Số hóa là thích nghi, liên tục đổi mới và sáng tạo

(ĐTCK) Theo ông Trần Công Quỳnh Lân, Phó tổng giám đốc kiêm Giám đốc Số hóa, Ngân hàng TMCP Công Thương Việt Nam (VietinBank), tốc độ số hóa tại một ngân hàng phụ thuộc vào nhiều yếu tố như tính sẵn có của công nghệ trên thị trường, nguồn lực tài chính mà ngân hàng có thể đầu tư…, đặc biệt là tư duy và khát vọng của toàn bộ cá nhân của ngân hàng trong việc triển khai số hóa. 
Vietinbank đã lên lộ trình 3- 5 năm tới sẽ thực hiện chuyển đổi số toàn diện và đồng bộ với một chiến lược xuyên suốt và thống nhất toàn ngân hàng.

Nhiều nhận định cho rằng, có sự nhầm lẫn khi sử dụng thuật ngữ chuyển đổi số bởi các doanh nghiệp Việt Nam mới đang trong giai đoạn đầu tiên của số hóa, chứ chưa ở hành trình chuyển đổi số. Ông có bình luận gì?

Số hóa là quá trình ứng dụng công nghệ vào hoạt động giúp tự động hóa các quy trình kinh doanh, vận hành hàng ngày bằng kỹ thuật số, thông qua đó giúp giảm thiểu công việc thủ công, tăng năng suất lao động.

Trong khi chuyển đổi số là một hành trình, trong đó công nghệ là yếu tố nền tảng giúp doanh nghiệp có thể sáng tạo ra những phương thức, mô hình kinh doanh, quy trình làm việc và văn hóa doanh nghiệp mới nhằm mang lại những lợi ích thiết thực cho doanh nghiệp và khách hàng.

Ông Trần Công Quỳnh Lân, Phó tổng giám đốc kiêm Giám đốc Số hóa VietinBank

Như vậy, số hóa là giai đoạn sơ khởi của chuyển đổi số và bất kỳ doanh nghiệp nào muốn chuyển đổi số thành công thì đều phải trải qua giai đoạn số hóa.

Tại VietinBank, chúng tôi đã dành ra nhiều năm để thực hiện số hóa và hiện đang trong giai đoạn thực hiện các chương trình chuyển đổi số riêng lẻ ở một số quy trình, sản phẩm, dịch vụ nhất định, điển hình là sản phẩm VietinBank iPay Mobile. Chúng tôi đã thay đổi hoàn toàn từ cách phát triển sản phẩm, tổ chức triển khai, đưa ra những bản cập nhật mới liên tục theo tần suất hàng tháng để đáp ứng nhu cầu của khách hàng. Không chỉ dừng lại ở ứng dụng ngân hàng số phục vụ các hoạt động giao dịch tài chính,

VietinBank iPay còn là ứng dụng với hơn 150 tính năng, kết nối hơn 2.000 nhà cung cấp dịch vụ đáp ứng tối đa nhu cầu đời sống hàng ngày của khách hàng.

Ứng dụng có thể tùy biến thông minh theo thông tin địa chỉ của khách hàng, nhu cầu của khách hàng; có những gợi ý, khuyến nghị khách hàng sử dụng thông qua công nghệ dữ liệu lớn (Big Data) và trí tuệ nhân tạo (AI). Qua đó, khách hàng được sử dụng dịch vụ với những trải nghiệm tốt nhất, đáp ứng tối đa nhu cầu của mình và với ngân hàng, thông qua ứng dụng VietinBank iPay Mobile, chúng tôi tiết giảm được các giao dịch tại quầy, tiếp cận với khách hàng một cách nhanh chóng, tiện lợi, mọi lúc mọi nơi.

Chúng tôi cũng đã lên lộ trình 3- 5 năm tới sẽ thực hiện chuyển đổi số toàn diện và đồng bộ với một chiến lược xuyên suốt và thống nhất toàn ngân hàng.

