Startup công nghệ tỷ đô WeWork trượt giá khủng trước thềm IPO

Định giá IPO tiềm năng của WeWork ngày càng trượt sâu khỏi mức 47 tỷ USD, có thể xuống thấp còn 10 tỷ USD. Nhiều người cho rằng hãng là ví dụ điển hình của một startup công nghệ vướng nhiều sai lầm.
Ảnh: Reuters. Ảnh: Reuters.

Theo Investopedia, WeWork Companies thành lập năm 2010, cung cấp không gian làm việc cho các hãng khởi nghiệp với mức giá rẻ hơn so với ngưỡng mà doanh nghiệp nhỏ phải bỏ ra nếu tự thuê riêng.

Những năm qua, khi thị trường văn phòng chia sẻ phát triển tại Mỹ, định giá WeWork bay cao đến 47 tỷ USD và hãng cũng đổi tên thương hiệu thành The We Company.

Cách đây không lâu, WeWork vẫn được kỳ vọng sẽ là một trong các đợt chào bán cổ phiếu lần đầu ra công chúng (IPO) đáng chú ý nhất trên Phố Wall năm nay.

Một tháng sau khi công ty mẹ của WeWork chính thức nộp hồ sơ xin IPO, hãng nỗ lực xoa dịu không ít lo ngại của giới đầu tư và những lời chỉ trích từ bên ngoài bằng cách hứa thêm thành viên mới vào hội đồng quản trị, đại tu cơ cấu quản lý doanh nghiệp và yêu cầu CEO trả lại hàng triệu USD cho thương hiệu mà ông này đã bán cho công ty riêng của mình.

Song những nỗ lực trên vẫn chưa đủ. Gần đây, khá nhiều tờ báo và chuyên gia đưa ra dự báo về định giá ngày càng thấp của startup công nghệ Mỹ.

Tuần trước, The Wall Street Journal đưa tin định giá IPO của The We Company có thể trượt xuống dưới 20 tỷ USD, CNBC cho rằng định giá có thể nhỏ hơn 15 tỷ USD. Chưa hết, hãng tin Reuters nhận định trong tuần này rằng con số có thể còn thấp hơn mức 10 tỷ USD.

Dù gánh nhận định xấu, WeWork rõ ràng vẫn muốn tiếp tục kế hoạch IPO và điều này cho thấy hãng đang vướng áp lực huy động vốn rất lớn.

The We Company đến nay chưa có lời, song vẫn muốn khai thác khoản tín dụng trị giá 6 tỷ USD, vốn phụ thuộc vào việc huy động ít nhất 3 tỷ USD từ IPO trước cuối năm nay.

CNN cho rằng WeWork là ví dụ mới nhất về một hãng công nghệ tỷ đô gặp nhiều khó khăn trước, và có thể cả sau khi lên sàn chứng khoán. Đơn cử, cũng như Uber Technologies, The We Company lỗ hơn 1 tỷ USD năm 2018.

Cũng như Lyft, Pinterest và nhiều cái tên khác, công ty mẹ của WeWork muốn trao quyền bỏ phiếu kiểm soát cho nhà sáng lập doanh nghiệp.

We Work có định giá trên thị trường tư nhân cao ngút và con số này bị xem là khó lòng thuyết phục được giới đầu tư Phố Wall.

Có lẽ Phố Wall sẽ dễ tính hơn với hãng nếu họ không lên sàn sau một loạt IPO công nghệ mờ nhạt trong năm nay, chuyên gia Kathleen Smith tại hãng Renaissance Capital nhận định.

Cổ phiếu Uber và Lyft hiện đều ở quanh mức thấp lịch sử, thấp hơn so với giá hồi IPO vì nhà đầu tư lo về con đường dẫn đến lợi nhuận cho công ty.

WeWork cũng có vấn đề riêng. Công ty xác nhận trong hồ sơ IPO rằng hãng "tham gia một số giao dịch" với CEO Adam Neumann, trong đó có "các hợp đồng thuê nhà với bất động sản mà Adam sở hữu hoặc hưởng lợi ích sở hữu đáng kể".

Điều này dẫn đến nhiều xung đột lợi ích tiềm ẩn. Vợ ông Neumann là bà Rebekah cũng có quyền thành lập ủy ban để chọn người thay thế vị trí CEO của chồng mình trong một số điều kiện nhất định.

Do đó, các nhà đầu tư không cho rằng họ được quan tâm đầy đủ và chưa tin tưởng vào startup tỷ đô này.

Dù WeWork sẽ lên sàn với định giá 10 tỷ USD hay 20 tỷ USD, con đường đến sàn chứng khoán không bằng phẳng của hãng vẫn chứng minh thực tế khắc nghiệt đối với giới startup công nghệ.

"Có thể đây là hồi chuông cảnh tỉnh cho những người khác ở Thung lũng Silicon muốn tìm cơ hội trên thị trường đại chúng, muốn huy động vốn", chuyên gia Smith cho hay.


Theo Thanhnien

Tin liên quan

Tin cùng chuyên mục