Thủ tướng Singapore Lý Hiển Long trong tuần trước đã phê chuẩn quy định cho giao dịch cổ phiếu 2 tầng (dual - class). Trong khi đó, CEO Sở Giao dịch chứng khoán và Lưu ký Hồng Kông Charles Li trong tháng 1/2017 cũng có động thái tương tự khi vừa tái đề xuất xem xét lại kế hoạch về cổ phiếu 2 tầng, sau khi đề nghị năm 2015 bị nhà cầm quyền gạt bỏ.
“Nếu chúng tôi làm điều này một cách chính xác, Singapore có thể trở thành một nơi hấp dẫn hơn để các công ty tiến hành IPO, nhà đầu tư thu về lợi nhuận tốt, đồng thời tạo nên thay đổi về môi trường kinh doanh, tạo thêm việc làm và cải tiến nền kinh tế”, Chew Sutat, người đứng đầu bộ phận chứng khoán và tài sản cố định tại Sở Giao dịch chứng khoán Singapore cho biết.
Mặc dù hiện tại Hồng Kông là một trong các thị trường IPO có doanh thu hàng đầu thế giới, nó vẫn bị các công ty lớn Trung Quốc như Alibaba Group Holdings Ltd và Baidu Inc bỏ qua khi tiến hành niêm yết cổ phiếu lần đầu ra công chúng. 2 đại gia Trung Quốc này đã lựa chọn niêm yết tại Sở Giao dịch chứng khoán New York, nơi các thứ hạng cổ phiếu khác nhau được chấp thuận.
Hiện tại, công ty tài chính và dịch vụ thanh toán của Alibaba là Ant Financial đang chuẩn bị IPO, cả Singapore và Hồng Kông đều đang cố gắng để cân bằng được lợi ích giữa các cổ đông sáng lập và những nhà đầu tư, để thu hút thương vụ IPO này.
“Không phải ngẫu nhiên mà cả Hồng Kông và Singapore đều đẩy mạnh việc thực hiện cấu trúc chấp nhận cổ phiếu 2 tầng để thu hút các thương vụ IPO lớn. Đây là nỗ lực để giành được sự quan tâm từ các doanh nhân nổi tiếng và để cung cấp một lựa chọn thay thế cho thị trường chứng khoán Mỹ”, Mark Humphery-Jenner, giáo sư tài chính tại Đại học Kinh doanh New South Wales cho biết.
Cổ phiếu 2 tầng là cổ phiếu được phát hành bởi một công ty nhưng được phân loại thành 2 bậc. Một cổ phiếu phân tầng có cấu trúc bao gồm cổ phiếu hạng A và cổ phiếu hạng B, mà sự khác biệt nằm ở quyền biểu quyết và mức cổ tức nhận được. Cổ phiếu hạng A được phát hành dành cho các nhà đầu tư thông thường và hạng B dành cho các cá nhân trong công ty như người sáng lập, lãnh đạo và những người thân cận.
Nhiều công ty lớn trên toàn cầu sử dụng loại cổ phiếu 2 tầng này, trong đó có Alphabet, công ty mẹ của Google và Facebook. Người sáng lập và CEO Facebook Mark Zuckerberg nắm giữ các cổ phiếu hạng B, mà mỗi cổ phiếu được tính thành 10 phiếu biểu quyết, trong khi mỗi cổ phiếu hạng A tương đương 1 phiếu biểu quyết. Với đa phần cổ phiếu hạng B trong tay, Mark Zuckerberg có thể tập trung vào các chiến lược kinh doanh trong dài hạn, không bị phân tán bởi các áp lực do giá cổ phiếu gây ra trong ngắn hạn.
Khoảng 15% các thương vụ IPO tại Mỹ trong năm 2015 tiến hành theo cấu trúc này, tăng 1% so với năm 2005, theo con số được cung cấp bởi Gilbert Matthews, giám đốc Sutter Securities Inc. Hơn một nửa số cổ phiếu 2 tầng IPO tại Mỹ năm 2015 thuộc về các công ty công nghệ.
Sở Giao dịch chứng khoán New York, nay là một đơn vị thuộc Intercontinental Exchange Inc, đã gỡ bỏ lệnh cấm kéo dài suốt 60 năm đối với cổ phiếu 2 tầng vào năm 1980, nhằm nâng cao sức cạnh tranh của mình so với sàn Nasdaq.
Cổ phiếu phân tầng hiện vẫn chưa được phép tại nhiều quốc gia, trong đó có Tây Ban Nha, Hàn Quốc và Ấn Độ. Một trong những lý do là bởi nhiều nhà đầu tư tổ chức phản đối loại cấu trúc này và cho rằng nó không phải yếu tố tích cực đối với quản trị công ty.
Theo Gilbert Matthews, số lượng các công ty lựa chọn cổ phiếu 2 tầng tăng lên trong những năm gần đây là minh chứng rõ ràng cho thấy, nhiều nhà đầu tư sẵn sàng chấp nhận cổ phiếu với quyền biểu quyết thấp hơn, miễn là cổ phiếu đó có sức hấp dẫn.
Trong khi Singapore đã chấp nhận loại cổ phiếu này, chính quyền Hồng Kông vẫn còn lưỡng lự trước khi đưa ra quyết định. Vào cuối năm 2016, CEO Ủy ban Chứng khoán và giao dịch tương lai Hồng Kông Ashley Alder cho biết, loại cổ phiếu 2 tầng vẫn có khả năng được chấp thuận tại thị trường này.
“Cổ phiếu 2 tầng sẽ luôn nhận được sự chào đón và ghét bỏ từ những nhà đầu tư. Vấn đề là các sở giao dịch chứng khoán cần phải tìm được cách thức để phát triển sản phẩm mới cho thị trường của mình”, Raymond Tong, luật sư tại Clifford Chance LLP cho biết.