Siết kỷ luật trong kế hoạch đầu tư công trung hạn

Không chấp nhận du di trong việc thực hiện kế hoạch đầu tư trung hạn giai đoạn 2016 - 2020.
Lập kế hoạch đầu tư công giai đoạn 2016 - 2020, các bộ, ngành, địa phương phải có phương án phân bổ vốn theo lĩnh vực. Ảnh: C.C

Đến ngày 28/2/2015, nếu bộ, ngành nào chưa nộp dự thảo kế hoạch lần thứ nhất về Bộ Kế hoạch và Đầu tư để tổng hợp trình Thủ tướng Chính phủ, thì đơn vị đó coi như không có nhu cầu vốn đầu tư công cho 5 năm tới. Đó là hạn chót vừa được Bộ trưởng Bộ Kế hoạch và Đầu tư Bùi Quang Vinh đưa ra đối với những đơn vị chưa hoàn thành phần việc này. Đồng thời, Bộ trưởng cũng đưa ra mức kỷ luật dành cho đơn vị của Bộ Kế hoạch và Đầu tư nếu nhận báo cáo của các bộ, ngành sau ngày hạn chót này.

“So với Chỉ thị số 23/2014/CT-TTg về lập kế hoạch đầu tư công trung hạn giai đoạn 2016 - 2020, tiến độ đã bị chậm 2 tháng. Hiện mới có 43 bộ, 24 địa phương nộp báo cáo. Chúng ta không thể vì chờ đợi một vài đơn vị mà kéo chậm thời gian của cả nước”, Bộ trưởng Vinh nhấn mạnh tại Hội nghị hướng dẫn lập kế hoạch đầu tư trung hạn 5 năm 2016 - 2020 diễn ra đầu tuần tại Hà Nội.

Không chỉ đặt cao kỷ luật về thời gian, Bộ trưởng Bộ Kế hoạch và Đầu tư cũng yêu cầu các đơn vị đã nộp dự thảo tính toán lại dự kiến tổng vốn đầu tư cho giai đoạn 5 năm tới theo đúng các nguyên tắc, tiêu chí quy định trong Luật Đầu tư công và Chỉ thị số 23/2014/CT-TTg.

“Các bộ, ngành, địa phương phải tính toán, đừng có đưa ra tràn lan. Vừa rồi, xem các báo cáo lần 1, có những bộ đưa lên gấp 20 - 30 lần so với khả năng cân đối của ngân sách nhà nước dành cho bộ đó. Các địa phương cũng vậy, có nơi đưa lên gấp 10 lần. Cách làm như vậy thì không thể gặp nhau được”, Bộ trưởng Vinh nói và yêu cầu các đại biểu dự Hội nghị báo cáo đúng tinh thần với lãnh đạo bộ, ngành và địa phương để đảm bảo thực hiện đúng nguyên tắc đã thống nhất.

Theo quy định của Luật Đầu tư công, kế hoạch đầu tư công trung hạn giai đoạn 2016 -2020 của các bộ, ngành và địa phương được xây dựng theo quy trình thống nhất theo 3 lần dự thảo.

Trong lần dự thảo thứ nhất, đáng ra phải hoàn tất gửi Bộ Kế hoạch và Đầu tư trước ngày 31/12/2014, ngoài việc xác định tổng vốn đầu tư dự kiến cho 5 năm tới, các bộ, ngành, địa phương phải có phương án phân bổ vốn theo ngành, lĩnh vực, chương trình, đồng thời phải dự kiến sơ bộ mức vốn bố trí cho từng dự án cụ thể.

“Sẽ không thể làm việc theo kiểu tưởng có nhiều, nên đưa lên nhiều. Nguyên tắc xác định số vốn đầu tư trung hạn 5 năm tới tăng 10% so với kế hoạch đầu tư của 5 năm trước (đã trừ những hoạt động bất thường). Các bộ, ngành tính hòm hòm tổng số vốn đầu tư mình có để phân bổ, chứ không thể như lâu nay, cứ đưa lên mà không biết có vốn hay không”, Bộ trưởng Vinh nói.

Đặc biệt, việc sắp xếp thứ tự ưu tiên bố trí vốn ngân sách nhà nước cũng phải tuân thủ theo nguyên tắc thống nhất. Theo bà Nguyễn Thị Phú Hà, Vụ trưởng Vụ Tổng hợp (Bộ Kế hoạch và Đầu tư), nguyên tắc trong bố trí vốn trong 5 năm 2016 - 2020 vừa được Thủ tướng Chính phủ chỉ đạo điều chỉnh so với Chỉ thị số 23/2014/CT-TTg.

Với nguyên tắc ưu tiên mới, các dự án mới ở vị trí cuối cùng và có thể, số này không còn nhiều. Vì vậy, kế hoạch đầu tư năm 2015 nên tập trung vào các dự án thật sự xuất sắc, có thể hoàn thành trong năm 2015.

“Các bộ, ngành, địa phương chú ý là, Luật Đầu tư công không cho phép phát sinh nợ đọng sau ngày 1/1/2015, nên cách làm cho doanh nghiệp ứng vốn để làm không được chấp nhận. Số nợ chốt trước ngày 31/12/2014 cũng phải đúng, nếu không thì không bố trí trả nợ được”, Bộ trưởng Bùi Quang Vinh nhắc nhở và yêu cầu các sở kế hoạch và đầu tư cẩn trọng khi tham mưu cho lãnh đạo địa phương.

Theo kế hoạch, dự thảo lần thứ 2 sẽ được hoàn tất trước ngày 30/6/2015 và dự thảo lần cuối hoàn thành trước ngày 20/11/2015.

Khánh An
Baodautu.vn

Tin liên quan

Tin cùng chuyên mục