Kỳ vọng dòng vốn mới
Sau 2 năm thua lỗ (2022 - 2023), SMC lãi nhẹ trong năm 2024 nhờ chuyển đổi nợ phải thu thành sản phẩm bất động sản, giúp cổ phiếu duy trì điều kiện niêm yết trên HOSE.
Theo báo cáo tài chính quý IV/2024, SMC ghi nhận thua lỗ 286,7 tỷ đồng trong năm 2024. Tuy nhiên, tại báo cáo kiểm toán năm 2024, Công ty lại lãi 12,1 tỷ đồng (năm 2023 lỗ 925,3 tỷ đồng), nhờ điều chỉnh mức trích lập dự phòng đối với các khoản phải thu. Theo đó, trong năm qua, doanh nghiệp hoàn nhập dự phòng 184,2 tỷ đồng, so với mức trích lập 502,8 tỷ đồng các khoản phải thu ở năm liền trước.
Tính tới 31/3/2025, SMC vẫn còn dự phòng 365,1 tỷ đồng phải thu ngắn hạn khó đòi của các đối tác, trong tổng số phải thu ngắn hạn 1.039,1 tỷ đồng; lỗ lũy kế 137,7 tỷ đồng, bằng 18,7% vốn điều lệ; sử dụng 854,5 tỷ đồng nguồn vốn ngắn hạn có kỳ hạn dưới 1 năm để tài trợ cho tài sản dài hạn có kỳ hạn lớn hơn 1 năm; sở hữu 663 tỷ đồng tiền mặt nhưng tổng nợ vay lên tới 2.367,7 tỷ đồng, bằng 292,3% vốn chủ sở hữu (trung bình ngành là 86%).
Việc thoát “án” hủy niêm yết bắt buộc giúp giá cổ phiếu SMC kéo dài đà tăng trong bối cảnh thị trường chứng khoán hồi phục nhờ thông tin Mỹ tạm hoãn áp thuế đối ứng. Từ ngày 9/4 đến 22/5/2025, cổ phiếu SMC tăng 94,7%, từ 5.700 đồng/cổ phiếu lên 11.100 đồng/cổ phiếu, trong khi chỉ số VN-Index chỉ tăng 16%.
Bên cạnh đó, chia sẻ bên lề đại hội cổ đông thường niên của Công ty cổ phần Thép Nam Kim (mã NKG) tổ chức ngày 25/4/2025, bà Nguyễn Ngọc Ý Nhi, Phó chủ tịch Hội đồng quản trị kiêm Phó tổng giám đốc SMC cho biết, năm 2025, SMC tiếp tục hoàn nhập dự phòng khi chuyển đổi nợ phải thu thành các sản phẩm bất động sản của đối tác và Công ty đã nhận được cam kết của nhóm cổ đông về việc góp thêm vốn để bổ sung vốn kinh doanh.
Thời điểm hiện tại và cuối năm 2024, việc chuyển đổi nợ phải thu sang bất động sản được tính theo giá mới, thấp hơn mức giá mà đối tác đưa ra nếu SMC thực hiện chuyển đổi trong những năm trước.
Về kế hoạch gọi vốn mới, SMC đang lên kế hoạch chào bán 73 triệu cổ phiếu riêng lẻ để huy động 730 tỷ đồng, nhằm thanh toán các khoản nợ vay, thanh toán các khoản nợ nhà cung cấp và bổ sung vốn lưu động.
Không còn nhiều dư địa để tái cơ cấu
Gặp khó khăn trong hoạt động kinh doanh khi nhiều đối tác lớn gặp vấn đề về dòng tiền, SMC đã phải thực hiện tái cơ cấu bằng cách bán bớt tài sản, cắt giảm nhân sự và chuyển đổi nợ thành cổ phiếu hoặc bất động sản.
Nếu như cuối năm 2022, SMC có 1.202 nhân viên, thì tới cuối quý I/2025 giảm còn 603 người. Trong năm 2024, Công ty đã bán 6.197 m2 đất tại Bình Dương, hai lô đất 9.096 m2 và 329,5 m2 tại TP.HCM, đồng thời chuyển nhượng toàn bộ khoản đầu tư 113,1 tỷ đồng vào cổ phiếu POM và NKG. SMC cũng đã chuyển đổi 104,8 tỷ đồng nợ phải thu của Công ty cổ phần Tập đoàn Xây dựng Hòa Bình (mã HBC) thành cổ phiếu (tính tới cuối năm 2024, giá trị này chỉ còn 55,3 tỷ đồng và trích lập 49,5 tỷ đồng, tương ứng tạm lỗ 47,2% tổng giá trị khoản đầu tư).
Mặc dù đã thực hiện nhiều giải pháp tái cơ cấu, nhưng cuối quý I/2025, SMC vẫn còn 365,1 tỷ đồng nợ xấu, 137,7 tỷ đồng lỗ lũy kế và có tỷ lệ đòn bẩy cao nhất ngành.
Bên cạnh đó, hoạt động kinh doanh của SMC tập trung chủ yếu tại TP.HCM, Bình Dương, Bà Rịa - Vũng Tàu và Đà Nẵng. Khi nhiều nước có động thái bảo hộ ngành thép từ đầu năm 2025, các doanh nghiệp thép chú trọng hơn vào thị trường nội địa, làm tăng áp lực cạnh tranh trong lĩnh vực kinh doanh thép - vốn là mảng chính của SMC.