SMEDF sẽ giúp doanh nghiệp nhỏ và vừa phục hồi qua đại dịch Covid-19

0:00 / 0:00
0:00
(ĐTCK) Nguồn tài chính ưu đãi từ Quỹ Phát triển doanh nghiệp nhỏ và vừa (SMEDF) được hy vọng sẽ giúp các doanh nghiệp vượt qua cơn bão dịch bệnh.
SMEDF sẽ giúp doanh nghiệp nhỏ và vừa phục hồi qua đại dịch Covid-19

Khi thực hiện các hoạt động sản xuất kinh doanh, các doanh nghiệp luôn trù bị các nguồn tài chính ngắn hạn và dài hạn để duy trì hoạt động sản xuất. Các nguồn tài chính được các doanh nghiệp nhỏ và vừa sử dụng là từ hệ thống các ngân hàng thương mại trong và ngoài nước.

Đồng hành cùng doanh nghiệp vượt qua những khó khăn của đại dịch Covid-19 và giúp doanh nghiệp tiếp cận thêm các nguồn vốn tín dụng ưu đãi, Trung tâm xúc tiến thương mại và đầu tư TP.HCM (ITPC) phối hợp với Cục Phát triển doanh nghiệp, Ngân hàng TMCP Đầu tư và Phát triển Việt Nam (BIDV), Dự án USAID LinkSME tổ chức tọa đàm trực tuyến “Nguồn tài chính ưu đãi hỗ trợ doanh nghiệp nhỏ và vừa phục hồi trong bối cảnh Covid-19” ngày 31/8.

Trước tác động chưa từng có từ đại dịch Covid-19, nhiều doanh nghiệp nhỏ và vừa trên cả nước đang phải đối mặt với muôn vàn khó khăn. Số doanh nghiệp rời khỏi thị trường ngày một tăng kể từ đợt dịch Covid-19 đầu tiên, và hiện đã vượt quá số doanh nghiệp thành lập mới.

Theo số liệu mới nhất từ Tổng cục Thống kê, 85.500 doanh nghiệp đã phải rời khỏi thị trường trong 8 tháng đầu năm 2021, tăng 24,2% so với cùng kỳ năm 2020. Số doanh nghiệp thành lập mới ở mức 81.600, giảm 8%.

Mới đây, các doanh nghiệp nhỏ và vừa ở TP.HCM đã kêu gọi 5.000 chữ ký, kiến nghị trực tuyến gửi Thủ tướng Chính phủ mong được "hỗ trợ khẩn cấp. Đến chiều ngày 30/8, thư kiến nghị này đã đạt được gần 2.000 chữ ký của các doanh nhân.

Phát biểu tại buổi toạ đàm, ông Lê Thanh Phong, Trưởng phòng Xúc tiến đầu tư thuộc ITPC cho biết, doanh nghiệp vừa và nhỏ chiếm 97,8% số doanh nghiệp cả nước, song các doanh nghiệp này đang gặp hàng loạt khó khăn như ngừng hẳn hoạt động sản xuất kinh doanh hoặc hạn chế hoạt động, chi phí tăng cao do những phát sinh như xét nghiệm 3 ngày 1 lần, ăn ở cho người lao động khi thực hiện 3 tại chỗ; tạm ngừng hoạt động nhưng vẫn phải trả chi phí mặt bằng kho bãi, bảo hiểm xã hội...

Trong bối cảnh đó, toạ đàm là sự kiện gắn kết các tổ chức tài chính, quỹ đầu tư, ngân hàng với các doanh nghiệp có nhu cầu tiếp cận vốn để các doanh nghiệp giải quyết các vấn đề khó khăn do dịch bệnh gây ra trong ngắn hạn cũng như trong chiến lược lâu dài.

"ITPC đã phối hợp với Dự án USAID LinkSME từ 2019, tổ chức nhiều chương trình để các doanh nghiệp có thể hiểu và tiếp cận nhiều hơn nữa các thông tin của dự án. Chúng tôi cũng đặc biệt quan tâm đến các doanh nghiệp tại các khu công nghiệp bởi chúng tôi hiểu rằng, đây là các doanh nghiệp mà khả năng tiếp cận của dự án sẽ đem lại những hiệu quả nhất định", ông Phong chia sẻ.

Ông Daniel Fitzpatrick, Giám đốc Dự án USAID LinkSME bày tỏ, Việt Nam đang phải chịu ảnh hưởng nặng nề từ đại dịch giống như tại Mỹ vào tháng 4/2020 hay các quốc gia Nam Á và Đông Nam Á trong đầu năm nay. Mặc dù tình hình đang rất nghiêm trọng, Việt Nam vẫn còn đó những hy vọng khi Chính phủ đang nỗ lực triển khai tiêm chủng và bơm tiền vào nền kinh tế để hỗ trợ các doanh nghiệp phục hồi.

"Các ngân hàng như BIDV đang phối hợp với Quỹ Phát triển doanh nghiệp nhỏ và vừa (SMEDF) để chuyển nguồn vốn từ Chính phủ cho các doanh nghiệp nhỏ và vừa. Hãy coi họ như là những bác sỹ, y tá tài chính mang sức khoẻ trở lại cho các doanh nghiệp", ông Daniel Fitzpatrick nói.

SMEDF là quỹ tài chính nhà nước ngoài ngân sách, hoạt động không vì mục tiêu lợi nhuận, được Bộ Kế hoạch và Đầu tư tổ chức và hoạt động theo Nghị định số 39/2019/NĐ-CP ngày 10/5/2019. Đối tượng hỗ trợ là doanh nghiệp nhỏ và vừa khởi nghiệp sáng tạo, doanh nghiệp nhỏ và vừa tham gia cụm liên kết ngành, chuỗi giá trị.

SMEDF được vay vốn với mức lãi suất bằng 80% mức thấp nhất lãi suất cho vay thương mại. Các nguồn vốn ưu đãi từ quỹ có mức lãi suất ngắn hạn là 2,16% và lãi suất trung dài hạn là 4%/năm.

Để thiết lập mối quan hệ cung ứng lâu dài với các doanh nghiệp đầu chuỗi trong nước và quốc tế, nhiều doanh nghiệp nhỏ và vừa đang không ngừng nâng cao năng lực. Chính phủ cũng đang thực hiện các cải cách pháp luật và xây dựng năng lực thể chế nhằm thúc đẩy những nỗ lực này.

Dự án USAID LinkSME là dự án kết nối doanh nghiệp nhỏ và vừa, hỗ trợ Văn phòng Chính phủ cải thiện môi trường kinh doanh và cắt giảm chi phí tuân thủ thủ tục hành chính, đồng thời đánh giá sự tiến triển hàng năm.

Ngoài ra, dự án USAID LinkSME và các đối tác thực hiện cũng hỗ trợ doanh nghiệp nhỏ và vừa nâng cao năng lực sản xuất, tiếp cận nguồn tài chính và thực hiện chuyển đổi số. Những hỗ trợ này được thực hiện với sự phối hợp chặt chẽ với Bộ Kế hoạch và Đầu tư.

Các doanh nghiệp nhỏ và vừa có nhu cầu vay vốn có thể nộp hồ sơ tại điểm giao dịch của các ngân hàng nhận vốn cho vay gián tiếp của SMEDF trên toàn quốc, bao gồm BIDV, MB Bank, SHB, HD Bank, Bac A Bank, Sacombank.

Dự kiến thời gian tới, SMEDF sẽ ký hợp đồng khung cho vay gián tiếp thêm một số ngân hàng thương mại khác.

Quỳnh Lê

Tin liên quan

Tin cùng chuyên mục