Một thống kê của FPT cho biết, hiện nay, tại Việt Nam, có đến 70% doanh nghiệp số hóa thất bại. Có nhiều nguyên nhân dẫn đến sự thất bại, nhưng mấu chốt nằm ở số hóa không chỉ là phần cứng, mà là tổng hợp của nhiều nguồn lực khác như hạ tầng công nghệ, nhân sự, quy trình thu thập, đặc biệt là quản lý dữ liệu, khả năng phân tích, khả năng đưa ra các giải pháp dựa trên phân tích dữ liệu và công nghệ nhằm đáp ứng được những nhu cầu của khách hàng. Ông có thể chia sẻ kinh nghiệm trong việc xây dựng số liệu để số hóa?

Dữ liệu là tài nguyên quý của mỗi tổ chức. Nhờ có dữ liệu mà các quyết định được đưa ra một cách chính xác hơn, mang lại giá trị tốt hơn cho ngân hàng.

Dữ liệu của một ngân hàng vô cùng đồ sộ vì không chỉ là dữ liệu về các hoạt động ngân hàng, mà còn là dữ liệu của hàng triệu khách hàng đang sử dụng dịch vụ của ngân hàng.

Tôi từng nói với cán bộ của mình rằng, nếu biết khai thác triệt để nguồn dữ liệu của ngân hàng hiện nay là có thể cải thiện năng suất lao động, giá trị đem lại theo cấp số nhân. Song, thực tế là không hề đơn giản, việc này phụ thuộc vào nguồn tài nguyên và năng lực lưu trữ dữ liệu, năng lực tổ chức và quản trị dữ liệu, năng lực làm sạch và làm giàu dữ liệu.

Tại VietinBank, từ năm 2013, chúng tôi đã đầu tư xây dựng một hệ thống kho dữ liệu doanh nghiệp “EDW” duy nhất, lưu trữ và xử lý tập trung toàn bộ dữ liệu phục vụ hoạt động kinh doanh của Ngân hàng. Đến năm 2017, hệ thống được chính thức vận hành, VietinBank tiếp tục phát triển các công cụ phân tích dữ liệu để từ đó giải quyết các bài toán kinh doanh, phục vụ khách hàng.

Trong quá trình triển khai, chúng tôi vấp phải không ít khó khăn về tính chính xác của dữ liệu. Dữ liệu được các chi nhánh nhập liệu vào trên hệ thống đôi khi có nhầm lẫn, sai sót nên phải làm sạch liên tục, chọn lọc ra những dữ liệu có giá trị, đáp ứng được nhu cầu phân tích. Không chỉ thế, chúng tôi cũng liên tục làm giàu nguồn dữ liệu của mình, biến dữ liệu phi cấu trúc thành có cấu trúc để khai thác và ứng dụng trên thực tiễn.

Hiện tại, các ngân hàng Việt đều gặp khó khăn trong việc tuyển dụng nhân sự cho công cuộc số hóa. Sự thiếu hụt nhân sự số có phải do công tác đào tạo trong nước còn hạn chế so với nhu cầu, hay các ngân hàng đang đòi hỏi quá cao? Nhân sự nước ngoài được tuyển dụng cũng không hẳn lúc nào cũng thành công bởi nhiều lý do chủ quan lẫn khách quan, theo ông, làm thế nào để giải quyết được bài toán này?

Nhân sự là một vấn đề vô cùng thách thức không chỉ với ngành ngân hàng, mà với tất cả các ngành nghề, cho tất cả các hoạt động. Vậy nên nhân sự phù hợp và đáp ứng ngay lập tức phục vụ chuyển đổi số lại càng trở nên “hiếm có khó tìm”. Nhân sự cho chuyển đổi số của ngành ngân hàng không chỉ đơn thuần là người am hiểu nghiệp vụ ngân hàng, mà còn cần có hiểu biết về kỹ thuật số và ngược lại, cán bộ kỹ thuật của ngân hàng không chỉ cần có trình độ kỹ thuật cao, thích ứng nhanh chóng với công nghệ mới, mà còn cần hiểu về nghiệp vụ ngành, từ đó đưa ra các sáng kiến kỹ thuật giúp tối ưu quy trình, nâng cao năng suất lao động, sáng tạo ra những ý tưởng kinh doanh mới từ công nghệ.

