Siết quản lý ngoại tệ, doanh nghiệp không dễ vay USD

(ĐTCK) Mức lãi suất tối đa đối với tiền gửi bằng USD của tổ chức, cá nhân được điều chỉnh giảm sâu khiến nhiều người liên tưởng đến cầu về ngoại tệ của các nhà xuất, nhập khẩu sẽ tăng mạnh trong dịp cuối năm, do lãi suất cho vay USD sẽ giảm theo. 
DN rất thận trọng vay ngoại tệ do rủi ro biến động tỷ giá vẫn lớn
DN rất thận trọng vay ngoại tệ do rủi ro biến động tỷ giá vẫn lớn

Song để được vay vốn bằng ngoại tệ, không phải doanh nghiệp nào cũng đủ điều kiện tiếp cận. Mặt khác, với các dự báo tỷ giá chưa hết áp lực, vay vốn bằng USD vẫn tiềm ẩn nhiều rủi ro.

Kể từ ngày 28/9, lãi suất gửi USD với tổ chức còn 0%/năm (mức cũ 0,25%/năm); lãi suất tiền gửi của cá nhân là 0,25%/năm (mức cũ là 0,75%/năm). Trước mắt, động thái này của NHNN có thể ngăn chặn tình trạng găm giữ ngoại tệ của cá nhân, tổ chức trong bối cảnh tỷ giá USD/VND đang chịu nhiều áp lực. Về lâu dài, chính sách điều hành lãi suất ngoại tệ của NHNN sẽ giúp tăng cung USD trên thị trường, qua đó, hỗ trợ rất lớn cho các doanh nghiệp xuất nhập khẩu và tỷ giá ổn định ở mức thấp hơn.

Theo Phó tổng giám đốc một ngân hàng, việc tiếp tục cắt giảm lãi suất huy động đồng USD sẽ ít có tác dụng đối với tăng trưởng tín dụng, nhưng sẽ giúp giảm thiểu xu hướng găm giữ USD bằng hình thức tiết kiệm, qua đó, tạo điều kiện tốt cho hơn cho các doanh nghiệp trong quá trình tiếp cận nguồn vốn vay ngoại tệ. Lạm phát thấp, lãi suất vay USD rẻ sẽ kích thích doanh nghiệp an tâm sản xuất, giảm giá thành sản phẩm và người tiêu dùng sẽ tăng mua sắm…

Ông Phạm Quốc Thanh, Phó tổng giám đốc HDBank nhận định, với mặt bằng lãi suất tiết kiệm USD vừa được điều chỉnh sẽ giúp ngân hàng tiết kiệm được chi phí trong huy động vốn thì lãi suất cho vay ra cũng sẽ giảm theo. Tuy nhiên, hiện lãi suất cho vay bằng ngoại tệ đã ở mức khá thấp, chỉ 3 - 3,5%/năm nên nếu giảm thêm cũng chỉ ở mức thấp 0,5%/năm đến gần 1%/năm.

“Nhu cầu về vốn ngoại tệ của doanh nghiệp luôn có, nhất là trong mùa kinh doanh cao điểm cuối năm. Tuy nhiên, không phải đơn vị nào cũng có đủ điều kiện để tiếp cận vốn vay bằng ngoại tệ”, ông Thanh nói.

Mặt khác, theo ông Thanh, hiện lãi suất cho vay tiền đồng đã giảm đáng kể so với trước và chênh lệch giữa lãi suất vay ngoại tệ -VND dần thu hẹp thì không phải doanh nghiệp nào cũng chọn vay USD. Ngược lại, các doanh nghiệp xuất khẩu có xu hướng vay tiền đồng để tránh được rủi ro biến động tỷ giá như thời gian vừa qua. Do đó, khả năng dư nợ tín dụng bằng ngoại tệ tăng không đáng kể trong thời gian tới sau khi lãi suất USD giảm.

Các doanh nghiệp phải cân nhắc giữa bài toán tiết kiệm chi phí khi vay ngoại tệ, nhưng kèm theo rủi ro về tỷ giá. Ngoài ra, do tín dụng tăng trưởng khá tốt trong năm nay, NHNN đang từng bước hạn chế bớt các trường hợp đặc biệt được vay ngoại tệ theo quy định của Thông tư số 43/2014/TT-NHNN quy định cho vay bằng ngoại tệ của TCTD, chi nhánh ngân hàng nước ngoài đối với khách hàng vay là người cư trú.

Theo HSBC, dù lãi suất tiền gửi USD giảm nhưng lãi suất cho vay USD sẽ khó có khả năng giảm vì thực tế Việt Nam vẫn bám sát lãi suất USD tại thị trường quốc tế. Với tình hình ngoại hối trên thị trường thế giới vẫn đang diễn biến hết sức phức tạp và định hướng hạn chế cho vay ngoại tệ của NHNN, HSBC không nghĩ tình trạng cho vay USD sẽ tăng mạnh trong thời gian tới do các doanh nghiệp sẽ cẩn trọng hơn khi vay ngoại tệ nếu họ không có doanh thu bằng ngoại tệ.

Chia sẻ với ĐTCK, ông Nguyễn Hoàng Minh, Phó giám đốc NHNN TP. HCM cho biết, dư nợ tín dụng bằng ngoại tệ của các NHTM trên địa bàn giảm khoảng 3% so với đầu năm 2015. Còn theo Cục Thống kê TP. HCM, dư nợ tín dụng của các NHTM trên địa bàn Thành phố tính đến đầu tháng 9/2015 đạt 640.000 tỷ đồng, chiếm 56% tổng dư nợ, tăng 15,2% so với cùng kỳ năm trước. Trong đó, dư nợ tín dụng bằng ngoại tệ đạt 158.400 tỷ đồng, chiếm 13,9% tổng dư nợ, giảm 5,2% so với cùng kỳ. Trong khi, dư nợ tín dụng VND đạt 984.800 tỷ đồng, chiếm 86,1% tổng dư nợ, tăng 18,2% so cùng kỳ.

Thùy Vinh

Tin liên quan

Tin cùng chuyên mục