Theo đó, thay vì các ngân hàng đối mặt với những khó khăn truyền thống thì nhiều áp lực gia tăng đến từ các giao dịch được thực hiện trực tuyến, điện thoại thông minh. Hay nói cách khác, khó khăn không theo tính chất vật lý thông thường mà có hệ thống được thực hiện trên nền tảng giao dịch số - đó là mô hình ngân hàng mới: ngân hàng ảo.
Ngân hàng ảo không cung cấp tất cả dịch vụ cho các khách hàng mà chỉ giao dịch với một số khách mục tiêu cụ thể để có thể phân tích được những khách hàng này quan tâm gì, thói quen của khách hàng mong đợi gì rồi phân khúc thành những nhóm khác nhau. Tuỳ từng nhóm khách hàng, Ngân hàng ảo sẽ có những sản phẩm phục vụ riêng, phù hợp với phân khúc này hay mở rộng các sản phẩm của Ngân hàng cho khách.
“Điều quan trọng là chi phí điều hành rất tiết kiệm bởi không phải là nhân viên ngân hàng truyền thống mà là các kỹ sư, các kênh ảo trên nền tảng trực tuyến AI, hệ điều hành chạy chương trình trực tuyến”, ông Alex Kling nói.
Góc nhìn về Việt Nam, ông Dương Dũng Triều, Chủ tịch HĐTV FPT IS cho rằng, đa số hệ thống ngân hàng Việt Nam vẫn là hoạt động truyền thống, đã có ngân hàng phối hợp với công ty công nghệ để triển khai ngân hàng số nhưng thất bại và số hoá hiện phần lớn là quy trình nội bộ. “Hệ thống ngân hàng Việt đang đối mặt với nhiều thách thức”
Các diễn giả tại phiên Thảo luận
Ông Phùng Duy Khương, Phó tổng giám đốc VPBank cho rằng, thách thức lớn nhất của các ngân hàng Việt trong đó có VPBank là làm sao tiếp tục tăng trưởng mạnh mẽ và con đường dẫn đến hiệu quả cao khi quy mô ngân hàng đã tăng trưởng mạnh thời gian năm qua.
“Kế hoạch hàng năm của các ngân hàng là năng suất lao động cắt giảm từ 30-50% so với năm trước, quy trình cắt 18 bước còn 5 bước và kiểm soát rủi ro tốt hơn. Tuy nhiên, với quy trình số hoá sẽ giúp thay đổi luật của cuộc chơi mạnh mẽ hơn, mức độ cải tiến năng suất là 100%, quy trình còn 1 bước, theo đó, tăng doanh thu, giảm chi phí và kiểm soát rủi ro tốt hơn”, ông Khương nói.
Chia sẻ về các thách thức lớn nhất mà các ngân hàng đang đối mặt hiện nay cũng như trong một vài năm tới, từ góc nhìn thực tiễn của ngân hàng mình, ông Huỳnh Bửu Quang, Tổng giám đốc MSB cho rằng, trong bối cảnh ngân hàng cần tăng trưởng cao với tỷ suất chi phí/tổng thu nhập từ hoạt động (Total operating income - TOI ngày càng giảm, thách thức lớn nhất là Ngân hàng phải xử lý đồng thời 3 vấn đề nan giải.
Đó là, tiếp tục đầu tư tăng trưởng mảng kinh doanh truyền thống vốn đang đem lại doanh thu và lợi nhuận chính cho Ngân hàng mặc dù trong tương lai, khả năng cao là mảng kinh doanh truyền thống sẽ không đem lại hiệu quả như mong muốn;
Tiếp theo đó là đầu tư chuyển đổi số để đón đầu xu hướng phát triển kinh tế xã hội nhưng lại chưa đem về doanh thu;
Vấn đề cuối cùng là làm thế nào để mọi thành viên trong tổ chức từ BOD (Ban giám đốc) đến nhân viên đều cùng đồng hành trong quá trình chuyển đổi số của Ngân hàng, đảm bảo sự thành công của quá trình chuyển đổi số.
Đại diện VietinBank, ông Trần Công Quỳnh Lân, Phó tổng giám đốc kiêm Giám đốc Trung tâm công nghệ thông tin cho rằng, ngân hàng bây giờ đối mặt với rất nhiều cạnh tranh, từ ngân hàng bạn, đến FinTech, telco và cả các công ty công nghệ.
Theo đó, thách thức lớn nhất là ngân hàng cần luôn luôn tìm cách làm mới mình; làm mới sản phẩm mà mình cung cấp, làm mới cách mình phục vụ, tương tác giao tiếp với khách hàng; làm mới cách mình xử lý quy trình, đánh giá rủi ro. Ngân hàng vốn là ngành truyền thống, nên xây dựng được một văn hoá luôn luôn thay đổi, luôn dịch chuyển, luôn đòi hỏi phải thử nghiệm là một thách thức lớn.
Ông Trần Công Quỳnh Lân, Phó Tổng Giám đốc kiêm Giám đốc Trung tâm công nghệ thông tin VietinBank
“Chuyển đổi số cần tư duy từ cấp cao nhất và thấm vào trong văn hoá của ngân hàng, đến từng cá nhân bộ phận để có thể góp ý, có thể sáng tạo, có thể cải tiến hàng ngày. Và môi trường để có thể thực hiện đổi mới hàng ngày với bộ khung kiến trúc công nghệ vững chắc, với nhân sự làm chủ được ứng dụng công nghệ thông tin, quá trình phát triển ra sản phẩm/chức năng nhanh gọn”, ông Lân nói.
Ông Nguyễn Minh Tâm, Phó tổng giám đốc Sacombank nói: “Thách thức lớn nhất của ngân hàng hiện nay và trong thời gian tới là chuyển đổi thành ngân hàng số. Việc số hóa mọi hoạt động trong một ngân hàng không chỉ cần một chiến lược đúng đắn, mức đầu tư thỏa đáng, giải pháp kỹ thuật phù hợp mà cần sự tham gia của tất cả thành viên trong tổ chức”.
“Chuyển đổi số cần phải có sự đồng bộ, dần dần, từ từ, thấm đẫm tới từng doanh nghiệp, từng con người trong doanh nghiệp”, ông Nguyễn Hưng, Tổng giám đốc TPBank nói.