Thêm một công ty tài chính sắp “biến mất”

(ĐTCK) Một năm sau ngày Tổng công ty Tài chính cổ phần Dầu khí Việt Nam (PVFC) - công ty tài chính (CTTC) đầu tiên trong 17 CTTC đang hoạt động tại Việt Nam, công bố phương án hợp nhất để chuyển đổi mô hình hoạt động sang hình thức ngân hàng thương mại, thị trường đang có thêm một CTTC chuẩn bị trở thành “người một nhà” với ngân hàng.
Sau PVFC, một công ty tài chính khác đang chuẩn bị sáp nhập với ngân hàng Sau PVFC, một công ty tài chính khác đang chuẩn bị sáp nhập với ngân hàng

CTTC đang hết thời

Theo báo cáo của Kiểm toán Nhà nước trình Quốc hội khóa XIII kỳ họp thứ 5 về kết quả kiểm toán 8 CTTC thuộc 8 tập đoàn, tổng công ty, các CTTC đa phần gặp khó khăn trong hoạt động. Cụ thể, trước năm 2011, các công ty này chủ yếu huy động vốn ngắn hạn, không đúng quy định của Luật Các tổ chức tín dụng năm 1997 và Nghị định của Chính phủ về tổ chức và hoạt động của CTTC, là huy động vốn trung và dài hạn.

Trao đổi với ĐTCK, lãnh đạo một CTTC chia sẻ, cách để CTTC “lách” quy định này là huy động thông qua bên thứ ba, chủ yếu là ngân hàng thương mại, chấp nhận đẩy lãi suất thực huy động lên cao. Đây là lý do giải thích cho kết quả kiểm tra của Kiểm toán Nhà nước: trên 60% vốn huy động của các CTTC là từ các tổ chức tín dụng; hầu hết công ty không thực hiện được chức năng đầu mối tập trung nguồn vốn tạm thời nhàn rỗi từ các đơn vị trong tập đoàn, tổng công ty.

Khó khăn trong huy động, trong khi không được cung cấp dịch vụ thanh toán, bị giới hạn tỷ lệ đầu tư 11% như đối với khối ngân hàng…, khiến hoạt động các CTTC gặp khó cả ở đầu vào lẫn đầu ra.

Tình trạng này khiến một thành viên Ban lãnh đạo PVFC trước khi chính thức trở thành “người một nhà” với Ngân hàng TMCP Phương Tây (Westernbank) khẳng định: hoặc là PVFC chuyển đổi thành công qua mô hình ngân hàng thương mại, hoặc phải chấp nhận… cái chết!

Trên thực tế, CTTC được hình thành nhằm tận dụng nguồn tiền nhàn rỗi của chính các tập đoàn, tổng công ty, từ đó giúp tăng hiệu quả luân chuyển tài chính, đầu tư toàn hệ thống. Nhưng nay, khi hệ thống ngân hàng thương mại ngày một phát triển, sức ép cạnh tranh lớn hơn, lợi thế “người nhà” của các CTTC gần như không phát huy tác dụng, thậm chí trong nhiều trường hợp bị “phản tác dụng” do có những khoản đầu tư không được ra quyết định dựa trên hiệu quả kinh tế, mà mang ý nghĩa “chính trị” của tập đoàn, tổng công ty nhiều hơn. Lúc này, mô hình CTTC chỉ là “chiếc áo chật”, gò bó các đơn vị này. Trong khi đó, quy mô hoạt động ngày một lớn, sức ép sinh lời lên các CTTC cao hơn rất nhiều.

Thêm một công ty sắp… biến mất

Theo nguồn tin của ĐTCK, một CTTC và một ngân hàng thương mại đang trong giai đoạn chuẩn bị sáp nhập. Kế hoạch sáp nhập sẽ được trình cổ đông thông qua trong tháng 4 này, nhưng hiện đã nhận được sự thống nhất khá cao từ các nhóm cổ đông của cả hai bên.

Thông tin về kế hoạch sáp nhập vẫn “trong vòng bí mật” là do quy định pháp lý hiện hành. Cụ thể, theo Thông tư số 04/2010/TT-NHNN quy định việc sáp nhập, hợp nhất, mua lại tổ chức tín dụng, thành viên Hội đồng quản trị, Ban kiểm soát, Tổng giám đốc và các tổ chức, cá nhân có liên quan của các tổ chức tín dụng tham gia sáp nhập, hợp nhất, mua lại phải có trách nhiệm bảo mật thông tin để các tổ chức tín dụng này được hoạt động ổn định trước khi Đề án sáp nhập, hợp nhất, mua lại được cơ quan có thẩm quyền quyết định của tổ chức tín dụng thông qua.

Hai hướng đi

Việc CTTC về làm “người một nhà” với ngân hàng thương mại dường như đang trở thành một hướng đi tất yếu. Tất nhiên, không hẳn công ty nào cũng sẽ tái cấu trúc thông qua hợp nhất hay sáp nhập với ngân hàng thương mại, nhưng cuộc săn lùng CTTC của một số ngân hàng thương mại diễn ra trong năm qua có thể mang lại kết quả trong thời gian tới.

Tổng giám đốc một CTTC nhận định, những CTTC quy mô nhỏ, hoạt động chủ yếu trong lĩnh vực tài chính tiêu dùng có thể sẽ là đích nhắm mua lại của các ngân hàng thương mại. Với các CTTC quy mô lớn hơn, hoạt động nhiều trong lĩnh vực đầu tư, tài trợ vốn dự án lớn, thì xác suất cao sẽ trở thành đối tác trong một đề án hợp nhất/sáp nhập.

“Tôi nghĩ là chỉ có hai hướng đi như vậy cho CTTC trong tái cấu trúc. Ngân hàng là đối tác lớn, hoặc có thể là một tập đoàn tư nhân hướng kinh doanh trong lĩnh vực sản xuất, phân phối muốn đẩy mạnh vào tài trợ tín dụng tiêu dùng. Các CTTC sẽ không có chuyện giải thể, nhất là công ty lớn”, vị tổng giám đốc trên nói.     

Bùi Sưởng

Tin liên quan

Tin cùng chuyên mục