Sợ Tết!

0:00 / 0:00
0:00
(ĐTCK) Ấy, không phải vậy đâu, bài này không hề nói về nỗi sợ, mà là về sự yêu.
Niềm vui đón Tết đôi khi đơn giản là chuẩn bị lễ cúng Giao thừa… Niềm vui đón Tết đôi khi đơn giản là chuẩn bị lễ cúng Giao thừa…

Theo cảm nhận của tôi, người trẻ dường như ngày càng ít yêu Tết, không biết vì ít trải nghiệm hay vì trải nghiệm với Tết của họ quá đơn sơ, loanh quanh chỉ là ăn uống, mừng tuổi…, mà không có nhiều những cảm giác trong không gian văn hóa Tết xưa, của “bên bánh chưng chờ trời sáng, đỏ hây hây những đôi má đào”, của quét vôi ve cho căn nhà mới, của những lo toan vụn vặt thuở còn thiếu đói, thuở Tết còn là “ăn” chứ chẳng phải “chơi” như hiện tại.

Theo tôi, Tết rất giản đơn, là dọn lại cái vườn, căng vài bóng điện, chăng mấy dây đèn nháy, gói vài cái bánh chưng hay sửa soạn mâm cúng Giao thừa…

Tôi là người thích Âm lịch, cứ trước và sau Tết chừng nửa tháng, tôi sống trọn vẹn với lịch Âm, thậm chí quên cả ngày thứ… Năm nào cũng vậy, Tết đến, nhà duy trì gói bánh, có năm sắm lợn mổ chơi, chỉ mong duy trì cho con trẻ cái không khí, để có nhiều kỷ niệm như bố nó.

Nhìn về Tết, tôi cho rằng, cái sự ghét yêu nó cũng có nguyên do cả: Sợ Tết - là tâm thế đối mặt. Thích Tết - là sự ngóng chờ.

Cũng phải thừa nhận rằng, ngày càng nhiều người không còn thích Tết, nhưng thẳm sâu hẳn có ít nhiều nỗi hoài mong, kể cả với người nói “ghét” Tết đến mức cực đoan, nhưng dường như trong sự đố kỵ khi nói về Tết vẫn có chút ít mong chờ. Tôi cho rằng, yêu hay ghét còn bởi nhiều lý do, nhưng có lẽ, điều cần nhất là hưởng Tết theo cách của mình, là tâm thế với Tết, hay cảm mến với Tết phải cần được hun đúc từ những ký ức: Ai nghèo ký ức, người đó sống nhạt nhẽo.

Tết là dịp hun đúc lại, thắt chặt thêm cái sợi dây ràng buộc gia đình, cái nếp quê (với kẻ có quê), chút tình làng nghĩa xóm mà vì mải mưu sinh, nhiều người phai lạt, để cho lỏng lẻo. Cả năm đi làm, về nhà vài bận, đến người nhà còn thưa gặp, nói gì những người hàng xóm vốn dĩ thân quen, lại thêm cái tường bao bằng gạch cũng thêm ngăn cách người ta, chẳng được như xưa “xé rào” dâm bụt hay hàng rào thưa mà đến với nhau.

Quê tôi, mỗi năm vào dịp Tết, những đứa con tứ xứ lang bạt kỳ hồ mà có dịp về quê, thì một trong những điều đầu tiên và thường làm nhất vẫn là chơi từ nhà ra ngõ. Trước là hỏi thăm thân nhân, gia quyến, sau là chào hỏi hàng xóm, láng giềng. Câu chuyện theo đó mà cũng rôm rả, ấm áp thêm mãi bên ấm trà mạn. Người ta dành cho nhau nhiều sự quan tâm, sau cả một năm hay nhiều năm kiếm ăn nơi đất khách. Ấy thế nên mới có chuyện, có kẻ lãng tử phương xa, về nhà cả tuần mà chưa gặp gỡ hết người nhà, hàng xóm, vì đi đâu câu chuyện cũng “níu chân người”.

