Siết chặt quản lý vốn của Nhà nước góp vào các ngân hàng

(ĐTCK) Còn nhiều khoản vốn góp tại các ngân hàng, do các tập đoàn, tổng công ty nhà nước sở hữu, đang chờ để thoái vốn. Nguồn vốn này cần được quản lý chặt chẽ.
MobiFone khá may mắn với khoản đầu tư vào TPBank khi ngân hàng này lên sàn MobiFone khá may mắn với khoản đầu tư vào TPBank khi ngân hàng này lên sàn

Từ chuyện đấu giá hụt

Ngày 19/4/2018, Ngân hàng TMCP Tiên Phong (TPBank) niêm yết trên Sở Giao dịch chứng khoán TP.HCM (HOSE) với giá tham chiếu 32.000 đồng/cổ phiếu, giá đóng cửa cao hơn mức này.

Trước đó, sau khi TPBank công bố kế hoạch niêm yết, rất nhiều cổ đông vui mừng chờ đón cơ hội chốt lời trong bối cảnh thị trường có sóng cổ phiếu ngân hàng. Cổ đông MobiFone có lẽ vui mừng hơn cả, bởi tháng 1/2018, tập đoàn viễn thông này quyết định bán đấu giá 5,5 triệu cổ phần TPBank qua Sở Giao dịch chứng khoán Hà Nội (HNX) với giá khởi điểm 12.800 đồng/cổ phiếu. Tuy nhiên, phiên đấu giá ngày 7/2/2018 cuối cùng đã tạm hoãn với lý do để xác minh làm rõ lại tỷ lệ sở hữu của nhà đầu tư nước ngoài đối với cổ phiếu TPBank.

Trong ngày 7/2, MobiFone đã bán đấu giá thành công 33,4 triệu cổ phần Ngân hàng Đông Nam Á (SeABank), giá trúng bình quân 9.978 đồng/cổ phần, cao hơn giá khởi điểm (9.600 đồng/cổ phần).

Trong trào lưu đầu tư tài chính những năm 2006 - 2008, MobiFone đã cùng FPT, Tổng công ty cổ phần Tái bảo hiểm quốc gia Việt Nam (Vinare) tham gia thành lập TPBank, đồng thời góp vốn trở thành cổ đông chiến lược của SeABank. Trước yêu cầu các tập đoàn, tổng công ty nhà nước thoái vốn ngoài ngành, đặc biệt là lĩnh vực bảo hiểm, ngân hàng, chứng khoán..., MobiFone đã lên kế hoạch và mong muốn thoái vốn đầu tư tại các ngân hàng, nhưng không thực hiện được.

Năm 2016, MobiFone triển khai bán đấu giá cổ phần tại SeABank và TPBank với giá khởi điểm thấp hơn mệnh giá, nhưng không thành công, không nhà đầu tư nào đăng ký mua nên HNX phải hủy đấu giá. Dù vậy, sau quá trình khó khăn, MobiFone đã thành công thoái vốn tại SeABank và có cơ hội thoái vốn tại TPBank sau khi ngân hàng này niêm yết.

Tập đoàn Công nghiệp Than - Khoáng sản Việt Nam (Vinacomin) từng sở hữu nhiều khoản đầu tư góp vốn trong lĩnh vực ngân hàng, bảo hiểm, chứng khoán. Vinacomin góp vốn vào Ngân hàng Sài Gòn - Hà Nội (SHB), Công ty Chứng khoán SHS, Công ty Quản lý quỹ đầu tư Sài Gòn - Hà Nội (SHF), Công ty Bảo hiểm hàng không (VNI). Vinacomin sở hữu 100% vốn tại Công ty Tài chính - Than Khoáng sản Việt Nam. Vào năm 2014, tập đoàn này công bố đã thoái vốn tại 5 đơn vị nói trên.

 Vinacomin từng đầu tư khá lớn vào SHB và các công ty thành viên của ngân hàng này

Nhưng vẫn còn các tập đoàn khác gặp khó trong việc thoái vốn, chẳng hạn Tập đoàn Dệt may Việt Nam (Vinatex). Năm 2018, Vinatex dự định triển khai thoái vốn tại 12 đơn vị, trong đó có Ngân hàng Nam Việt (nay là Ngân hàng Quốc dân - NCB) với 69 triệu cổ phần. Nhiều năm qua, Vinatex rất muốn thoái vốn tại ngân hàng này, nhưng chưa thành công, bởi giá cổ phiếu thấp, không đảm bảo nguyên tắc bảo toàn vốn.

Dù thoái vốn chậm, nhưng ít ra, Vinatex không đối mặt với hậu quả nặng nề như trường hợp Tập đoàn Dầu khí Việt Nam (PVN). Vừa qua, Tòa án nhân dân TP. Hà Nội đã đưa ra xét xử vụ án cố ý làm trái các quy định của nhà nước về quản lý kinh tế gây hậu quả nghiêm trọng liên quan đến việc PVN góp vốn vào Ngân hàng Đại Dương (OceanBank).

Bản án sơ thẩm xác định, nhóm lãnh đạo cao cấp của PVN đã vi phạm quy định về tỷ lệ sở hữu của cổ đông tổ chức tại các ngân hàng. Theo quy định, tỷ lệ này là 15% kể từ khi Luật Các tổ chức tín dụng năm 2010 có hiệu lực. Khi đó, PVN đang sở hữu tỷ lệ 20% tại OceanBank. Khi OceanBank tăng vốn điều lệ vào tháng 5/2011, PVN thực hiện quyền mua, duy trì tỷ lệ sở hữu 20% trái luật.

