Số phận 20 công ty tài chính “cổ điển” đã đến hồi kết

Hiện cả nước có gần 20 công ty tài chính, phần lớn thuộc tập đoàn kinh tế nhà nước và đều trong cảnh bết bát vì nợ xấu. 
Số phận 20 công ty tài chính “cổ điển” đã đến hồi kết

Đã đến lúc cần xem xét lại mô hình hoạt động các công ty này. Số liệu của Ngân hàng Nhà nước (NHNN) cho thấy, đến tháng 1/2014, hệ số an toàn (CAR) của khối công ty tài chính và cho thuê tài chính là bi bét nhất trong hệ thống các tổ chức tín dụng, với 5,52%, thấp hơn rất nhiều so với mức quy định của NHNN (tối thiểu phải 9%).

Không được huy động vốn ngắn hạn, lại khó cạnh tranh với các ngân hàng thương mại về tín dụng cho vay đã khiến các công ty tài chính rơi vào cảnh dở sống, dở chết. Các công ty này một mặt phải liên kết với ngân hàng để huy động vốn ngắn hạn, mặt khác phải tìm cách thúc đẩy cho vay cá nhân bất chấp rủi ro, khiến nợ xấu cao ngất ngưởng.

Ông Nguyễn Hoàng Minh, Phó giám đốc NHNN Chi nhánh TP.HCM khẳng định, tính đến cuối năm 2013, nợ xấu của khối công ty tài chính và cho thuê tài chính cao nhất hệ thống, lần lượt là 21,96% và 37,53%.

Hơn nữa, nhiều công ty tài chính đang mang bóng dáng tín dụng đen, với lãi suất cho vay lên tới 80- 120%/năm, vay tiền bắt mua bảo hiểm, dùng xã hội đen đòi nợ…, gây nhiều tai tiếng.

Được biết, theo định hướng của NHNN, năm 2014, cơ quan này sẽ tập trung vào tái cơ cấu nhóm công ty tài chính. Dù vậy, cho đến nay, chưa xuất hiện thêm trường hợp công ty tài chính nào được “dọn dẹp”.

Trước đó, cuối năm 2013, thị trường tài chính cũng chứng kiến thương vụ hợp nhất giữa Tổng công ty Tài chính dầu khí (PVFC) với Ngân hàng TMCP Phương Tây (Westernbank) thành Ngân hàng TMCP Đại chúng Việt Nam (PVcombank). Cũng khoảng thời gian đó, Ngân hàng TMCP Phát triển nhà TP.HCM (HDBank) đã mua lại công ty tài chính 100% vốn nước ngoài Société Générale.

Dường như sáp nhập công ty tài chính vào ngân hàng đang là “mốt” hiện nay. Nhiều nguồn tin cho biết, trong quý II/2014, ngoài PVFC, một công ty tài chính nữa sẽ sáp nhập với ngân hàng. Câu hỏi đặt ra là, tại sao ngân hàng lại muốn mua công ty tài chính?

Theo ông Lê Thành Trung, Phó tổng giám đốc của HDBank, HDBank mua lại công ty tài chính để thâm nhập mảng tín dụng tiêu dùng, vốn được đánh giá là còn nhiều dư địa phát triển tại Việt Nam. 

Thực tế, dù còn nhiều công ty tài chính thua lỗ, song vẫn có những công ty tài chính phát triển nhanh chóng. Đơn cử, Công ty Tài chính PPF, năm 2013, đạt lợi nhuận vượt xa kế hoạch đề ra. Cuối tháng 3/2014 vừa qua, PPF cũng được NHNN cho phép mở thêm 5 địa điểm giao dịch mới ở 5 tỉnh, thành phố.

Nhiều chuyên gia tài chính cho rằng, khi sáp nhập công ty tài chính với ngân hàng, cái lợi là ngân hàng sẽ khai thác được sâu hơn mảng tín dụng tiêu dùng, song cái hại nhãn tiền là nợ xấu sẽ có nguy cơ tăng mạnh, bởi đa phần các công ty tài chính hiện nay đều yếu kém, nợ xấu cao.

“Trên thị trường, chỉ có 4-5 công ty tài chính là đáng giữ lại, có thêm vài ba công ty tài chính nữa có thể hợp nhất thì sẽ hiệu quả hơn, còn lại thì nên cho giải thể hết, không nên cố cứu làm gì”, Tổng giám đốc một công ty tài chính thẳng thắn cho biết.

Hà Tâm(baodautu.vn)

Tin liên quan

Tin cùng chuyên mục