Nếu cộng dồn các chỉ số CPI, mức lương hưu thực tế đã tăng hơn 30%

0:00 / 0:00
0:00
(ĐTCK) Phó Chủ nhiệm Ủy ban Xã hội của Quốc hội Đặng Thuần Phong cho biết, lương hưu được điều chỉnh dựa trên việc tăng chỉ số giá tiêu dùng (CPI) nhiều năm qua.
Phó Chủ nhiệm Ủy ban Xã hội của Quốc hội Đặng Thuần Phong trả lời tại họp báo Quốc hội sáng 29/6 (Ảnh: M.Minh) Phó Chủ nhiệm Ủy ban Xã hội của Quốc hội Đặng Thuần Phong trả lời tại họp báo Quốc hội sáng 29/6 (Ảnh: M.Minh)

Sáng 29/6, ngay sau phiên bế mạc Kỳ họp thứ 7, Văn phòng Quốc hội tổ chức cuộc họp báo trong nước và quốc tế công bố kết quả Kỳ họp thứ 7, Quốc hội khóa XV.

Giải đáp các câu hỏi của phóng viên vì sao Quốc hội ban hành nghị quyết điều chỉnh mức lương cơ sở tăng 30% từ 1/7 tới mà chỉ điều chỉnh tăng 15% đối với mức lương hưu và trợ cấp bảo hiểm xã hội hiện hưởng, ông Đặng Thuần Phong, Phó Chủ nhiệm Ủy ban Xã hội của Quốc hội cho biết, lương hưu được điều chỉnh dựa trên việc tăng chỉ số CPI nhiều năm qua.

“CPI tăng nhiều lần cùng với mức lương của người hưởng lương hưu. Số đó nếu cộng lại chỉ tăng 11,5%, tức đã ngang bằng với mức tăng 30% đối với cán bộ, công chức, viên chức. Nhưng do các cụ hưởng lương hưu đời sống còn khó khăn nên Ban chỉ đạo cải cách tiền lương đã cân nhắc chuyển lên tăng 15%. Chính vì thế, nếu cộng dồn các chỉ số CPI, mức lương hưu thực tế đã tăng hơn 30%”, ông Phong giải thích.

Theo Phó Chủ nhiệm Ủy ban Xã hội, điều này cho thấy tính nhân văn trong chính sách, khi ưu tiên cho người hưởng lương hưu, đặc biệt người về hưu mà đời sống còn khó khăn.

Có ý kiến hỏi về việc đã 3 lần lùi thời hạn cải cách tiền lương toàn diện, ông Phong cho biết, Nghị quyết kỳ họp đã nêu rõ: Thực hiện cải cách tiền lương theo Nghị quyết số 27 trong khu vực công theo lộ trình, từng bước, thận trọng, chắc chắn, bảo đảm tính khả thi và góp phần nâng cao đời sống người hưởng lương.

Cũng theo Phó Chủ nhiệm Ủy ban Xã hội của Quốc hội, thực hiện cải cách tiền lương cần dựa trên việc xây dựng được vị trí việc làm và mức lương phù hợp.

Tuy nhiên, đây là cả quá trình lâu dài, trong khi việc xác định vị trí việc làm hiện vẫn chưa đồng bộ, chưa đồng nhất giữa các bộ, ngành, địa phương dù cùng lĩnh vực, hay như trong lực lượng vũ trang cũng còn nhiều vấn đề cần xác định rõ liên quan cải cách tiền lương…

Chính vì vậy, Ban chỉ đạo cải cách tiền lương đã nhất trí trình phương án “chậm dần” để cho phép Chính phủ có thêm thời gian rà soát, tính toán thật kỹ, dưới công thức xác định vị trí việc làm dựa trên tinh giản biên chế, từ đó có cơ sở để tính hệ số lương, mức lương… cho hợp lý.

Phó Chủ nhiệm Ủy ban Xã hội của Quốc hội đề nghị, thời gian tới, Chính phủ cần rà soát tổng thể để có sự thống nhất liên quan quản lý Nhà nước về tiền lương, từ đó có giải pháp hiệu quả hơn.

