Vào thời điểm này, ông Nguyễn Minh Tú, Vụ trưởng Vụ Hợp tác xã (Bộ Kế hoạch và Đầu tư) đang đốc thúc báo cáo sơ kết thực thi hai năm Luật Hợp tác xã 2013.
“Lần đầu tiên, bản chất của hợp tác xã được làm rõ trong Luật Hợp tác xã, đó là mô hình tổ chức tự chủ, hoạt động dựa trên nhu cầu của chính các thành viên. Số lượng hợp tác xã kiểu mới tăng mạnh, khoảng 1.000 hợp tác xã/năm, quy mô thành viên lớn. Nhiều hợp tác xã đã tham gia được vào chuỗi sản xuất hàng hóa nông sản… Tuy nhiên, vẫn còn không ít rào cản để nhân rộng mô hình này. Đây là phần việc Bộ Kế hoạch và Đầu tư phải tiếp tục thực hiện”, ông Tú nói.
Nhìn lại quá trình phát triển của mô hình hợp tác xã tại Việt Nam, có thể nói, Bộ Kế hoạch và Đầu tư đã ghi dấu ấn trong các giai đoạn hình thành Luật Hợp tác xã, từ lần ban hành đầu tiên vào năm 1996, đến năm 2003 và mới nhất là Luật Hợp tác xã hiện hành được ban hành vào năm 2012.
Ông Tú kể lại, năm 1996, Luật Hợp tác xã được ban hành trong bối cảnh mô hình hợp tác “copy” của Liên Xô cũ và Trung Quốc bị tan rã do hàng loạt lý do, nhưng bản chất là không xác định được mô hình hoạt động, đòi hỏi phải có khung khổ pháp lý để củng cố về chất, lấy lại uy tín và vai trò đối trong nền kinh tế, đặc biệt là trong khu vực nông nghiệp - nông thôn.
Với sự khẳng định hợp tác xã là “tổ chức kinh tế tự chủ”, Luật Hợp tác xã 1996 đã giải thoát các hợp tác xã cũ thoát khỏi những can thiệp hành chính của các cơ quan Đảng và chính quyền vào công việc nội bộ của nó. Nhờ vậy, động lực và sức sống mới cho khu vực kinh tế hợp tác và hợp tác xã dần được tái tạo.
Tuy nhiên, cho đến Luật Hợp tác xã 2003, hoạt động của mô hình hợp tác xã vẫn chưa thực sự định hình rõ nét. “Trong giai đoạn này, có khoảng 50% hợp tác xã cũ chuyển sang hoạt động theo Luật Hợp tác xã 2003, nhưng bi kịch xuất hiện trong bức tranh hợp tác xã giai đoạn này là sự trộn lẫn hình ảnh của hợp tác xã kiểu cũ, doanh nghiệp tư nhân, thậm chí là mô hình tổ chức từ thiện. Nỗi sợ về cách làm việc “đè nén, nuốt trôi cá thể” của mô hình hợp tác cũ vẫn còn…”, ông Tú nói.
Cũng vào thời điểm này, Vụ Hợp tác xã trực thuộc Bộ Kế hoạch và Đầu tư được thành lập với chức năng năng quản lý nhà nước trong lĩnh vực kế hoạch phát triển kinh tế tập thể, hợp tác xã. Mục đích là để đưa mô hình kinh tế tập thể thực sự phát huy được hiệu quả, đóng góp vào tăng trường kinh tế trên nguyên tắc tôn trọng và hỗ trợ sự phát triển của kinh tế hộ…
“Tuy nhiên, ngay khi Luật Hợp tác xã 2003 đi vào thực hiện, chúng tôi đã phát hiện rằng, sự không rõ ràng về bản chất của mô hình này, đặc biệt là quan niệm hợp tác xã hoạt động như doanh nghiệp không chỉ làm khó cho bộ máy quản lý hợp tác xã, mà còn khiến cơ quan hoạch định chính sách lấn cấn với các cơ chế chính sách dành cho hợp tác xã. Đã có những tranh luận rất gay gắt rằng, tại sao phải có cơ chế riêng cho hợp tác xã khi mà nó hoạt động như doanh nghiệp. Vì vậy, các hợp tác xã mới dù đã bước đầu hoạt động hiệu quả, nhưng không đủ sức khỏa lấp đi nỗi ám ảnh một thời về hợp tác xã kiểu cũ”, ông Tú nói.
Như vậy, chỉ sau một năm Luật Hợp tác xã 2003 có hiệu lực, công tác nghiên cứu sửa đổi luật đã được tiến hành. Ông Tú cho biết, có 5 vấn đề lớn được lãnh đạo Bộ Kế hoạch và Đầu tư yêu cầu làm rõ trước khi lập dự án sửa luật. Đó là, lý luận về mô hình này, cả trong nước và quốc tế; nghiên cứu thực trạng phát triển hợp tác xã ở các nước đang phát triển, Luật Hợp tác xã của các nước, khảo sát thực tiến hoạt động của các hợp tác xã trên cả nước.
“Chúng ta đã nghiên cứu tới 40 Luật Hợp tác xã trên thế giới, cả các nước phát triển, đang phát triển, các nước trong khu vực để xác định rõ bản chất của hợp tác xã trên thế giới, trả lời câu hỏi tại sao mô hình này hoạt động hiệu quả ở các nước. Cùng với đó, bức tranh tổng thể về hợp tác xã của Việt Nam lần đầu tiên được chúng tôi thực hiện vào năm 2008”, ông Tú nói và nhắc tới 7 năm chuẩn bị, xây dựng và hoàn tất Luật Hợp tác xã 2012.
Lúc này, bản chất của hợp tác xã kiểu mới đã được luật hóa, đó là hợp tác xã nhằm đáp ứng nhu cầu chung của thành viên, trên cơ sở tự chủ, tự chịu trách nhiệm, bình đẳng và dân chủ trong quản lý hợp tác xã. Mục tiêu của Hợp tác xã là mang lại lợi ích cho thành viên; phân phối của hợp tác xã chủ yếu theo mức độ sử dụng sản phẩm, dịch vụ của thành viên; theo công sức lao động, phần còn lại chia theo vốn góp…
Hiện tại, Dự thảo Nghị định sửa đổi Nghị định 193/2013/NĐ-CP của Chính phủ hướng dẫn quy định chi tiết một số điều thi hành Luật Hợp tác xã đang được Bộ Kế hoạch và Đầu tư hoàn tất, dự kiến sẽ trình Chính phủ trong quý II/2015. Chính sách hỗ trợ đất đai cho hợp tác xã theo Luật Đất đai cũng đang được hoàn tất.
“Khó khăn hiện tại của chúng tôi là thiếu bộ máy chuyên trách về quản lý hợp tác xã ở các địa phương. Đã có tình trạng thực hiện sai các quy định của Luật Hợp tác xã, đặc biệt là quy định về đăng ký hợp tác xã… Hiện tại, chúng tôi vẫn đang thúc đẩy công tác tuyên truyền để đảm bảo việc thực thi đúng tinh thần và nội dung của Luật. Chỉ có cách này, thì mô hình hợp tác xã mới có thể phát huy đúng hiệu quả trong nền kinh tế”, ông Tú cho biết.