"Siêu dự án" Vành đai 4: Lưu ý tổng mức đầu tư và giải phóng mặt bằng, đền bù

0:00 / 0:00
0:00
(ĐTCK) Đại biểu Quốc hội cho rằng dự án đường Vành đai 4 - Vùng thủ đô Hà Nội (giai đoạn 1) là một dự án quốc gia có quy mô lớn, cần lưu ý rà soát tổng mức đầu tư và công tác giải phóng mặt bằng, đền bù...; tránh nguy cơ chậm trễ, đội vốn như một số dự án trước.
ĐBQH Hoàng Văn Cường (đoàn Hà Nội) - Ảnh: M.M ĐBQH Hoàng Văn Cường (đoàn Hà Nội) - Ảnh: M.M

Tình toán chặt chẽ nguồn vốn, đa dạng hoá hình thức đầu tư

Ngày 6/6, Quốc hội thảo luận về chủ trương đầu tư dự án Đường vành đai 4 - vùng thủ đô Hà Nội; dự án đường Vành đai 3 TP. Hồ Chí Minh.

Trao đổi với phóng viên Báo Đầu tư Chứng khoán về dự án đường Vành đai 4 Vùng Thủ đô Hà Nội, bên hành lang Quốc hội, Đại biểu Quốc hội Hoàng Văn Cường (đoàn Hà Nội) nhận định, đường Vành đai 4 sẽ tạo ra tính chất liên kết Thủ đô với các tỉnh trong Vùng thủ đô. Như vậy, không chỉ Hà Nội, mà cực phát triển sẽ lan tỏa thành các điểm phát triển trong vùng.

Thêm nữa, có Vành đai 4 chạy qua, các nguồn lực bên cạnh sẽ có điều kiện để đầu tư phát triển, ví dụ các trung tâm công nghiệp, thương mại, trung tâm đô thị… và sẽ mang lại nguồn lực phát triển rất cao.

“Khi dự án Vành đai 4 - vùng thủ đô Hà Nội được vận hành, tôi cho rằng ý nghĩa của “vùng thủ đô” sẽ thực sự được phát huy tác dụng và giải quyết được vấn đề liên vùng”.

ĐBQH Hoàng Văn Cường

Khi được hỏi, liệu dự án này có giải quyết được vấn đề tắc nghẽn giao thông tại địa bàn hay không, đại biểu đoàn Hà Nội phân tích, hiện Thành phố đã có đường Vành đai 3 nhưng vẫn bị áp lực ùn tắc giao thông rất cao. Như vậy, chứng tỏ nhu cầu giao thông qua lại tại khu vực này rất lớn.

“Nếu tình trạng này không được đáp ứng bằng việc mở rộng đường Vành đai 4 thì không chỉ tạo ra áp lực cho nội thành Hà Nội, mà còn cản trở hoạt động lưu thông mang tính quốc gia. Tất cả đầu mối giao thông từ phía Nam lên phía Bắc, từ phía Đông sang phía Tây đi qua khu vực Hà Nội sẽ đều bị ảnh hưởng”, ông Cường nêu quan điểm.

Đánh giá về tổng mức đầu tư lên tới gần 86.000 tỷ đồng, vị đại biểu này cho rằng, dự án lớn cần có nguồn vốn đầu tư tương xứng; tuy nhiên phải tính toán thật chính xác, chặt chẽ tránh tình trạng dự toán quá thấp khi triển khai không đủ vốn sẽ bị đình trệ, hoặc dự toán quá cao có thể dẫn đến quản lý không chặt chẽ sẽ bị thất thoát.

“Đặc biệt, phải nghĩ đến việc khai thác các nguồn lực khác nhau. Hiện dự án được xây dựng trên nguồn vốn ngân sách trung ương, ngân sách địa phương và nguồn vốn từ các nhà đầu tư BOT, theo tôi cần tăng cường thu hút đầu tư BOT để phát huy nguồn lực đầu tư trong xã hội", ông nói.

Lo ngại khâu giải phóng mặt bằng

Trong khi thảo luận về dự án đường Vành đai 4 vùng Thủ đô Hà Nội và đường Vành đai 3 TP.HCM, nhiều đại biểu bày tỏ băn khoăn về khâu giải phóng mặt bằng, bởi diện tích mặt bằng cần giải phóng của 2 dự án này tương đối lớn.

