Trong một cuộc họp gần đây, lãnh đạo Ủy ban Quản lý vốn nhà nước tại doanh nghiệp (SMSC) nhắc khéo rằng, có vấn đề gì khó khăn trong hoạt động, các tập đoàn, tổng công ty thuộc SMSC cần phản ánh với SMSC trước.
Những người am hiểu hoạt động của doanh nghiệp nhà nước lớn đều hiểu căn nguyên của lời nhắc khéo này khi không ít vấn đề, các tập đoàn, tổng công ty đều trình “vượt cấp”, kêu thẳng lên Chính phủ.
Nhưng nói đi cũng phải nói lại, khi con cái khó khăn, “bố mẹ” cũng phải xắn tay vào hỗ trợ, có như vậy con cái mới “tâm phục, khẩu phục”.
Ông Vũ Anh Minh, Chủ tịch VNR cho biết, năm 2019, Tổng công ty xây dựng kế hoạch kinh doanh lỗ (dù chưa được SMSC phê duyệt) vì đã dự báo trước sự kiện gói cứu trợ 7.000 tỷ đồng tiếp tục bùng nhùng.
Trở lại với câu chuyện về “chiến dịch” các tổng công ty đang muốn trở lại “mái nhà xưa” là Bộ Giao thông - Vận tải, một chuyên gia nhận xét, là cơ quan chủ sở hữu vốn, SMSC cần phải xác định được khó khăn của VNR và khả năng của mình để cùng phối hợp với các bộ, ngành liên quan đưa ra phương án giải quyết, hỗ trợ, nhưng sau hơn 1 năm nhận bàn giao, vẫn chưa làm được.
Ở thời điểm này, vấn đề càng nóng khi Chính phủ chủ trương thúc đẩy giải ngân vốn đầu tư công để tạo động lực thúc đẩy nền kinh tế chống đỡ với các tác động tiêu cực của dịch Covid-19.
Theo tìm hiểu của Báo Đầu tư Chứng khoán, không phải đến giờ khó khăn của VNR mới được bàn tới. Tại các cuộc làm việc với Chính phủ vào giữa năm 2019, đây đã là một nội dung được phản ánh và thảo luận nhiều lần.
Trên thực tế, nhiều tập đoàn, tổng công ty đã đề nghị SMSC xem xét, phê duyệt những nội dung liên quan đối với dự án có sử dụng vốn đầu tư công.
Đề nghị được đưa ra bởi Điều 3 - Nghị định số 131/2018/NĐ-CP ngày 29/9/2018 của Chính phủ về chức năng, nhiệm vụ, quyền hạn và cơ cấu tổ chức của SMSC quy định, Ủy ban tiếp nhận kế hoạch, chương trình dự án, các hoạt động của doanh nghiệp đang triển khai, chưa hoàn thành để quản lý và tổ chức thực hiện từ kế hoạch năm sau.
Tuy nhiên, SMSC cho biết, cơ quan này chỉ có thẩm quyền đại diện chủ sở hữu đối với phần vốn nhà nước đã đầu tư tại doanh nghiệp (vốn chủ sở hữu trên báo cáo tài chính gần nhất và tài sản thể hiện trong báo cáo tài chính của doanh nghiệp - PV).
Để giải quyết bất cập này, Bộ Kế hoạch và Đầu tư đã có tờ trình với Chính phủ, đề xuất phân định trách nhiệm của SMSC và các bộ quản lý chuyên ngành trong việc giao kế hoạch đầu tư vốn ngân sách trung ương năm 2019 cho các doanh nghiệp đã chuyển về SMSC.
Nghị quyết 50/2019 về phiên họp thường kỳ chính phủ đã thể hiện vấn đề này.
Tuy nhiên, đó mới là việc phân giao kế hoạch, còn việc thực hiện kế hoạch đầu tư lại chưa có hướng dẫn.
Nay các bộ viện dẫn, nếu họ cứ đặt hàng cho doanh nghiệp (chẳng hạn Bộ Giao thông - Vận tải đặt hàng VNR) thì sẽ vi phạm Nghị định 131, khi có vấn đề gì ai chịu trách nhiệm? Được biết, Bộ Kế hoạch và Đầu tư đang xây dựng dự thảo Nghị định để xử lý tình huống cực chẳng đã này.
Tương tự ngành đường sắt, còn nhiều nút thắt khác ở ngành đường bộ, hàng không, xây dựng đường dây truyền tải điện…
Nút thắt sẽ phải được tháo gỡ, nhưng những câu chuyện trên cho thấy, nếu không có tư duy rõ ràng, minh định về chức năng đại diện vốn nhà nước và chức năng đại diện quản lý tài sản nhà nước (các công trình hạ tầng đường sá, sân bay, đường sắt, đường dây truyền tải điện...) để có giải pháp hữu hiệu nhằm nâng cao trách nhiệm và hiệu quả quản lý nguồn lực nhà nước, thì chắc chắn việc thành lập SMSC với mong muốn tách bạch quản lý vốn nhà nước và quản lý hành chính nhà nước sẽ không đạt mục tiêu.
Khi thai nghén SMSC, các nhà tạo lập chính sách đưa ra ý tưởng thành lập một đơn vị thiên về kinh doanh vốn, thu hút được nhiều người có năng lực kinh doanh về làm việc, chứ không phải một đơn vị hành chính, hoạt động như các bộ quản lý ngành thông thường.
Tuy nhiên, hiện nay, Ủy ban lại vận hành giống với một cơ quan hành chính nhà nước hơn là một tổ chức kinh doanh vốn. Vậy là các doanh nghiệp chuyển giao về SMSC chịu cảnh “một cổ, nhiều tròng”, có nhiều vấn đề vừa phải xin ý kiến Ủy ban, vừa phải báo cáo, xin ý kiến các bộ ngành.
TS. Nguyễn Đình Cung, nguyên Viện trưởng Viện Nghiên cứu quản lý kinh tế Trung ương, một trong những thành viên thai nghén đề án thành lập SMSC cho rằng, vai trò của Ủy ban không phải phê duyệt từng dự án đầu tư, mà là giao mục tiêu để doanh nghiệp thực hiện, còn đầu tư vào đâu, đầu tư như thế nào, làm thế nào để đạt được các con số đó là việc của doanh nghiệp.
Song, các quy định hiện hành lại buộc doanh nghiệp vẫn phải xin ý kiến của SMSC cũng như các cơ quan quản lý ngành đối với từng dự án, từng quyết định.
Sự chồng chéo, mâu thuẫn dẫn đến ngưng trệ nhiều dự án, hoạt động của doanh nghiệp chính là hệ quả.