Số hóa chuỗi cung ứng nâng cao năng lực cạnh tranh cho doanh nghiêp

(ĐTCK) Số hóa chuỗi cung ứng là giải pháp hữu hiệu giúp nâng cao hiệu quả kinh doanh, đồng thời là đòn bẩy giúp doanh nghiệp nhanh chóng đưa hàng hóa ra thị trường. 
Số hóa chuỗi cung ứng nâng cao năng lực cạnh tranh cho doanh nghiêp

Đó là khuyến nghị của các chuyên gia tại Diễn đàn “Tối ưu hóa chuỗi cung ứng và chiến lược cạnh tranh cho doanh nghiệp” do Viện Nghiên cứu Chiến lược thương hiệu và Cạnh tranh tổ chức chiều 21/8.

Chia sẻ tại Diễn đàn, ông Võ Trí Thành, Viện trưởng Nghiên cứu Chiến lược thương hiệu và Cạnh tranh cho rằng, toàn cầu hóa, dòng chảy thương mại, đầu tư ngày càng thuận lợi gắn với lợi thế cạnh tranh và dịch vụ kết nối đã tạo ra những mạng sản xuất và chuỗi cung ứng toàn cầu.

Để sự phối hợp này được tiến hành suôn sẻ, vừa tiết kiệm tối đa chi phí vừa đem lại nhiều lợi ích nhất cho các bên liên quan, cần đặt bài toán kết nối chuỗi cung ứng trong bối cảnh mới hiện nay, đặc biệt với đặc trưng nổi bật của cuộc Cách mạng công nghiệp lần thứ tư là số hoá, siêu kết nối, và xử lý dữ liệu thông minh.

Tuy nhiên, theo PGS.TS. Nguyễn Văn Nam, Chủ tịch Viện Nghiên cứu Chiến lược Thương hiệu và Cạnh tranh, hiện nay điểm yếu lớn nhất của nền kinh tế thị trường Việt Nam là chuỗi cung ứng hàng hóa chưa hình thành đồng bộ, còn phát triển rời rạc và lạc hậu, mang dáng dấp của thời bao cấp và nền sản xuất nhỏ lẻ.

Theo ông Nam, nếu không giải quyết được bài toán kết nối thì khi hội nhập sâu với nền kinh tế toàn cầu, chuỗi cung ứng này sẽ không thể đáp ứng được yêu cầu của hội nhập, khiến cho sức cạnh tranh của nền kinh tế ngày càng yếu kém.

“Để khắc phục tình trạng này, Việt Nam cần hình thành được một chuỗi cung ứng, hàng hóa không chỉ phục vụ tốt mục tiêu sản xuất trong nước, mà phải làm tốt, phục vụ tốt việc xuất khẩu hàng hóa ra thị trường quốc tế; hiện đại hóa chuỗi cung ứng, đặc biệt là áp dụng được những kỹ thuật mới của công nghệ 4.0”, ông Nam gợi mở.

Một điểm yếu khác mà ông Lê Ngọc Quang, Giám đốc Tư vấn giải pháp quản trị Công ty Kiểm toán BDO Việt Nam đưa ra, là tình trạng số hóa chuỗi cung ứng của các doanh nghiệp Việt Nam còn rất chậm với số lượng còn rất khiêm tốn nên chưa tạo sức cạnh tranh.

Trên thực tế, theo ông Quang, có thể khắc phục điểm yếu này nếu doanh nghiệp nâng cao nhận thức về tầm quan trọng của việc số hóa chuỗi cung ứng không chỉ đơn giản là một cơ hội nâng cao hiệu quả kinh doanh hiện tại, mà còn là đòn bẩy giúp doanh nghiệp giảm thời gian đưa hàng hóa ra thị trường và xây dựng một chuỗi cung ứng với khả năng phản ứng nhanh chóng trước những thay đổi nhu cầu của thị trường.

“Hiện nay, nhiều công nghệ đột phá có thể kể đến là vạn vật kết nối (Internet of Things - IoT), điện toán đám mây và tối ưu hóa thông qua mô phỏng chuỗi cung ứng có thể là những ứng dụng phổ biến.

Trong bối cảnh của nền công nghiệp 4.0 đang diễn ra, một số bắt đầu ứng dụng robot, phương tiện tự vận hành và điều khiển từ xa để tự động hóa nhiều công đoạn trong sản xuất và logistics.

Một số công ty công nghệ và công nghiệp hàng đầu đã xây dựng các nhà máy sản xuất hoàn toàn tự động, nơi mọi hoạt động từ việc vận chuyển nguyên vật liệu đến sản xuất, quản lý chất lượng và phân phối đến kho thành phẩm đều được tự động hóa.

Đây là những điều kiện thuận lợi để doanh nghiệp áp dụng việc số hóa vào chuỗi cung ứng, mang lại lợi ích tối đa cho doanh nghiệp”, ông Quang nói.

TS. Nguyễn Văn Nam dự báo, xu hướng công nghệ trọng yếu đang có tầm ảnh hướng mạnh mẽ thay đổi thế giới nói chung, và các hoạt động quản lý chuỗi cung ứng nghiệp nói riêng.

Trong năm 2018 và các năm tới sẽ có nhiều doanh nghiệp ứng dụng công nghệ số hóa chuỗi cung ứng để tiết kiệm chi phí, thời gian, giảm thiểu sai sót, chống gian lận, lừa đảo đến tăng cường năng lực huy động vốn và tạo điều kiện thuận lợi cho quản lý.

Mai Phương

Tin liên quan

Tin cùng chuyên mục