Thế nhưng, hiện nay, tại các nhà trường hay các tổ chức đào tạo tại Việt Nam vẫn đang đào tạo theo hướng chuyên sâu. Chúng ta có những sinh viên rất xuất sắc về robotics, Big Data, AI…, nhưng để sinh viên đó có thể vận dụng công nghệ giải quyết các bài toán kinh doanh của ngân hàng thì tôi e là chưa thực hiện được. Do vậy, để có nguồn nhân lực phục vụ chuyển đổi số, tại VietinBank, chúng tôi liên tục tuyển dụng, tổ chức đào tạo sau tuyển dụng, tạo ra môi trường giao thoa giữa bộ phận nghiệp vụ và kỹ thuật để hai bên học hỏi, trao đổi kiến thức nghiệp vụ, chuyên môn của nhau, từ đó có thể bổ sung cho nhau, phối hợp chặt chẽ để thực hiện các công việc với kết quả cao nhất.

Việc tuyển dụng nhân sự nước ngoài cho các vị trí chủ chốt cũng là một giải pháp, song giải pháp này khá tốn kém và không nhiều đơn vị dám đầu tư chi phí lớn mà chưa chắc chắn về hiệu quả đầu ra. Do vậy, tôi cho rằng, có thể tận dụng nguồn lực tại Việt Nam một cách có hiệu quả thông qua việc ngân hàng và các tổ chức đào tạo công nghệ cao hợp tác với nhau. Ngân hàng chia sẻ và đặt hàng các tổ chức đào tạo về nghiệp vụ, giải quyết những bài toán kinh doanh mà ngân hàng đang gặp phải thông qua các buổi đứng lớp trên nhà trường để các sinh viên có thể được tiếp cận từ sớm, tư duy về những bài toán nghiệp vụ và tìm lời giải qua công nghệ.

Như ông từng chia sẻ, số hóa ngân hàng không thể thành công khi nhận thức của các cá nhân trong ngân hàng đó không tương đồng với tốc độ số hóa. Vấn đề này liệu có thể hiểu rằng, văn hóa của doanh nghiệp cần được thay đổi? Ông có quan điểm gì?

Số hóa không chỉ nằm ở ý chí của người đứng đầu, mà cần ngấm vào tư duy và nhận thức của mỗi cán bộ trong tổ chức.

Ông Trần Công Quỳnh Lân

Tốc độ số hóa tại một ngân hàng phụ thuộc vào nhiều yếu tố như tính sẵn có của công nghệ trên thị trường, nguồn lực tài chính mà ngân hàng có thể đầu tư…, đặc biệt là tư duy và khát vọng của toàn bộ cá nhân của ngân hàng trong việc triển khai số hóa.

Số hóa không chỉ nằm ở ý chí của người đứng đầu, mà cần ngấm vào tư duy và nhận thức của mỗi cán bộ trong tổ chức. Họ tin vào việc cần thiết và bắt buộc phải số hóa, họ làm theo những dẫn dắt số hóa, họ có khao khát đổi mới, sáng tạo, họ thích nghi với những cách làm mới, hoàn cảnh mới, điều kiện mới và nhanh chóng tạo ra giá trị mới.

Công nghệ thay đổi liên tục, họ sẵn sàng và thích ứng mau lẹ với công nghệ, với thị trường, với thị hiếu của khách hàng và những thay đổi xung quanh mình. Để có được điều này, buộc ngân hàng phải chuyển đổi sang văn hóa số, văn hóa của thích nghi, của liên tục đổi mới và của sáng tạo. Một văn hóa số mà mỗi thành viên trong đó nhận thức rõ sứ mệnh của mình trong việc làm nên thành công của công cuộc số hóa ngân hàng.

Hồng Dung

Tin liên quan

Tin cùng chuyên mục