Siết chặt sở hữu lớn tại ngân hàng

0:00 / 0:00
0:00
(ĐTCK) Đây là nhận định chung của giới chuyên gia về mục tiêu mà Luật Các tổ chức tín dụng sửa đổi (vừa được Quốc hội thông qua) hướng tới.
Quy định mới về tỷ lệ sở hữu và cấp tín dụng với khách hàng lớn nhằm tránh những vụ việc lũng đoạn ngân hàng như tại SCB Quy định mới về tỷ lệ sở hữu và cấp tín dụng với khách hàng lớn nhằm tránh những vụ việc lũng đoạn ngân hàng như tại SCB

Chặn thao túng ngân hàng

Nhận định về Luật Các tổ chức tín dụng sửa đổi vừa được Quốc hội thông qua và chính thức có hiệu lực từ ngày 1/7/2024 (một số điều khoản sẽ có hiệu lực từ 1/1/2025), ông Phạm Đức Ấn, Chủ tịch Hội đồng thành viên Agribank nói: “Luật đã đưa ra các quy định nhằm kiểm soát, ngăn ngừa các cá nhân, doanh nghiệp thao túng một ngân hàng nhằm thực hiện mục đích riêng, đặc biệt liên quan đến câu chuyện cấp tín dụng”.

Đồng quan điểm, TS. Nguyễn Trí Hiếu, chuyên gia kinh tế nhấn mạnh: “Luật Các Tổ chức tín dụng sửa đổi hướng đến việc nâng cao năng lực quản trị, điều hành, minh bạch hóa hoạt động của tổ chức tín dụng, hạn chế tình trạng thao túng, chi phối hoạt động của cổ đông lớn tại tổ chức tín dụng, tiệm cận dần các chuẩn mực quốc tế”.

Còn nhớ, cuối năm 2023, Cơ quan Cảnh sát điều tra, Bộ Công an đã hoàn tất kết luận điều tra vụ án “Tham ô tài sản, vi phạm hoạt động ngân hàng, đưa, nhận hối lộ, lợi dụng chức vụ quyền hạn trong khi thi hành công vụ, thiếu trách nhiệm gây hậu quả nghiêm trọng và lạm dụng tín nhiệm chiếm đoạt tài sản”, xảy ra tại Tập đoàn Vạn Thịnh Phát, SCB và các đơn vị, tổ chức liên quan. Theo kết luận của Cơ quan Cảnh sát điều tra, bà Trương Mỹ Lan đã sử dụng quyền hạn chỉ đạo các đồng phạm hợp thức hồ sơ chiếm đoạt của SCB số tiền hơn 304.000 tỷ đồng, phục vụ mục đích cá nhân.

Cũng theo Cơ quan Cảnh sát điều tra, bà Trương Mỹ Lan mặc dù không nắm giữ chức vụ nào tại SCB nhưng lại là người có quyền hạn rất lớn tại Ngân hàng. Kể từ khi SCB được thành lập (thông qua việc sáp nhập 3 ngân hàng yếu kém vào năm 2012), bà Lan luôn nắm giữ cổ phần chi phối tại Ngân hàng (từ 85 - 91,5% tổng số cổ phần của SCB do chính bà Lan, các cá nhân thân tín và pháp nhân của bà Lan sở hữu đứng tên sở hữu). Số cổ phần còn lại (dưới 10%) do khoảng hơn 4.000 cổ đông nhỏ lẻ nắm giữ. Từ đó, bà Lan đã thông qua các cá nhân thân tín, giữ vai trò chủ chốt tại SCB và các cán bộ chủ chốt tại Vạn Thịnh Phát triển khai các hoạt động rút tiền từ Ngân hàng dưới hình thức giải ngân cho các hồ sơ vay được lập khống của hệ sinh thái Vạn Thịnh Phát với hơn 1.000 doanh nghiệp…

Bà Lan bị cáo buộc đã chi phối, lũng đoạn và chỉ đạo hoàn toàn hoạt động của SCB, có vai trò là người tổ chức, chủ mưu, cầm đầu để thực hiện hành vi tham ô tài sản với số tiền đặc biệt lớn. Hành vi phạm tội của bà Lan và đồng phạm được thực hiện với lỗi “cố ý trực tiếp”, có dự mưu từ trước, được chuẩn bị, tổ chức thực hiện hết sức công phu, tỉ mỉ và có “kịch bản”. Các bị can đã thao túng, lũng đoạn, bất chấp các quy định pháp luật để thực hiện hành vi phạm tội.

“Đây là tổ chức tội phạm có quy mô rất lớn, hoạt động hết sức manh động, nhưng cũng rất tinh vi, xảo quyệt. Hậu quả mà tổ chức tội phạm này gây ra là đặc biệt lớn về kinh tế, ảnh hưởng không nhỏ đến hoạt động của ngành ngân hàng, uy tín của Nhà nước trong quản lý kinh tế”, kết luận của Cơ quan Cảnh sát điều tra nêu.

Theo thống kê của MBS Research, tính đến thời điểm hiện tại, có 7 ngân hàng niêm yết có cổ đông là tổ chức sở hữu trên 10% vốn điều lệ (đã loại trừ các tổ chức tín dụng có cổ đông chiến lược là nhà đầu tư nước ngoài).

Báo cáo tài chính các ngân hàng đều không có số liệu chi tiết về việc cho vay một cá nhân hay một doanh nghiệp, tuy nhiên, báo cáo tài chính của doanh nghiệp lại hé lộ chút thông tin. Ví dụ, khoản nợ vay của Tập đoàn Vingroup (mã VIC) và công ty liên quan tại VPBank tương đương 16% vốn tự có của ngân hàng này; còn tại Techcombank tương đương 13% vốn tự có.

