Siết quản lý môi giới, cách nào?

(ĐTCK) Thị trường địa ốc phát triển mạnh về quy mô kéo theo đội ngũ môi giới đủ lớn để đáp ứng. Tuy nhiên, trên thực tế, các chế tài điều chỉnh hoạt động của môi giới còn lỏng lẻo, khiến thị trường tiềm ẩn nhiều rủi ro.
Nếu làm đúng vai trò, môi giới sẽ là nhân tố quan trọng thúc đẩy thị trường phát triển Nếu làm đúng vai trò, môi giới sẽ là nhân tố quan trọng thúc đẩy thị trường phát triển

Thiếu sự giám sát

Theo ông Hà Quang Hưng, Phó cục trưởng Cục Quản lý nhà và thị trường bất động sản (Bộ Xây dựng), không thể phủ nhận những đóng góp to lớn mà các tổ chức, cá nhân môi giới bất động sản mang lại cho xã hội. Tuy nhiên, thực tế hoạt động nghề này vẫn còn những tồn tại, bất cập.

Thứ nhất, hiện nay, pháp luật về môi giới bất động sản quy định cá nhân không bắt buộc phải có giấy chứng nhận hoàn thành khóa học thì mới được dự thi lấy chứng chỉ môi giới bất động sản. Điều này đã tạo ra xu hướng các cá nhân không thực sự học tập, tìm hiểu, nghiên cứu về môi giới bất động sản mà có khi chỉ tham gia một số khóa học ngắn hạn do các trung tâm không uy tín đào tạo để học lướt qua các kiến thức nhằm đối phó với kỳ thi sát hạch.

Thậm chí, có hiện tượng còn bỏ tiền “mua” chứng chỉ mà thực sự không có sự tìm hiểu, hiểu biết về nghề môi giới. Điều này đã tạo nên một lớp những người môi giới “hời hợt”, không có kiến thức căn bản về ngành nghề này, thậm chí sâu xa hơn họ có thể hành nghề môi giới bằng những hành vi bất chấp đạo đức nghề nghiệp, nhằm lừa đảo người dân với mục đích kiếm lợi cho bản thân.

Thứ hai là phần đông các nhà môi giới bất động sản cũng không coi trọng việc tham gia các khóa đào tạo về môi giới bất động sản.

Ông Hưng cho biết, kết quả khảo sát tại “Cuộc điều tra, khảo sát, đánh giá thực trạng hoạt động của các cơ sở đào tạo về bất động sản từ đó đề xuất cơ chế, chính sách hoàn thiện quy trình đào tạo và cấp chứng chỉ hành nghề môi giới bất động sản” mới đây cho thấy, có đến 86% nhân viên môi giới trả lời không tham gia hoặc chỉ tham gia một khóa đào tạo cho nhân viên, nhưng các hình thức đào tạo chủ yếu vẫn là những nhân viên trong công ty truyền lại kinh nghiệm cho nhân viên mới.

“Theo kết quả của cuộc điều tra, khảo sát trên thì tại Hà Nội, có đến 48% số lượng người môi giới bất động sản được điều tra không có chứng chỉ hành nghề môi giới bất động sản; trong số những người có chứng chỉ hành nghề thì chỉ khoảng 1/3 số người có chứng chỉ hành nghề ngay khi vào nghề, số còn lại sau khi đi làm vài năm mới thi lấy chứng chỉ”, ông Hưng cho biết.

Thứ ba, hệ thống hạ tầng cho đào tạo nghề môi giới bất động sản bài bản ở Việt Nam còn nhiều thiếu hụt, hạn chế. Đội ngũ các nhà môi giới bất động sản Việt Nam gần như không được đào tạo bài bản. Họ đến với nghề nghiệp chủ yếu bằng cách tự tìm tòi, tự học hỏi. Các tài liệu, giáo trình chính thức cho việc đào tạo môi giới cũng hầu như vắng bóng.

“Bên cạnh đó, việc cấp chứng chỉ hành nghề môi giới bất động sản vẫn chưa thực sự chặt chẽ, dẫn đến chất lượng và trình độ của các nhà môi giới bất động sản còn  hạn chế và không đồng đều. Thực trạng trên không những không giúp thị trường bất động sản Việt Nam ổn định, phát triển chuyên nghiệp, tích cực mà còn có nguy cơ tạo ra những hệ lụy, nguy cơ đe dọa thị trường”, ông Hưng cho biết thêm.

Ở góc độ khác, theo TS. Lê Đăng Doanh, nguyên Viện trưởng Viện Quản lý kinh tế Trung ương, hiện Việt Nam đang đứng thứ 61 về chỉ số minh bạch bất động sản, xếp hạng cao nhất trong nhóm “Kém minh bạch” và đang ở ngưỡng quá độ lên nhóm “Bán minh bạch”. Việt Nam xếp hạng trên Sri Lanka, Myanmar... trong nhóm. Tuy nhiên, thực tế cho thấy, không dễ để người dân tiếp cận với các thông tin chân thực về thị trường bất động sản, nhất là từ các cơ quan chức năng, điều này vô hình chung tạo điều kiện cho các “cò” nhà đất lộng hành.

