“Số hóa” bảo hiểm và bài toán đền bù nhanh

0:00 / 0:00
0:00
(ĐTCK) Dự án Luật Kinh doanh bảo hiểm sửa đổi đang được Quốc hội xem xét, nếu được thông qua sẽ là cơ sở giúp các công ty bảo hiểm phát triển các sản phẩm mới, cách thức phân phối mới thuận lợi hơn cho người dân.
 “Số hóa” bảo hiểm và bài toán đền bù nhanh

Trao đổi với Báo Đầu tư Chứng khoán, bà Đỗ Liên, nhà sáng lập Ứng dụng Bảo hiểm công nghệ đầu tiên tại Việt Nam mang tên LIAN đã chia sẻ câu chuyện về số hóa ngành bảo hiểm hiện nay.

Theo bà Liên, việc Quốc hội xem xét dự án Luật Kinh doanh bảo hiểm sửa đổi để thông qua là một tín hiệu đáng mừng, góp phần rất lớn cho những sự thay đổi cấu trúc ngành trong tương lai theo đúng hướng mà tôi và rất nhiều người “yêu” bảo hiểm mong chờ suốt bao lâu nay.

"Để ngành bảo hiểm phát triển nhanh và bền vững không còn là một bài toán nan giải như vài chục năm về trước. Đáp án đã bày sẵn ra, xoay quanh hai chữ “số hoá”, có điều các doanh nghiệp bảo hiểm có sẵn sàng cho cú chuyển mình hay chưa và các quy định pháp luật có sẵn sàng điều chỉnh, tạo điều kiện cho các doanh nghiệp bảo hiểm vươn xa trong “sân chơi” mới này hay không?”, bà Liên nói.

Theo bà Liên, với riêng cá nhân bà, số hoá luôn là mục tiêu hướng đến nhằm đưa công ty bắt nhịp với kỷ nguyên 4.0, tạo nên những cú hích tiên phong cho ngành bảo hiểm nước nhà, giúp các doanh nghiệp khác có động lực lấy đà “nhảy số” theo.

"Ra mắt ứng dụng bảo hiểm công nghệ đầu tiên tại Việt Nam mang tên LIAN vào năm 2018 là một phần trong mục tiêu số hóa của tôi. Tất nhiên, điều đó vẫn chưa đủ. Tôi không nghĩ số hoá trong ngành bảo hiểm đơn thuần chỉ là ra mắt một ứng dụng mới, lớn lao hơn, chúng ta cần ra mắt một nền tảng kết nối hữu ích, mang đến những thuận tiện cho bên bán mà vẫn lấy bên mua (khách hàng) làm trung tâm - nâng cao mức độ quản trị rủi ro, thủ tục trực tuyến đơn giản, đảm bảo tính minh bạch và tốc độ trong thỏa thuận đền bù...", bà Liên chia sẻ.

Theo bà Liên, kinh doanh bảo hiểm từ xưa đến nay luôn gặp phải hai rào cản lớn.

Một là lòng tin của khách hàng, khách hàng không mua bảo hiểm vì cảm thấy không cần thiết. Thứ hai là các thủ tục rườm rà, quá trình đền bù nhập nhằng rất mất thời gian. Nếu vài chục năm qua, ngành bảo hiểm với cách tiếp cận truyền thống đã giải quyết được rào cản thứ nhất, tạo được lòng tin cho khách hàng rằng bảo hiểm chính là phương án đề phòng rủi ro mang nhiều lợi ích, thì đã đến lúc chúng ta phải giải quyết rào cản thứ hai bằng cách số hoá.

"Đừng nghĩ rằng số hoá ở ngành bảo hiểm chỉ là sự lựa chọn, thực hiện cũng được, không thực hiện cũng không sao. Thời điểm hiện tại, khi thế giới đang có rất nhiều biến chuyển, đại dịch Covid thúc đẩy làn sóng chuyển đổi số mạnh mẽ hơn bất kỳ giai đoạn nào trong lịch sử. Nhân loại phải chấp nhận các giao thức làm việc mới, chuyển đổi cách thức cung cấp từ tập trung sang phi tập trung, tạo điều kiện để mọi người làm việc từ xa, số hoá tất cả các khâu có thể số hoá được trong chuỗi cung ứng giá trị toàn cầu...", bà Liên nhấn mạnh.

Theo bà Liên, nếu có một doanh nghiệp hoặc một ngành nghề tại một thị trường nào đó không nương theo guồng quay vận hành của thế giới, chắc chắn doanh nghiệp đó sẽ bị “đào thải”, ngành nghề đó sẽ trở thành mắt xích không cần thiết trong tiến trình phát triển chung dẫn đến sự trì trệ, tệ hơn là vĩnh viễn lụi tàn.

Bà Liên nhấn mạnh: "Hơn 30 năm làm nghề bảo hiểm tại Việt Nam, tôi thật sự không mong muốn những viễn cảnh xấu xảy đến, kéo theo nhiều hệ lụy đáng tiếc bởi với tôi, bảo hiểm là một trong những ngành đồng hành khắng khít nhất với quá trình tiến lên của đất nước.

Vì vậy, trong thời gian tiếp tục chờ đợi điều chắc chắn sẽ xảy ra - quy định pháp luật điều chỉnh, tạo điều kiện tối đa cho các doanh nghiệp bảo hiểm phát triển nhanh và bền vững ở “sân chơi” mới, chúng ta - những người làm bảo hiểm phải nhanh chóng sắp xếp hành trang cho một chuyến hành trình mang tên số hoá”.

Ngay bây giờ hoặc không bao giờ!".

Kim Lan

Tin liên quan

Tin cùng chuyên mục