Sở Công thương TP.HCM nêu giải pháp để “lương tăng giá không tăng”

0:00 / 0:00
0:00
Sở Công thương TP.HCM cho biết đang triển khai các chương trình bình ổn, nên rất khó để một cá nhân hay doanh nghiệp nào lợi dụng việc tăng lương để té nước theo mưa, tăng giá bất hợp lý.
Từ ngày 1/7, việc tăng lương sẽ tạo tâm lý nâng giá bán của nhà bán lẻ dễ dẫn đến tác động dây chuyền nên cần động thái chuẩn bị và hạn chế tác động tiêu cực Từ ngày 1/7, việc tăng lương sẽ tạo tâm lý nâng giá bán của nhà bán lẻ dễ dẫn đến tác động dây chuyền nên cần động thái chuẩn bị và hạn chế tác động tiêu cực

Từ ngày 1/7, lương cơ sở tăng từ 1,8 triệu đồng lên 2,34 triệu/tháng, lương hưu tăng 15%, lương tối thiểu vùng cũng tăng 200.000 - 280.000 đồng tùy vùng. Tuy nhiên, nhiều người lo ngại qua trước mỗi đợt tăng lương lại có tình trạng giá cả hàng hóa “té nước theo mưa”.

Thông tin tại buổi họp báo thường kỳ ngày 11/7, ông Nguyễn Minh Hùng, Phó Trưởng Phòng Quản lý thương mại, Sở Công thương TP.HCM cho biết, trước đây, mỗi lần tăng lương, dịp Lễ, Tết… rất dễ xảy ra hiện tượng đầu cơ, tích trữ, té nước theo mưa, tăng giá bất hợp lý; nguyên nhân chủ yếu do nguồn hàng không ổn định.

Đến nay, Thành phố đang triển khai chương trình bình ổn thị trường theo nguyên tắc: đảm bảo nguồn cung, đảm bảo cân đối cung cầu, kiểm soát thị trường, xây dựng hệ thống phân phối hiệu quả với sự phối hợp chặt chẽ giữa chính quyền, doanh nghiệp và người tiêu dùng để đạt được mục tiêu bình ổn thị trường một cách bền vững.

“Hiện chương trình đã có quy chế, doanh nghiệp tham gia với lượng hàng phong phú, chất lượng, giá cả ổn định, sẵn sàng bổ sung khi xảy ra khan thiếu hàng hóa cục bộ; hệ thống phân phối cũng phủ khắp địa bàn Thành phố, người tiêu dùng có nhiều lựa chọn. Do đó, rất khó để một cá nhân, doanh nghiệp nào đó lợi dụng việc tăng lương để té nước theo mưa, tăng giá bất hợp lý”, ông Hùng nói.

Theo ông Hưng, từ ngày 1/7, việc tăng lương sẽ tạo tâm lý nâng giá bán của nhà bán lẻ dễ dẫn đến tác động dây chuyền nên cần động thái chuẩn bị và hạn chế tác động tiêu cực.

Do đó, cơ quan chức năng từ trung ương đến địa phương đều đã có phương án dự phòng từ sớm. Doanh nghiệp bình ổn thị trường luôn trong trạng thái sẵn sàng bổ sung thiếu hụt cục bộ, không để mất cân đối cung cầu, đảm bảo thông suốt hoạt động cung ứng, lưu thông, phân phối hàng hóa… trong mọi tình huống.

“Chúng tôi cũng đang tập trung theo dõi sát thông tin, nắm bắt diễn biến giá cả một số mặt hàng thiết yếu có tác động lớn và tổ chức kiểm tra việc chấp hành pháp luật về giá, xử lý nghiêm các hành vi vi phạm pháp luật về giá theo quy định”, ông Hùng nói.

Thông tin thêm, ông Nguyễn Ngọc Thắng, Phó Tổng Giám đốc Saigon Co.op, cho biết, tính đến thời điểm hiện tại, giá cả hàng hóa các mặt hàng tiêu dùng thiết yếu tại hệ thống Co.opmart, Co.opXtra vẫn ổn định, không biến động đáng kể so với trước thời điểm ngày 1/7.

“Saigon Co.op nỗ lực giữ giá cả bình ổn bằng các hình thức như chủ động giảm lợi nhuận để tăng các chương trình khuyến mãi tại 800 điểm bán; Đa dạng hóa các chương trình kích cầu tại điểm bán; tổ chức các phiên chợ đồng giá, một điều mới lạ khi chúng tôi kết hợp yếu tố “chợ” vào siêu thị”, ông Thắng nói.

Ông Thắng cho rằng Saigon Co.op tham gia các chương trình bình ổn thị trường các mặt hàng lương thực thực phẩm thiết yếu, chương trình khuyến mãi tập trung Shopping Season. Với vai trò điều tiết của các cơ quan chức năng, việc đề nghị tăng giá của các nhà cung cấp (nếu có) đã có một chốt chặn hiệu quả, Saigon Co.op yên tâm để kinh doanh.

Trọng Tín
baodautu.vn

Tin liên quan

Tin cùng chuyên mục