Hướng tuyến đường Vành đai 4 qua địa bàn 3 địa phương (Hà Nội, Bắc Ninh, Hưng Yên) (Nguồn UBND TP Hà Nội)
Hướng tuyến đường Vành đai 4 qua địa bàn 3 địa phương (Hà Nội, Bắc Ninh, Hưng Yên) (Nguồn UBND TP Hà Nội)

Dẫn chứng từ dự án sân bay Long Thành, khi gặp phải khu vực dân cư đông đúc, việc giải phóng rất khó khăn, kéo dài nhiều năm, đại biểu Hoàng Đức Thắng (đoàn Quảng Trị) nhận định, dự án đường Vành đai 3, Vành đai 4 lại thuộc hai thành phố lớn là Hà Nội và TP. Hồ Chí Minh, chỉ khi giải phóng mặt bằng thuận lợi, dự án mới có thể triển khai.

Ông Thắng cho rằng, các địa phương, bộ, ngành cần tập trung, có cơ chế thống nhất để giải quyết vấn đề mặt bằng, nếu cách làm không đổi mới thì rất khó để đảm bảo tiến độ. Trong các dự án này, cần xem giải phóng mặt bằng là nhiệm vụ số một, nếu chậm trễ trong công tác giải phóng mặt bằng có thể khiến dự án đội vốn lên rất cao.

"Tiền bao nhiêu là một chuyện nhưng giải phóng được mặt bằng hay không lại là vấn đề khác", đại biểu đoàn Quảng Trị nói.

Cũng băn khoăn chuyện giải phóng mặt bằng, đại biểu Lê Tấn Tới (đoàn Long An) dẫn chứng thực tế một số địa phương làm các dự án giao thông, đoạn nào khó giải phóng mặt bằng lại “tránh, né” đoạn đó, khiến nhiều con đường đáng ra thẳng lại phải cong queo uốn lượn. "Với dự án lớn như đường vành đai 4 của Thủ đô Hà Nội và đường vành đai 3 của TP.HCM cần có sự đầu tư xứng tầm cho một dự án mang tầm quốc gia", ông Tới khuyến nghị.

Trước những ý kiến trên, thảo luận tại tổ sáng 6/6, Bí thư Thành uỷ Hà Nội Đinh Tiến Dũng nhận định, giải phóng mặt bằng luôn là một khâu khó khăn nên phải thực hiện đồng bộ.

"Dự án Vành đai 4 - vùng Thủ đô có tổng diện tích đất chiếm dụng khoảng 1.341 ha, trong đó thành phố Hà Nội 741 ha và cơ bản là đất nông nghiệp nên việc giải phóng mặt bằng thuận lợi, không ảnh hưởng nhiều đến người dân hai bên đường”, ông Dũng thông tin.

Nhu cầu vốn ngân sách cho Dự án:

Giai đoạn 2011-2025: Cần 42.214 tỷ đồng, bao gồm ngân sách trung ương 19.383 tỷ đồng; ngân sách địa phương 22.832 tỷ đồng (Hà Nội 19.477 tỷ đồng; Hưng Yên 1.355 tỷ đồng; Bắc Ninh 2.000 tỷ đồng).

Giai đoạn 2026-2030: Cần 14.151 tỷ đồng, bao gồm ngân sách trung ương 8.790 tỷ đồng; ngân sách địa phương 5.361 tỷ đồng (Hà Nội 4.047 tỷ đồng; Hưng Yên 150 tỷ đồng; Bắc Ninh 1.164 tỷ đồng).

Vốn từ nguồn khác: N đầu tư PPP: 27.000 tỷ đồng; lãi vay 2.357 tỷ đồng.

Hà Nội sẵn sàng chi hơn 23.500 tỷ đồng cho Dự án

Tại kỳ họp chuyên đề thứ 5 diễn ra hôm 20/5, HĐND TP Hà Nội khóa XVI đã xem xét, quyết định chủ trương bố trí, cân đối vốn cho dự án đầu tư xây dựng đường Vành đai 4 vùng Thủ đô. 100% đại biểu có mặt thống nhất chi hơn 23.500 tỷ đồng cho dự án. Dự kiến bố trí vốn và giải ngân các năm giai đoạn 2021 - 2025.

Minh Minh

Tin liên quan

Tin cùng chuyên mục