
Theo số liệu cơ cấu doanh thu theo sản phẩm của doanh nghiệp Vĩnh Hoàn trong tháng 4/2025, doanh thu từ nhiều nhóm sản phẩm có sự biến động so với cùng kỳ năm trước.
Cụ thể, mặt hàng chủ lực là cá tra ghi nhận doanh thu 583 tỷ đồng, giảm so với mức 635 tỷ đồng của tháng 4/2024. Tương tự, nhóm sản phẩm khác cũng sụt giảm từ 205 tỷ đồng xuống còn 169 tỷ đồng. Ngoài ra, sản phẩm sức khỏe giảm từ 75 tỷ xuống 61 tỷ đồng và bún, bánh gạo giảm từ 42 tỷ đồng còn 35 tỷ đồng; phồng tôm cũng có điều chỉnh nhẹ, từ 30 tỷ đồng còn 27 tỷ đồng.
Ngược lại, một số nhóm hàng có mức tăng trưởng tích cực. Đáng chú ý, doanh thu từ phụ phẩm tăng mạnh từ 97 tỷ đồng lên 130 tỷ đồng. Sản phẩm giá trị gia tăng tăng gấp đôi từ 7 tỷ lên 15 tỷ đồng.
Xét theo từng thị trường xuất khẩu, Mỹ tiếp tục giữ vị trí dẫn đầu trong cơ cấu doanh thu của Vĩnh Hoàn với 371 tỷ đồng trong tháng 4/2025, tương đương 36% tổng doanh thu. Tuy nhiên, con số này đã giảm 10% so với cùng kỳ năm ngoái. Tương tự, hai thị trường lớn khác là EU và Trung Quốc cũng ghi nhận mức sụt giảm lần lượt 11% và 19%, với doanh thu đạt 179 tỷ đồng và 43 tỷ đồng.
Trái ngược với xu hướng đi xuống tại các thị trường xuất khẩu chủ lực, thị trường nội địa lại ghi nhận kết quả khả quan. Doanh thu trong nước đạt 285 tỷ đồng, tăng nhẹ 1% so với tháng 4/2024, trở thành điểm sáng hiếm hoi về tăng trưởng doanh thu của doanh nghiệp.
Tại ĐHĐCĐ thường niên 2025, ban lãnh đạo VHC cho biết Công ty gần như không có dư địa để điều chỉnh giá bán nhằm hấp thụ các mức thuế chống bán phá giá mới, do đó chi phí phát sinh sẽ được chuyển sang cho các nhà nhập khẩu và người tiêu dùng.
Trong kịch bản xấu nhất, nếu mức thuế bị áp lên tới 46%, người tiêu dùng Mỹ vẫn có thể chấp nhận, song thị trường sẽ cần thời gian để thích nghi. Ngược lại, nếu thuế được giữ ở mức dưới 20%, việc điều chỉnh giá bán sẽ dễ dàng và ít gây xáo trộn hơn.