Quay lại chuyện tâm thế cùng Tết, cũng phải nói thật rằng, với nhiều người, Tết lắm áp lực là điều dễ hiểu. Người phải lo đối nội, đối ngoại chu toàn ba bề, bốn bên. Người lại tất bật chợ búa, cơm nước suốt cả mấy ngày, chẳng lúc nào ngơi tay. Đó là còn chưa nói nhiều câu chuyện liên quan đến tài chính, đến nghĩa vụ gắn liền với Tết. Kẻ dư dả chẳng sao, người khó thì nhìn đâu cũng khó. Và nếu toàn có vậy thì niềm yêu Tết nhạt đi và thay bằng sự không thích âu cũng là điều dễ hiểu. Nhưng có lẽ, nếu được lên tiếng thanh minh cho mình, Tết hẳn cũng có nhiều điều muốn nói: Về sự sẻ chia, không chỉ yêu thương mà cả chia nhau trách nhiệm, chia nhau công việc. Có vậy, ai kia bị cái mớ bòng bong trói buộc mới nhẹ lòng và không còn ghét Tết.

Trong đám bạn tôi, nhắc về Tết, có người yêu, kẻ ghét, có kẻ lại chẳng ghét, chẳng yêu, sao cũng được. Nhưng như đã nói ở trên, dường như Tết vẫn là dịp quan trọng duy nhất để tất cả có mặt ở quê, cùng nhau câu chuyện, câu trò…

Quanh tôi có nhiều người trẻ, mà người trẻ ngày nay có cách tận hưởng cuộc sống rất riêng. Nhiều người vì mải mê sự nghiệp hay vì lý do nào đó, đã ngoài 30 vẫn chưa chịu lập gia đình. Và với họ, một trong những nỗi sợ ngày Tết là sự han hỏi của người thân, người quen với vấn đề này.

Cũng phải thừa nhận rằng, việc quan tâm quá mức đến đời sống cá nhân đang khiến nhiều người khó chịu và vô tình thêm thiếu thiện cảm với Tết. Việc hỏi han kỹ về công việc, thu nhập, cuộc sống… với nhiều người là thói quen bình thường, nhưng cũng với nhiều người, đó là sự phiền phức, thiếu văn minh. Hành động này lặp đi lặp lại nhiều cũng là lý do khiến nhiều người ngại về quê, ngại Tết.

Ngày bé, tâm thế với Tết khác nhiều vì không phải lắng lo. Ngày bé, Tết là sự kiện được mong chờ vì được quây quần bên gia đình, được chiều chuộng. Nhưng trưởng thành đã lấy đi nhiều điều, trong đó có sự hồn nhiên. Những niềm vui ngày nhỏ đôi khi lại thành gánh nặng khi lớn.

Ngày bé, Tết gói gọn trong việc ăn, chơi, nói chung rặt tính giải trí. Lớn rồi, phải lo nhiều hơn, mà khi phải cáng đáng nhiều việc, mấy ai còn vui vẻ cho được.

Tết không thay đổi nhiều, chủ yếu con người thay đổi!

Tôi chưa từng đón Tết xa gia đình nên chưa hiểu được nỗi lòng người xa xứ. Nhưng nhìn dòng người hối hả về quê, ai cũng tất bật, nhưng nụ cười, niềm háo hức lan tỏa ra xung quanh dường như đã khiến người ta dễ cảm được sự thiêng liêng của Tết.

Năm nay, cũng như nếp quen bao năm khác, hành trang của tôi dù giản đơn, nhưng vẫn có chút đèo bòng, một ít quà của anh em bạn hữu gửi biếu các cụ, sắm thêm ít đồ mà quê không có, rồi chờ ngày nghỉ là lên đường.

Hôm rồi, anh bạn bảo: Già đến nơi rồi mà tôi thấy ông vẫn thích Tết như con trẻ ấy nhỉ!

Quả vậy, với ai chẳng biết, chứ với tôi, Tết luôn được chào đón bằng sự háo hức, mong chờ. Bởi đơn giản, tôi luôn thích cái khí tượng mà chỉ Tết mới mang lại cho lòng người, cảnh vật. Tôi luôn chờ cả năm để được sống mấy ngày tạm quẳng gánh lo cơm áo, sống trọn vẹn trong cái cảm xúc giống những Tết xưa.

Nguyễn Thành

Tin liên quan

Tin cùng chuyên mục