Đặc biệt, cần cân nhắc cải cách tiền lương kỹ càng dựa trên các điều kiện về nguồn lực, nhất là cho giai đoạn sau 2026 bởi hiện vẫn chưa dự báo được nguồn lực để thực hiện cải cách tiền lương cho giai đoạn này.

Toàn cảnh buổi họp báo sáng 29/6 (Ảnh: M.Minh)

Toàn cảnh buổi họp báo sáng 29/6 (Ảnh: M.Minh)

Trước đó, ngày 25/6, thay mặt Chính phủ trình kế hoạch tăng lương,Bộ trưởng Bộ nội vụ Phạm Thị Thanh Trà cho biết, do chưa đủ điều kiện bãi bỏ mức lương cơ sở và hệ số lương nên Chính phủ đề nghị Quốc hội cho thực hiện giải pháp tăng lương khu vực công từ ngày 1/7/2024.

Nội dung chính của kế hoạch tăng lương lần này là: tiền lương của khu vực công, công chức, viên chức tăng 30% (điều chỉnh mức lương cơ sở từ 1,8 triệu đồng hiện nay lên 2,34 triệu đồng/tháng) và bổ sung quy định tiền khen thưởng 10% lương cơ bản, điều chỉnh lương hưu 15%, trợ cấp bảo hiểm xã hội, trợ cấp ưu đãi người có công 35,7% và trợ cấp xã hội 38,9%, đặc biệt đối với những người hưởng lương hưu từ trước năm 1995 được trợ cấp thêm 0,3 triệu đối với người có mức lương thấp hơn 3,2 triệu, hưởng lương thấp hơn 3,5 triệu được điều chỉnh cho đủ 3,5 triệu đồng...

Khi thảo luận, các đại biểu Quốc hội đều ghi nhận mức lương cơ sở tăng từ 1,8 triệu lên 2,34 triệu đồng là mức lương cao nhất từ trước đến nay, ngoài việc cải thiện đời sống của người hưởng lương và trợ cấp còn đảm bảo được an sinh xã hội, đảm bảo được cuộc sống tối thiểu của người hưởng lương từ ngân sách.

Việc bổ sung quỹ tiền thưởng 10% là chính sách nhân văn trong việc khen thưởng, động viên, khích lệ đội ngũ công chức, viên chức, lực lượng vũ trang, người dân có nhiều đóng góp trong thực thi chức trách, nhiệm vụ, lao động sản xuất, giữ gìn an ninh trật tự, an toàn xã hội.

Tuy nhiên, đại biểu cho biết, cử tri và nhân dân vẫn thường trực nỗi lo cũ là "lương chưa tăng, giá đã tăng", đề nghị Chính phủ chỉ đạo ổn định giá cả thị trường, chống lạm phát, nhất là những mặt hàng tiêu dùng không thể để "tát nước theo mưa" của thị trường, khi mỗi lần nhà nước tăng lương cơ sở thì thị trường tăng giá theo, ảnh hưởng đến đời sống của đông đảo của người dân lao động.

Bên cạnh đó, đại biểu đề nghị Chính phủ tiếp tục đẩy mạnh hơn nữa cải cách tinh giản bộ máy biên chế. Đời sống được tăng mức lương nhưng song song đó là tinh gọn bộ máy và tinh giản biên biên chế vẫn phải tích cực hơn nữa để thực hiện mục tiêu này.

Đáng lưu ý, tại buổi thảo luận hội trường chiều 26/6 bàn về chính sách lương mới áp dụng từ 1/7/2024, đại biểu Nguyễn Quang Huân (đoàn Bình Dương) có phát biểu đáng chú ý khi đề xuất cải cách tiền lương theo hướng trả lương theo tốc độ tăng tổng sản phẩm quốc nội (GDP) hàng năm.

Theo ông Huân, cải cách tiền lương theo hướng này sẽ kích thích được lao động sản xuất, chống tham nhũng ngay từ đầu, đồng thời luôn chủ động nguồn lực để tăng lương mà không cần phải "để dành".

Minh Minh

Tin liên quan

Tin cùng chuyên mục