Sơ đồ 3-8-3 cải cách kinh tế Trung Quốc

(ĐTCK) Trung quốc đang hướng đến mục tiêu tăng gấp đôi mức sống so với hiện nay vào năm 2020
Sơ đồ 3-8-3 cải cách kinh tế Trung Quốc

Cuộc họp quyết định…

Hội nghị Trung ương 3, Ban chấp hành Đảng Cộng sản Trung Quốc khóa 18 sẽ diễn ra trong tuần này. Đây là sự kiện có tầm quan trọng với nền kinh tế thế giới và địa chính trị toàn cầu hơn nhiều những cuộc chiến ngân sách, các cuộc họp ngân hàng trung ương và bầu cử đang diễn ra ở nhiều nơi khác và chắc chắn sẽ thu hút sự chú ý của giới truyền thông cũng như các thị trường tài chính trên toàn thế giới.

Lý do hiển nhiên cho tầm quan trọng của hội nghị này là Trung Quốc đã có định hướng kiên trì để trở thành nền kinh tế lớn nhất thế giới và siêu cường về chính trị. Và Hội nghị Trung ương 3, thường được tổ chức khoảng 12 tháng sau lễ nhậm chức của tân Tổng bí thư, là dịp để các nhà lãnh đạo mới của Đảng tuyên bố những chiến lược chính mà họ mong muốn thực hiện khi đã củng cố được quyền lực.

Tại Hội nghị Trung ương 3 năm 1978, Đặng Tiểu Bình đã khai mở những cải cách đầu tiên về thị trường để cởi trói cho động lực lợi nhuận ở Trung Quốc. Cũng tại một hội nghị trung ương 3 khác vào năm 1993, ông Giang Trạch Dân đã thúc đẩy tiến trình dỡ bỏ các doanh nghiệp nhà nước và đưa Trung Quốc hội nhập vào nền kinh tế thế giới mà đỉnh cao là sự tham gia vào Tổ chức Thương mại Thế giới (WTO) năm 2001.

Sơ đồ 3-8-3 cải cách kinh tế Trung Quốc ảnh 1

Trung quốc đang hướng đến mục tiêu tăng gấp đôi mức sống so với hiện nay vào năm 2020

Một lý do khác, thiết thực hơn, để thế giới phải chú ý theo dõi phiên họp toàn thể Trung ương Đảng Cộng sản Trung Quốc lần này là, Trung Quốc gần đây đã trở thành không chỉ động lực lớn nhất của nền kinh tế thế giới, mà còn là nguồn cơn chính của các bất ngờ kinh tế, bao gồm cả tốt lẫn xấu.

Năm 2009, chính chương trình kích thích kinh tế mạnh bạo của Trung Quốc mới góp phần nhiều nhất trong việc ngăn chặn suy thoái kinh tế toàn cầu, nhiều hơn những gì mà Washington, Frankfurt hay Brussels làm được. Trong đó, châu Âu và Đức được hưởng lợi nhiều nhất từ sự bùng nổ về đầu tư kết cấu hạ tầng ở Trung Quốc.

Trái lại, mùa hè vừa qua, các thị trường tài chính của Trung Quốc đã phản ứng hoảng loạn với thông điệp của Chủ tịch Ben Bernanke về việc thu hẹp gói kích thích tiền tệ của Ngân hàng Trung ương Mỹ (Fed), với lo sợ trái phiếu Mỹ giảm giá và tăng trưởng kinh tế chậm lại ở khắp nơi trên thế giới.

Bài học rút ra từ sự kiện này, mà sau đó Quỹ Tiền tệ quốc tế (IMF) và các nhà dự báo khác đã phải hạ mức dự báo tăng trưởng kinh tế toàn cầu, là: rủi ro lớn nhất đối với tăng trưởng kinh tế thế giới hiện nay đến từ những biến cố về sức khỏe kinh tế Trung Quốc cùng các thị trường mới nổi, chứ không phải từ sự dặt dẹo của kinh tế châu Âu, hay sự phục hồi rõ ràng những thất vọng của kinh tế Mỹ.

… và sơ đồ cải cách 3-8-3

Vậy Hội nghị Trung ương 3 trong tuần này có thể gợi ý điều gì cho tương lai của Trung Quốc? Do Trung Quốc chưa phải là một xã hội mở và Đảng Cộng sản Trung Quốc cũng không thực sự cởi mở với giới truyền thông và công chúng, nên câu trả lời đúng cho câu hỏi này có lẽ sẽ chưa thể có trong vòng vài tháng, thậm chí hàng năm tới. Nhưng những kỳ vọng đang ngày một lên cao.

Chủ tịch Tập Cận Bình vừa hé lộ rằng, Hội nghị sẽ đệ trình một kế hoạch “cải cách toàn diện”, trong đó có việc chuyển đổi mô hình tăng trưởng của Trung Quốc và tái điều chỉnh cơ cấu kinh tế thông qua một “dạng thức mới của các quá trình công nghiệp hóa, đô thị hóa, hiện đại hóa công nghệ và nông nghiệp”.

Một “cánh tay phải” của Chủ tịch Tập, ông Du Chính Thanh, Ủy viên thường trực Bộ Chính trị, Đảng Cộng sản Trung Quốc, cũng làm tăng thêm kỳ vọng bằng bình luận rằng, sẽ có những thay đổi chính sách “chưa từng thấy” tại hội nghị.

Còn ông Lý Khắc Cường, Thủ tướng Trung Quốc, người sẽ đưa những chính sách mới vào thực tiễn, cũng vừa xác nhận những kế hoạch chi tiết được đưa ra bởi nhóm cố vấn của Chính phủ (trong đó có cả các chuyên gia đến từ Ngân hàng Thế giới và IMF), nhằm chuyển đổi nền kinh tế và tăng gấp đôi mức sống của người dân vào năm 2020.

Nhiều trong số những ý kiến trên đã được thống nhất trong một kế hoạch và được dư luận miêu tả bằng sơ đồ 3-8-3. Theo đó, bản kế hoạch được bắt đầu bằng 3 mục tiêu cải cách “cơ bản”, bao gồm mở cửa các thị trường, cải tổ chính phủ và cải thiện năng lực quản lý ở cả các doanh nghiệp nhà nước lẫn doanh nghiệp tư nhân.

Những mục tiêu này sẽ đạt được bằng 8 sáng kiến chính sách: cắt giảm thủ tục hành chính; thúc đẩy cạnh tranh; cải cách sở hữu đất đai và luật cư trú; tái cơ cấu tài chính thông qua tự do hóa từng bước lãi suất và tỷ giá; tăng cường hệ thống tài khóa; cải cách doanh nghiệp nhà nước; khuyến khích đổi mới, sáng tạo, đặc biệt là công nghệ xanh; và phát triển khu vực dịch vụ.

Lợi ích của các mục tiêu trên được thể hiện ở 3 kết quả: những cơ chế mới về giao dịch đất công sẽ hướng nhiều hơn lợi ích của tăng trưởng kinh tế đến khu vực nông thôn và cho nông dân di cư; sự mở rộng của cơ chế thị trường và cạnh tranh sẽ giúp tăng hiệu quả và cải thiện chất lượng của hoạt động đầu tư; và các cải cách về tài khóa sẽ tạo lên một mạng lưới an sinh xã hội cơ sở, tăng niềm tin hộ gia đình, thúc đẩy tiêu dùng và giúp tái cân bằng nền kinh tế theo hướng thoát khỏi sự lệ thuộc qua mức vào đầu tư hạ tầng và xuất khẩu.     

Quang Huy
Quang Huy

Tin cùng chuyên mục