Năm 2014, Ngân hàng Hợp tác xã lãi hơn 113 tỷ đồng

(ĐTCK) Tại Đại hội thành viên Ngân hàng Hợp tác xã Việt Nam (NHHTX) ngày hôm qua, 31/3, những tồn tại đã được thẳng thắn chỉ rõ. Đó là câu chuyện tập trung nguồn vốn trong hệ thống cũng như sự minh bạch trong sử dụng vốn; là đạo đức cán bộ lãnh đạo và đường hướng, mục tiêu hoạt động…
Năm 2014, Ngân hàng Hợp tác xã lãi hơn 113 tỷ đồng

Phát biểu tại Đại hội, Phó Thống đốc NHNN Việt Nam Nguyễn Phước Thanh nhận định, những kết quả đạt được của nền kinh tế nói chung và của ngành ngân hàng nói riêng có phần đóng góp rất quan trọng của NHHTX và hệ thống Quỹ tín dụng nhân dân (QTDND).

Nhận định của Phó Thống đốc Thanh không phải không có cơ sở. Tại Đại hội, ông Nguyễn Đức Dũng, thành viên HĐQT, Phó tổng giám đốc Ngân hàng đã công bố kết quả hoạt động kinh doanh năm 2014. Theo đó, tính đến 31/12/2014, tổng nguồn vốn đạt được cũng như tổng sử dụng vốn đều là 20.737 tỷ đồng, tăng 17,69% so với năm 2013. Tổng thu nhập đạt 1.947,80 tỷ đồng, tổng chi phí là 1.834,38 tỷ đồng và lợi nhuận trước thuế là 113,42 tỷ đồng.

Bên cạnh đó, NHHTX còn thực hiện nhiệm vụ là tổ chức đầu mối liên kết, hỗ trợ hệ thống QTDND. Trên địa bàn cả nước có 1.146 đơn vị QTDND với số lượng thành viên là 1.967.755 thành viên với tổng nguồn vốn hoạt động là 66.770 tỷ đồng, tăng 21,12% so với cuối năm 2013 và tổng dư nợ cho vay thành viên 52.224 tỷ đồng, tăng 18,29% so với cuối năm 2013. Trong đó, nợ xấu là 457,16 tỷ đồng, chiếm 0,88% so với tổng dư nợ; tiền gửi tại NHHTX là 8.968 tỷ đồng, tăng 75,95% so với 31/12/2013.

“Các QTDND hoạt động bài bản hơn, khoa học hơn, chủ động cân đối được nguồn vốn hoạt động, tình hình thanh khoản được đảm bảo, chất lượng tín dụng tăng lên. Tính liên kết hệ thống ngày càng rõ nét hơn qua vai trò của NHHTX là đầu mối liên kết hệ thống, thể hiện ở công tác điều hòa và cung ứng vốn… Thực hiện mục tiêu xóa đói giảm nghèo và đặc biệt hạn chế cho vay nặng lãi ở nông thôn”, Phó Thống đốc Thanh nói.

Tuy nhiên, Phó Thống đốc cũng thẳng thắn chia sẻ, NHHTX và các QTDND cần phải nhận thức đầy đủ hơn về mục tiêu hoạt động của hệ thống là tương trợ, giúp đỡ lẫn nhau giữa các thành vien. Tránh xu hướng chạy theo kinh doanh đơn thuần, vì mục tiêu lợi nhuận, mở rộng phạm vi hoạt động ngoài địa bàn, ngoài thành viên vượt quá khả năng quản lý, kiểm soát, dẫn đến mất an toàn cho hệ thống.

“Cho vay thành viên ít, ngoài thành viên nhiều. Cho vay trong địa bàn ít, ngoài địa bàn nhiều… Nếu cả 1.146 đơn vị QTDND hoạt động hiệu quả sẽ giảm đi nỗi lo, nhưng thực tế không phải như vậy, bởi còn tồn tại vấn đề đạo đức của cán bộ, năng lực quản lý yếu tại một số nơi dẫn đến khó khăn trong hoạt động, thậm chí, mất khả năng chi trả... Do vậy, cần phải có những chấn chỉnh để hoạt động cho tốt hơn”, Phó Thống đốc Thanh nhấn mạnh.

Cụ thể, theo Phó Thống đốc Thanh, NHHTX và QTDND cần tiếp tục triển khai mạnh mẽ, đồng bộ các giải pháp cơ cấu lại theo phương án đã được phê duyệt. Xây dựng NHHTX là ngân hàng của tất cả các QTDND với mục tiêu là điều hòa vốn, trọng số trong đầu tư phải nghiêng về hệ thống. Đồng thời, toàn hệ thống tập trung chấn chỉnh, nâng cao chất lượng hoạt động, nhất là chất lượng tín dụng; kiện toàn nguồn nhân lực; liên kết các quỹ, tạo sự gắn bó, tương trợ…

Riêng đối với QTDND, Phó Thống đốc nhấn mạnh thêm, kỷ cương, luật pháp phải được thực hiện cụ thể ở đây là phải chấp hành tốt các văn bản pháp luật đảm bảo hoạt động an toàn; sử dụng nguồn vốn cần công khai, minh bạch, rõ ràng, sòng phẳng, không lẫn lộn giữa chung và riêng. Mục tiêu hoạt động cần nghiên cứu kỹ, mèo nhỏ đừng bắt chuột lớn, đừng đi “bóng bổng, bóng xa”… mà tập trung vốn về NHHTX và quan tâm đến việc phát triển các thành viên tốt hơn.

“Đặc biệt, 100% khó khăn của Quỹ đều rơi vào vấn đề đạo đức cán bộ quản lý dẫn đến phá hoại chủ trương, tôn chỉ hoạt động do vậy cần nhanh chóng xử lý dứt điểm”, Phó Thống đốc Thanh nhần mạnh.

Nhuệ Mẫn

Tin liên quan

Tin cùng chuyên mục