công nghệ để cung cấp dịch vụ bất động sản, nhờ vậy mang lại hiệu quả tốt hơn so với doanh nghiệp bất động sản truyền thống.
Vậy nhưng, thực chất sản phẩm của hãng không phải là công nghệ, WeWork chỉ là doanh nghiệp thuê và cho thuê lại bất động sản kiếm lời, với hiệu quả hoạt động thua xa các công ty cùng ngành. Khi chiếc mặt nạ công ty công nghệ bị lột bỏ, cuộc khủng hoảng của WeWork là không thể đảo ngược.
Đáng chú ý, theo Financial Times, trong vòng 12 tháng tính từ tháng 3/2018, WeWork thua lỗ 219.000 USD mỗi giờ và chưa hề tiến gần tới mức có thể tạo ra lợi nhuận.
Điều này khiến việc thuyết phục các nhà đầu tư càng trở nên khó khăn hơn bao giờ hết, nhất là khi nền kinh tế Mỹ nói riêng và toàn cầu nói chung đang bộc lộ dấu hiệu suy yếu. Trong bối cảnh này, việc người sáng lập rời đi có lẽ mới chỉ là đoạn mở đầu của thảm kịch WeWork.