Đây là lần thứ ba Ngân hàng Trung ương Singapore thắt chặt chính sách tiền tệ trong 6 tháng qua và động thái lần này được đưa ra khi các số liệu của chính phủ Singapore cho thấy động lực tăng trưởng kinh tế của nước này đã suy yếu trong quý I/2022.
Đồng đô la Singapore đã tăng giá mạnh mẽ trong một thời gian ngắn sau khi Ngân hàng Trung ương Singapore (MAS) tái thiết lập chính sách trung lập, theo đó thiết lập tốc độ tăng biên độ tỷ giá hiệu dụng danh nghĩa (NEER) của đồng đô la Singapore ở mức bình thường. Ngân hàng Trung ương Singapore điều hành chính sách tiền tệ thông qua thiết lập tỷ giá hối đoái, thay vì lãi suất.
Tất cả 16 nhà kinh tế được Reuters khảo sát đều đã dự đoán Ngân hàng Trung ương Singapore sẽ tiếp tục thắt chặt chính sách.
Selena Ling, người đứng đầu Bộ phận nghiên cứu và chiến lược ngân sách tại Ngân hàng OCBC (Singapore) cho rằng: "Cánh cửa chắc chắn vẫn chưa đóng lại" và khả năng cao Singapore sẽ có một đợt thắt chặt chính sách nữa vào tháng 10 tới.
Đồng đô la Singapore đã tăng giá khoảng 0,5% sau thông báo chính sách của Ngân hàng Trung ương Singapre hôm 14/4 và đạt mức cao nhất trong một tuần khi giao dịch 1,3552 SGD "ăn" 1 USD.
Ngân hàng Trung ương Singapore vẫn duy trì dự báo GDP của nước này sẽ tăng khoảng 3 - 5% trong năm 2022. Trong khi dữ liệu công bố hôm 14/4 cho thấy GDP của Singapore trong quý I/2022 đã tăng 3,4% so với cùng kỳ năm ngoái, nhưng thấp hơn kỳ vọng tăng trưởng 3,8% của các nhà kinh tế và chậm hơn tốc độ tăng 6,1% trong quý IV/2021.
Là một trong những trung tâm du lịch và tài chính hàng đầu Đông Nam Á, vào cuối tháng 3 và đầu tháng 4 Singapore đã thực hiện đợt mở cửa biên giới lớn nhất kể từ khi đại dịch Covid-19, nới lỏng các hạn chế trong nước và cho phép du khách nước ngoài đã tiêm phòng được nhập cảnh mà không cần phải kiểm dịch.
Tháng 1/2022, Ngân hàng Trung ương Singapore đã thắt chặt chính sách tiền tệ trong một động thái không theo chu kỳ. Trước đó, vào tháng 10/2021 cơ quan này cùng với nhiều ngân hàng trung ương trên thế giới đã siết chặt chính sách trong nỗ lực ứng phó với lạm phát tăng cao. Tại Mỹ, Cục Dự trữ Liên bang (Fed) cũng đã tăng 0,25 điểm phần trăm lãi suất vào tháng trước, đánh dấu một bước đi tích cực trong lộ trình thắt chặt chính sách tiền tệ để hạ nhiệt lạm phát.
Xung đột Nga - Ukraine đã làm gia tăng áp lực lên giá tiêu dùng vốn đã tăng nhanh vì gián đoạn chuỗi nguồn cung do đại dịch Covid-19.
Chính phủ Singapore cho biết họ sẵn sàng ứng phó bằng các biện pháp tài khóa và tiền tệ nếu cuộc khủng hoảng ở Ukraine ngày càng ảnh hưởng sâu sắc đến tăng trưởng và lạm phát.
Ngân hàng Trung ương Singapore dự báo lạm phát cơ bản của nước này sẽ đạt khoảng 2,5 - 3,5% trong năm 2022, cao hơn mức dự báo trước đó là 2,0 - 3,0%.