Trong 4 tháng đầu năm 2014, riêng Quản lý thị trường TP. HCM đã kiểm tra 112 vụ, tạm giữ 263.295 đơn vị sản phẩm các mặt hàng xâm phạm quyền về nhãn hiệu.
Theo đánh giá của Chi cục Quản lý thị trường TP. HCM, với sự tiến bộ vượt bậc của khoa học kỹ thuật, hàng giả được sản xuất ngày càng tinh vi, gây khó khăn cho cả người tiêu dùng lẫn cơ quan thực thi trong việc phân biệt thật giả. Tuy nhiên, ngoài một số ít thương hiệu nổi tiếng có xây dựng bộ phận nhân sự bảo vệ thương hiệu, tích cực phối hợp với các cơ quan chức năng trong công tác thực thi bảo hộ quyền SHTT, phần lớn các DN bị xâm phạm quyền vẫn chưa chủ động liên hệ với cơ quan thực thi.
Nguyên nhân là do các thủ tục khi nộp đơn yêu cầu xử lý vi phạm theo quy định hiện hành còn rườm rà, phức tạp. Do đó, DN phải nhờ luật sư tư vấn, điều này khiến các DN nhỏ và vừa e ngại do bị phát sinh thêm chi phí. Trong khi đó, các mức chế tài xử lý vi phạm không đủ mạnh, chưa đủ sức răn đe, người vi phạm sau khi nộp phạt thường tiến hành thay đổi pháp nhân để tiếp tục kinh doanh hàng giả, hàng xâm phạm quyền…
Trao đổi tại "Hội nghị Sáng tạo kỹ thuật - Phát triển tài sản trí tuệ - Chống buôn lậu, hàng giả và gian lận thương mại" do Sở Khoa học và Công nghệ TP. HCM tổ chức mới đây, ông Thân Thế Hào, Giám đốc Công ty TNHH Ninh Phong - một nhà sáng chế độc lập chia sẻ, hiện vẫn còn nhiều nhà sáng tạo kỹ thuật có thói quen chờ đợi đến khi sáng chế vào được thị trường sơ bộ, mới quyết định có đăng ký bảo hộ độc quyền cho sản phẩm hay không. Điều này sẽ đem đến nhiều rủi ro, bởi có thể vô tình hoặc hữu ý, các nhân viên, đồng nghiệp, người trợ giúp đã cùng tham gia vào quá trình sáng tạo ban đầu bộc lộ điểm mới hoặc điểm sáng tạo của sáng chế…, sẽ làm phát sinh các sản phẩm sao chép hoặc gây tranh chấp về SHTT, làm nặng nề thêm môi trường cạnh tranh không lành mạnh cùng vấn nạn hàng giả, hàng nhái.
Mặt khác, theo ông Hào, nếu chờ đến khi sản phẩm sản xuất từ sáng chế đã vào thị trường mới đi đăng ký, đơn đăng ký nói chung đã bị lạc hậu và gần như đánh mất cơ hội nhận bằng độc quyền. Khi đó, nhà sáng chế có thể chỉ còn là người lót đường cho dòng sản phẩm mới mà chính mình đã sáng tạo ra, thậm chí có nguy cơ bị cho là... ăn trộm các sáng chế của mình.
“Để tránh tình trạng ‘mất bò mới lo làm chuồng’, ngay sau khi các suy nghĩ kỹ thuật đã được kiểm chứng về lý thuyết, hãy nộp đơn đăng ký ngay. Mọi sáng tạo, cải tiến, mở rộng tiếp theo, nếu có, đều có thể tiếp tục nộp đơn bảo hộ mới, trên cơ sở bảo lưu các nội dung đã hàm chứa trong các đơn được nộp trước đó (theo nguyên tắc có 12 tháng hưởng quyền ưu tiên từ đơn nộp trước)”, ông Hào khuyến nghị.
Là một DN kinh doanh trong lĩnh vực trang thiết bị y tế và dược phẩm với kênh phân phối trên cả nước, như nhiều DN khác, CTCP Thương mại và Đầu tư Vĩ Long từng va vấp với nhiều vấn đề về hàng giả và hàng xâm phạm quyền SHTT.
Bà Phan Thị Châu, Tổng giám đốc Công ty Vĩ Long chia sẻ, đầu năm 2011, Công ty có kế hoạch đưa vào thị trường một mặt hàng thực phẩm chức năng được đánh giá là rất có tiềm năng thị trường. Công ty đã tiến hành mọi thủ tục cần thiết để có thể đưa sản phẩm vào phân phối. Nhưng khi nộp đơn đăng ký nhãn hiệu, Công ty bất ngờ nhận được thông báo của Cục Sở hữu trí tuệ về việc có bên thứ ba gửi đơn phản đối, với lý do nhãn hiệu sản phẩm này trùng đến mức gây nhầm lẫn với nhãn hiệu đã được cấp Giấy chứng nhận đăng ký nhãn hiệu của họ.
Đối chiếu với Điều 74 Luật Sở hữu trí tuệ và điểm 39 Thông tư 01/2007/TT-BKHCN, Ban lãnh đạo Công ty nhận thấy rằng, việc phản đối của bên thứ ba là có cơ sở.
Hậu quả là Công ty không được cấp Giấy chứng nhận đăng ký nhãn hiệu, nhưng tổn thất lớn hơn ở giai đoạn đó là toàn bộ chi phí tiếp thị sản phẩm đã bỏ ra đành uổng phí, phải bồi thường thêm cho các hợp đồng đã giao kết với các nhà phân phối…
Tuy nhiên, bà Châu cho rằng, sự phản đối sớm của bên thứ ba cũng là điều may mắn, bởi nếu không, Công ty sẽ bị rơi vào trường hợp xâm phạm quyền của người khác...
“Sự việc xảy ra khiến chúng tôi rất thấm thía việc không chú ý tra cứu nhãn hiệu trước khi nộp đơn đăng ký tại Cục Sở hữu trí tuệ”, bà Châu nói.