Số doanh nghiệp bất động sản thành lập mới giảm trên 53%

0:00 / 0:00
0:00
Theo số liệu của Tổng cục Thống kê (Bộ Kế hoạch và Đầu tư), tính đến cuối tháng 8, mặc dù số doanh nghiệp bất động sản quay trở lại hoạt động là 1.721, đã tăng 102% so với cùng kỳ năm 2022 nhưng số lượng doanh nghiệp thành lập mới trong lĩnh vực này vẫn giảm mạnh.
Tính đến cuối tháng 8, mặc dù số doanh nghiệp bất động sản quay trở lại hoạt động là 1.721, đã tăng 102% so với cùng kỳ năm 2022 nhưng số lượng doanh nghiệp thành lập mới trong lĩnh vực này vẫn giảm mạnh. Ảnh minh họa: Tuấn Anh/TTXVN Tính đến cuối tháng 8, mặc dù số doanh nghiệp bất động sản quay trở lại hoạt động là 1.721, đã tăng 102% so với cùng kỳ năm 2022 nhưng số lượng doanh nghiệp thành lập mới trong lĩnh vực này vẫn giảm mạnh. Ảnh minh họa: Tuấn Anh/TTXVN

Cụ thể, trong 8 tháng, cả nước có 3.066 doanh nghiệp bất động sản thành lập mới, giảm tới 53,4 % so với cùng kỳ năm 2022. Cùng đó, số doanh nghiệp bất động sản giải thể là 855 doanh nghiệp, cũng tăng 10,8%. Điều này cho thấy, những khó khăn vẫn tiếp tục đeo bám lĩnh vực bất động sản.

Ông Nguyễn Thọ Tuyển - Chủ tịch HĐQT Công ty cổ phần Bất động sản BHS (BHS Group) cho rằng, với nhiều trợ lực từ chính sách, chương mới cho một giai đoạn bất động sản mới đang dần mở ra. Những gì khó khăn nhất thì đã ở phía sau lưng những người làm bất động sản nhưng chưa thể khẳng định thị trường đã "thoát hiểm" hoàn toàn. Hiện một số chủ đầu tư đã bắt đầu ra hàng, nhiều thị trường nhen nhóm tín hiệu tốt.

Thế nhưng, nhân tố quan trọng của thị trường là các sàn giao dịch và lực lượng môi giới bất động sản lại đang rơi vào tình trạng “báo động”. Do đó, dù nguồn cung và cầu trên thị trường tốt hơn nhưng “mắt xích” môi giới yếu sẽ làm chậm quá trình phục hồi của thị trường - lãnh đạo BHS Group cảnh báo.

Nghiên cứu của bộ phận BHS R&D về thực trạng ngành môi giới tại 2 thị trường lớn là Hà Nội và Tp. Hồ Chí Minh cũng cho thấy, số lượng sàn giao dịch đóng cửa hoặc tạm dừng hoạt động lên đến gần 50%. Trong số 50% còn lại có đến 30% là hoạt động cầm chừng do không trả lương cho nhân viên bán hàng hoặc khi bán được hàng thì mới có lương. Như vậy, chỉ 20% có hoạt động thực tế.

“Cách đây hơn một năm, chỉ cần một sản phẩm mới ra thị trường đã có tới hàng ngàn nhân viên bán hàng tham gia. Nhưng hiện nay, đến 70% số này đã chuyển sang làm công việc khác. Còn lại 30% là những người lành nghề, có sẵn tích luỹ tiền bạc mới chống chọi được trong thời gian khốc liệt vừa qua” – ông Tuyển dẫn chứng.

Theo ông Tuyển, nguyên nhân chủ yếu là do thị trường mất thanh khoản đột ngột. Các chủ đầu tư rơi vào tình cảnh khó khăn, việc thanh toán công nợ cho sàn giao dịch và nhân viên bán hàng bị chậm. Trong khi, người làm công việc bán bất động sản được ví von “ráo mồ hôi là hết tiền” bởi một khoản tiền về họ sẽ phải chia ra cho nhiều chi phí như quảng cáo, tiếp khách, đi lại…; thậm chí là cả tiền “cắt máu” cho khách.

Ông Nguyễn Văn Đính - Chủ tịch Hội Môi giới Bất động sản Việt Nam (VARS) cho biết, có tới 20% sàn giao dịch đối diện nguy cơ giải thể, phá sản, 40% sàn đang phải nỗ lực chống đỡ để duy trì, chỉ còn hoạt động với một vài nhân sự nòng cốt. Phần còn lại có khả năng chống đỡ, nhưng sức chống chịu không cao.

Cùng đó, số lượng doanh nghiệp bất động sản quay trở lại hoạt động, tuyển dụng ghi nhận tăng ở một số địa phương có thị trường phục hồi tốt nhưng không nhiều.

Theo VARS, nếu tình hình khó khăn trên thị trường bất động sản tiếp tục duy trì đến hết năm 2023, số lượng doanh nghiệp có nguy cơ phá sản sẽ tiếp tục tăng cao.


Theo TTXVN

Tin liên quan

Tin cùng chuyên mục