Cần sớm những văn bản hướng dẫn

TS. Cấn Văn Lực, Chuyên gia kinh tế trưởng BIDV nhận định, quy định về tỷ lệ sở hữu tối đa của một cổ đông và một nhóm cổ đông liên quan tại một ngân hàng đã được thay đổi theo hướng chặt chẽ hơn.

Cụ thể, một cá nhân không được sở hữu cổ phần vượt quá 5% (như quy định tại Luật hiện hành), một tổ chức không sở hữu vượt quá 10% (hiện nay đang là 15%) và một nhóm cổ đông liên quan không sở hữu vượt quá 15% (hiện nay đang là 20%) vốn điều lệ của một tổ chức tín dụng. Cùng với đó, quy định về người có liên quan cũng (khoản 24, Điều 4) được làm rõ và rộng hơn đáng kể so với quy định hiện nay, đặc biệt với bên có liên quan là cá nhân.

Theo TS. Lực, quy định này góp phần hạn chế khả năng một nhóm cổ đông sở hữu đa số cổ phần, từ đó góp phần giảm sở hữu chéo, thao túng hoạt động của tổ chức tín dụng (như trường hợp tại SCB vừa qua). Bên cạnh đó, Luật Các tổ chức tín dụng sửa đổi cũng đưa ra quy định chuyển tiếp đối với nội dung này (những cổ đông có tỷ lệ sở hữu cao hơn giới hạn cho phép, trước khi Luật có hiệu lực) vẫn sẽ được giữ nguyên (không phải bán ra cổ phần), nhưng sẽ không được phép tham gia vào các đợt phát hành cổ phần mới của ngân hàng để đảm bảo tỷ lệ sở hữu hiện tại sẽ giảm dần về giới hạn theo lộ trình đến năm 2029, qua đó đảm bảo quyền lợi, nghĩa vụ của các cổ đông hiện hữu.

“Tuy nhiên, tính hiệu lực, hiệu quả của quy định này còn phụ thuộc nhiều vào khâu thực thi sau này, nhất là việc tuân thủ công bố thông tin, đảm bảo thực chất, công khai, minh bạch và kịp thời…”, TS. Lực nói.

Luật cũng khống chế việc cấp tín dụng cho một và một nhóm khách hàng chặt dần (Điều 136), từ mức 15% (với một khách hàng) và 25% (với một nhóm khách hàng liên quan) vốn tự có của ngân hàng hiện nay xuống còn 10% và 15% theo lộ trình đến đầu năm 2029. Với những tổ chức tín dụng phi ngân hàng, tỷ lệ này giảm từ 25% và 50% vốn tự có xuống còn 15% và 25%.

“Thay đổi này có thể giúp giảm rủi ro tập trung tín dụng cho các tổ chức tín dụng. Tuy nhiên, quy định này cũng có thể gây ra một số khó khăn về tiếp cận vốn đối với một số doanh nghiệp có nhu cầu vay vốn nhiều. Theo đó, để giảm thiểu khó khăn, đòi hỏi phát triển cân bằng hơn thị trường tài chính, nhất là thị trường cổ phiếu và trái phiểu để doanh nghiệp có thể huy động vốn trung, dài hạn nhiều hơn từ kênh này, giảm phụ thuộc quá nhiều vào tổ chức tín dụng như hiện nay”, TS. Lực nêu quan điểm.

Bên cạnh các quy định mới về trần tỷ lệ sở hữu và cho vay một khách hàng, nhóm khách hàng, Luật Các tổ chức tín dụng sửa đổi đã bổ sung quy định về cung cấp, công bố công khai thông tin với các tổ chức tín dụng (Điều 49). Theo đó, các cá nhân giữ chức vụ quan trọng trong tổ chức tín dụng (thành viên hội đồng quản trị, tổng giám đốc, phó tổng giám đốc…) phải cung cấp các thông tin về người và doanh nghiệp có liên quan cho tổ chức tín dụng và tổ chức tín dụng sẽ báo cáo cho Ngân hàng Nhà nước, đại hội cổ đông, đại hội thành viên, hội đồng thành viên... Tương tự, các cổ đông nắm giữ trên 1% vốn điều lệ trở lên cũng cần cung cấp thông tin (bao gồm cả tỷ lệ sở hữu cổ phần) của bản thân mình cũng như cá nhân, tổ chức có liên quan. Ngoài ra, danh sách các cổ đông sở hữu trên 1% vốn điều lệ của tổ chức tín dụng sẽ được công bố công khai.

TS. Lực nhận định, điều này được kỳ vọng làm tăng tính minh bạch và giám sát đại chúng đối với các tổ chức tín dụng (kể cả các tổ chức tín dụng chưa niêm yết), góp phần làm giảm tình trạng sở hữu chéo, theo túng tổ chức tín dụng. Tuy nhiên, tính hiệu lực, hiệu quả của quy định này còn phụ thuộc nhiều vào khâu thực thi sau này, nhất là việc tuân thủ công bố thông tin một cách thực chất, minh bạch và kịp thời…”, TS. Lực nhấn mạnh.

“Luật Tổ chức tín dụng sửa đổi về cơ bản đã giải quyết đa số các khó khăn, vướng mắc hiện tại, kiến tạo cho một số hoạt động mới và đồng bộ hóa với các bộ luật khác đã có hay vừa ban hành. Tuy nhiên, tính hiệu lực, hiệu quả phụ thuộc nhiều vào khâu thực thi sau này”, TS. Lực nhìn nhận.

Nhuệ Mẫn

Tin liên quan

Tin cùng chuyên mục