Giảm tỷ lệ sở hữu ngân hàng: Sẽ có 17 cổ đông tổ chức vượt giới hạn

0:00 / 0:00
0:00
Dự thảo Luật Các tổ chức tín dụng sửa đổi giảm tỷ lệ sở hữu với điều chỉnh giảm tỷ lệ sở hữu cổ phần của một cổ đông là tổ chức từ 15% xuống 10%. Quy định này sẽ dẫn đến 17 cổ đông vượt giới hạn sở hữu.
Giảm tỷ lệ sở hữu ngân hàng: Sẽ có 17 cổ đông tổ chức vượt giới hạn

Dự thảo Luật các tổ chức tín dụng sửa đổi lần này giữ nguyên tỷ lệ sở hữu với cá nhân là 5% thay vì giảm về mức 3% như dự thảo trước đó. Quy định này được đánh giá là hợp lý.

Tuy vậy, tỷ lệ sở hữu với tổ chức vẫn giảm từ 15% như quy định hiện hành xuống 10%.

Ủy ban thường vụ Quốc hội cho rằng, việc giảm tỷ lệ sở hữu cổ đông sẽ giúp gia tăng số lượng các cổ đông, gia tăng tính đại chúng cũng như đa dạng hóa cơ cấu cổ đông của các TCTD phù hợp với định hướng Đề án cơ cấu lại hệ thống tổ chức tín dụng gắn với xử lý nợ xấu giai đoạn 2021-2025 để hạn chế việc chi phối, thâu tóm, bảo đảm tính đại chúng của TCTD.

Theo NHNN báo cáo, tính đến ngày 31/12/2022, việc giảm tỷ lệ sở hữu cổ phần tại dự thảo Luật tác động như sau: việc điều chỉnh giảm tỷ lệ sở hữu cổ phần của một cổ đông là tổ chức từ 15% xuống 10% vốn điều lệ tại dự thảo Luật dẫn đến có tổng số 17 cổ đông là tổ chức tại 13 ngân hàng TMCP, 1 công ty tài chính có mức sở hữu cổ phần vượt 10%.

Để tránh sự xáo trộn không cần thiết cũng như tác động tiêu cực như ý kiến của ĐBQH, tại dự thảo Luật cũng đã quy định chuyển tiếp tại khoản 11 Điều 210, trong đó, kể từ ngày Luật này có hiệu lực thi hành, cổ đông, cổ đông và người có liên quan vượt tỷ lệ sở hữu cổ phần quy định tại Điều 63 của Luật này được tiếp tục duy trì cổ phần nhưng không được tăng thêm cổ phần cho đến khi tuân thủ quy định về tỷ lệ sở hữu cổ phần theo quy định của Luật này, trừ trường hợp nhận cổ tức bằng cổ phiếu.

Trước đó, trao đổi với Báo Đầu tư, bà Phạm Thị Thúy Vân, Luật sư cấp cao Công ty Luật Baker McKenzie Việt Nam và ông Nguyễn Viết Trung - Luật sư Công ty Luật Baker McKenzie Việt Nam, việc giảm tỷ lệ sở hữu sẽ có tác động lớn đến các cổ đông hiện hữu, đặc biệt là các cổ đông chiến lược.

Cụ thể, các cổ đông sẽ phải tìm phương án để đáp ứng được quy định về giảm tỷ lệ sở hữu cổ phần, và vì thế tác động lớn đến hoạt động đầu tư, kinh doanh của chính cổ đông đó. Hơn nữa, việc giảm tỷ lệ sở hữu sẽ làm giảm sức ảnh hưởng của các cổ đông chiến lược trong quản trị nội bộ của TCTD, các cổ đông chiến lược sẽ cần phải tìm phương án để có thể thông qua các vấn đề thuộc thẩm quyền của Đại hội đồng cổ đông của TCTD khi tiến hành biểu quyết. Xét một cách toàn diện, việc giảm tỷ lệ sở hữu cổ phần phải cân nhắc tính ổn định của các cổ đông hiện hữu, và phải được đánh giá tác động một cách tổng thể.

Nhiều chuyên gia kinh tế cũng cho rằng, siết tỷ lệ sở hữu không phải là biện pháp trọng yếu để ngăn sở hữu chéo. Thực tế, nếu cổ đông và nhóm cổ đông sở hữu không quá 15- 20% vốn ngân hàng như quy định hiện nay, không ai có thể chi phối được quyền cấp tín dụng của ngân hàng. Song tại nhiều ngân hàng, nhóm cổ đông vẫn sở hữu quá 50% vốn ngân hàng, làm khuynh đảo ngân hàng.

Thùy Liên
baodautu.vn

Tin liên quan

Tin cùng chuyên mục