Cơ quan Khoa học Y tế (HSA) Singapore đã khởi động quy trình đánh giá về mức độ an toàn của vaccine ngừa COVID-19 do Sinovac Biotech (Trung Quốc) sản xuất mà nước này nhận được cách đây một tháng.
Nhật báo “Today” ngày 22/3 đưa tin HSA đã đề nghị Sinovac Biotech cung cấp thêm thông tin. HSA cho biết họ cần thêm dữ liệu để có thể đánh giá liệu vaccine của Sinovac Biotech có đáp ứng các tiêu chuẩn về mức độ an toàn, chất lượng, hiệu quả hay không theo cơ chế PSAR - một cơ chế tạm thời được HSA đưa ra để xem xét, phê chuẩn việc sử dụng các trang thiết bị, thuốc điều trị và vaccine nhằm đối phó với đại dịch COVID-19.
Trước đó, Thủ tướng Singapore Lý Hiển Long khẳng định nước này sẽ sử dụng vaccine từ bất kỳ nguồn nào miễn là sản phẩm an toàn và hiệu quả.
Tại Bangkok, Tổ chức Dược phẩm Chính phủ (GPO) của Thái Lan có kế hoạch đặt hàng thêm 5 triệu liều vaccine ngừa COVID-19 từ công ty Sinovac Biotech (Trung Quốc), sau khi tiếp nhận 800.000 liều vaccine vào ngày 20/3 vừa qua, trong bối cảnh một ổ dịch mới xuất hiện ở khu chợ Bang Khae tại Bangkok.
Truyền thông sở tại dẫn lời Giám đốc GPO Witoon Danwiboon nói: "Chúng tôi sẽ đặt hàng thêm 5 triệu liều từ Sinovac và chúng tôi dự kiến đơn hàng sẽ đến từ tháng 4 đến tháng 6. Đó là một phần trong kế hoạch quản lý vaccine của Bộ Y tế nhằm đảm bảo sức khỏe người dân và thúc đẩy tăng trưởng kinh tế."
Lô hàng 800.000 liều nói trên là một phần trong số 2 triệu liều vaccine từ Sinovac Biotech. 200.000 liều vaccine đầu tiên đã được chuyển đến Thái Lan vào tháng trước, và 1 triệu liều tiếp theo sẽ đến vào tháng 4.
Nhân viên y tế tiêm chủng vaccine Sinovac tại Bangkok, Thái Lan, ngày 28/2/2021. (Ảnh: AFP/TTXVN). |
Ngoài vaccine của Trung Quốc, Chính phủ Thái Lan đã đặt mua vaccine từ AstraZeneca để đáp ứng nhu cầu vaccine trong thời gian còn lại của năm nay. Tổng cộng có 26 triệu liều vaccine AstraZeneca, do công ty Siam Bioscience sản xuất tại Thái Lan, dự kiến sẽ được bàn giao từ tháng 6 đến tháng 8, và 35 triệu liều khác sẽ được cung cấp từ tháng 9 đến tháng 12 tới.
Tại Nhật Bản, nước này đã nhận được lô vaccine thứ 6 do Pfizer sản xuất, trong bối cảnh chính phủ tiếp tục tiêm phòng cho các nhân viên y tế trong giai đoạn đầu của chiến dịch. Lô hàng này gồm 654.615 liều vaccine đã được chuyển từ nhà máy tại Bỉ đến sân bay Narita gần thủ đô Tokyo.
Chính phủ Nhật Bản dự kiến chuyển số hàng này cũng với một số vaccine khác đến các chính quyền địa phương trong tuần này để tiến hành tiêm phòng cho các nhân viên y tế.
Nhật Bản đang trong giai đoạn tiêm chủng cho khoảng 4,8 triệu nhân viên y tế. Nước này đang lên kế hoạch mở rộng quy mô tiêm phòng ra toàn bộ dân số, bắt đầu từ những người 65 tuổi trở lên kể từ ngày 12/4 tới. Nhóm tiếp theo sẽ được tiêm phòng là những người mắc tiểu đường và các bệnh về tâm thần.
Tính đến 17h ngày 19/3, Nhật Bản đã tiêm phòng mũi đầu cho 553.454 người. Vaccine của Pfizer là vaccine ngừa COVID-19 đầu tiên được Nhật Bản cấp phép sử dụng vào tháng 2 vừa qua. Thủ tướng Nhật Bản Suga Yoshihide đã cam kết đặt mua đủ vaccine cho toàn bộ 126 triệu dân trong nửa đầu năm 2021.
Trong khi đó, Bộ trưởng Y tế của Chính phủ Đoàn kết dân tộc Libya (GNU) Ali Zanati ngày 21/3 đã có cuộc gặp với người đứng đầu Tổ chức Y tế Thế giới (WHO) tại Libya, Elizabeth Hoff để thảo luận về việc cung cấp vaccine ngừa COVID-19 cho người dân nước này.
Trong tuyên bố, Bộ Y tế nêu rõ tại cuộc gặp, hai bên đã đề cập đến các vấn đề miền Nam Libya đang phải đối mặt do đại dịch COVID-19, bao gồm các trung tâm cách ly bị đóng cửa, các khu vực bị lây nhiễm nặng nhất và tình trạng thiếu nghiêm trọng oxy dùng cho mục đích y tế. Hai bên đã nhất trí về cơ chế hợp tác để cung cấp vaccine ngừa COVID-19 trong thời gian sớm nhất có thể.
Hai bên cũng đồng ý thành lập một phòng điều hành khẩn cấp bao gồm tại các khu vực miền Tây, miền Đông và miền Nam của Libya để trao đổi thông tin và kinh nghiệm, đồng thời tăng cường hợp tác giữa các bên liên quan.
Theo Trung tâm kiểm soát và phòng ngừa dịch bệnh quốc gia (CDC), Libya đã ghi nhận tổng cộng 151.065 ca nhiễm, trong đó có 10.787 ca tử vong do COVID-19.