“Người dân không thể nào biết được diễn biến giá cả một cách chính xác của thị trường bất động sản để có thể xác định hướng đầu tư đúng đắn, bởi cơ quan quản lý không có báo cáo chính thống nào hàng tháng hoặc hàng quý, còn các sàn bất động sản được lập nên với kỳ vọng sẽ giúp tăng độ minh bạch, nhưng chỉ có thể cho biết những dự án cụ thể”, ông Doanh nói.

Chia sẻ với phóng viên Báo Đầu tư Bất động sản, ông Nguyễn Văn Đính, Phó chủ tịch, kiêm Tổng thư ký Hội Môi giới bất động sản Việt Nam cho biết, thật ra các nghị định, quy định xử phạt, quản lý đối với hoạt động môi giới đã tạm đủ.

Ví dụ một sản phẩm trong dự án được bán ra không thông qua môi giới thì không sao. Nhưng theo quy định, nếu chủ đầu tư thuê các môi giới không có chứng chỉ hành nghề thì nếu cơ quan thuế thanh tra, số tiền tính chi phí hoa hồng cho môi giới không có chứng chỉ của chủ đầu tư sẽ bị truy thu tính thuế và bị xử phạt. Quy định là thế nhưng thực tế hầu như không thực hiện được trên thực tế.

Siết chặt bằng cách nào?

Theo các chuyên gia, hiện cả nước có 33.000 cá nhân được cấp chứng chỉ hành nghề môi giới bất động sản và khoảng 80% bất động sản giao dịch thành công thông qua môi giới.

Tuy nhiên, không thể thống kê hết những người hoạt động không đủ điều kiện hành nghề và để kiểm soát được “mặt trái” của môi giới địa ốc cần phải có sự vào cuộc đồng bộ, trong đó địa phương đóng vai trò quan trọng.

Ông Đính phân tích, trước hết chính quyền địa phương phải kiểm soát chặt chẽ hoạt động kinh doanh, dịch vụ đầu cơ môi giới, mua bán bất động sản trên địa bàn của mình quản lý.

“Tôi cho rằng, Nhà nước hoàn toàn kiểm soát được việc này. Vì khi môi giới rao bán bất động sản gần như công khai và cơ quan quản lý không khó gì để tìm hiểu. Đầu tiên là người bán hàng đó có đúng luật không, dự án có chuẩn hay không, đã được cơ quan chức năng địa phương đó cho bán chưa, dự án này tiến độ làm đến đâu, có vấn đề gì về pháp lý không…, tức là người ta hoàn toàn kiểm soát được. Nếu có biện pháp ngăn chặn, kiểm tra giám sát thường xuyên thì tôi cho rằng không có đất để những môi giới làm trái quy định thực hiện”, ông Đính nói.

Các chuyên gia cũng cho rằng, mỗi địa phương phải xử lý thông tin trên hệ thống thị trường của địa phương đó,  như thông tin về dự án, quy hoạch, giá cả thị trường… được quy định tại Nghị định 117/2015/NĐ-CP của Chính phủ. Khi địa phương công khai trên cổng thông tin thì sẽ có cơ sở để những người tham gia thị trường đối chiếu, so sánh khi mua dự án định mua xem có đúng với thông tin mà các môi giới đang chào bán không.

Bên cạnh đó, người mua cũng biết được người môi giới đó có đăng ký hoạt động nghề nghiệp hay không. Vì theo quy định, những người hành nghề, sàn giao dịch, môi giới bất động sản phải đăng ký hoạt động trên cơ quan quản lý, ở đây là Sở Xây dựng các địa phương. Lúc này, địa phương có thể hoàn toàn dùng biện pháp quản lý nhà nước để ngăn chặn, xử phạt người nào sai phạm.

Hơn nữa, các sàn giao dịch phải nâng cao đạo đức nghề nghiệp cũng như tính chuyên nghiệp của hoạt động môi giới bất động sản. Bởi những hoạt động này mà lệch chuẩn, thiếu chuyên nghiệp thì dẫn đến làm hại cho thị trường, đặc biệt là người tiêu dùng.

Cùng với việc các cơ quan quản lý nhà nước cần tạo điều kiện cho việc đào tạo, thi sát hạch để đảm bảo chất lượng người hành nghề môi giới bất động sản thì vai trò của Hội Môi giới cũng phải được nâng cao. Trong đó, việc tạo một môi trường để có thể nhận ra, thanh lọc những môi giới có chuyên môn, đạo đức nghề nghiệp kém và xây dựng bộ giáo trình chuẩn mực để đào tạo môi giới là rất quan trọng.

Ông Nguyễn Mạnh Hà, Chủ tịch Hội Môi giới bất động sản Việt Nam cho rằng, hoạt động môi giới vốn rất đa dạng, phức tạp không chỉ tại thị trường Việt Nam mà cả trên thế giới. Tuy nhiên, để có thể định vị đẳng cấp nghề này như nó vốn có thì bản thân mỗi môi giới phải có ý thức nghề nghiệp rõ ràng, cũng như tinh thần cùng nhau xây dựng cộng đồng môi giới bất động sản Việt Nam, cùng nhau chỉ ra và thanh lọc những “cò” nhà đất bất lương để bảo vệ nghề nghiệp của chính mình.

Hotline Báo Đầu tư Bất động sản: 0966.43.45.46 Email:dautubatdongsan.vir@gmail.com

Nhất Nam
Báo Đầu tư Bất động sản

Tin liên quan

Tin cùng chuyên mục