Trong các đợt góp vốn trước đó, các cơ quan tiến hành tố tụng xác định, các lãnh đạo cấp cao của PVN đã vi phạm các quy định quản lý vốn nhà nước, điều lệ, quy chế quản lý tài chính của PVN.

Lợi thế thành bất lợi

Trong giai đoạn 2006 - 2008, nhiều doanh nghiệp nhà nước thành lập các công ty con và đầu tư vào các lĩnh vực như bảo hiểm, ngân hàng, chứng khoán, quỹ đầu tư..., vốn là những ngành xa lạ với hoạt động kinh doanh lõi của doanh nghiệp. Hàng chục nghìn tỷ đồng đã được đầu tư ra ngoài ngành và 80% là rót vào các lĩnh vực nói trên. Do kiểm soát thiếu chặt chẽ, đầu tư dàn trải, phân tán nên nhìn chung, việc đầu tư vào các lĩnh vực tài chính - ngân hàng đã để lại nhiều hệ lụy, mà vụ án 800 tỷ đồng góp vốn vào OceanBank chỉ là một ví dụ.

“Khi đầu tư vào ngân hàng, các doanh nghiệp khác kể cả doanh nghiệp nhà nước và doanh nghiệp ngoài quốc doanh kỳ vọng có thể tận dụng tiềm lực của lĩnh vực ngân hàng để phát triển. Nhưng thực ra, ngành ngân hàng có tầng tầng lớp lớp các giới hạn. Thậm chí, chủ ngân hàng còn bị hạn chế trong các hoạt động kinh doanh hơn trước”, luật sư Trần Minh Hải, Giám đốc điều hành Công ty Luật BASICO nhận xét.

Khi tham gia góp vốn ngân hàng, nhiều trường hợp, chủ doanh nghiệp kỳ vọng có thể tận dụng ưu thế ngân hàng có thể chủ động nguồn vốn tài trợ cho nhóm công ty thuộc sở hữu của chủ doanh nghiệp. Nhưng thực tế, việc đầu tư vào ngân hàng có thể dẫn tới nhiều khó khăn cho các tập đoàn nhà nước và cả tập đoàn tư nhân.

Bằng cách này hay cách khác, các tập đoàn đã góp vốn ngân hàng vẫn có thể vượt qua các giới hạn để đạt được lợi ích mong muốn. Nhưng bên cạnh đó là những quả bom trách nhiệm ẩn náu phía sau các hành vi lách luật, phạm luật. Vụ án 800 tỷ đồng góp vốn vào OceanBank và vụ án Phạm Công Danh giai đoạn 2 là những ví dụ thực tế nhất.

Từ việc góp vốn vào OceanBank và cử người tham gia lãnh đạo, điều hành ngân hàng này, một số cá nhân nguyên là lãnh đạo đứng đầu của PVN đã thỏa thuận thành công mức lãi suất cao hơn quy định cho các khoản tiền gửi tại OceanBank. Khoản lợi ích này lên tới hành nghìn tỷ đồng. Hậu quả là không ít cán bộ cấp cao, cán bộ quản lý của PVN đã bị khởi tố, truy tố, điều tra, xét xử trong các vụ án liên quan.

Đã có 2 vụ án được đưa ra xét xử gồm vụ án gây thiệt hại hơn 2.000 tỷ đồng tại OceanBank và vụ án góp vốn 800 tỷ đồng, nhưng vẫn còn những doanh nghiệp thuộc PVN đã nhận chi lãi ngoài đang được cơ quan điều tra làm rõ.

Hay trường hợp ông Phạm Công Danh, trong vài năm gần đây, ông Danh liên tiếp xuất hiện tại nhiều phiên tòa như các phiên tòa trong 2 vụ án mà ông Danh là bị cáo chính (vụ án Phạm Công Danh giai đoạn 1 - thiệt hại 9.000 tỷ đồng và vụ án Phạm Công Danh giai đoạn 2 - thiệt hại 6.100 tỷ đồng), các phiên tòa xét xử Hà Văn Thắm.

Tại các phiên tòa, ông Danh nhắc nhiều đến “mơ ước” làm một ngân hàng cho ngành xây dựng với mục tiêu là nắm quyền chi phối, điều hành một ngân hàng thương mại, nhằm chủ động nguồn vốn đầu tư lên đến hàng chục nghìn tỷ đồng cho các dự án bất động sản của Tập đoàn Thiên Thanh, cũng như cung ứng vốn cho các doanh nghiệp ngành xây dựng.

Nhưng có lẽ, phải mất một thời gian, ông Danh mới cảm nhận hết những giới hạn của ngành ngân hàng. Tháng 2/2012, Ngân hàng Nhà nước có quyết định thành lập Tổ giám sát tổ chức và hoạt động của Ngân hàng Đại Tín (Trust Bank). Tháng 6/2012, ông Danh ký biên bản thỏa thuận nhận chuyển nhượng cổ phần ngân hàng ngày. Đến tháng 2/2013, Trust Bank tổ chức họp Đại hội đồng cổ đông, ông Danh ngồi vào vị trí Chủ tịch Hội đồng quản trị. Tháng 5/2013, Trust Bank đổi tên thành Ngân hàng Xây dựng (VNCB).

Dưới tình trạng bị kiểm soát đặc biệt, tại VNCB, các khoản chi từ 5 tỷ đồng trở lên phải được sự chấp thuận của Tổ giám sát. Không những thế, ông Danh là Chủ tịch Hội đồng quản trị nên các công ty có liên quan đến ông Danh không thể vay tiền tại VNCB. Chính vì vậy, ông Danh đã sử dụng tiền gửi của VNCB tại 3 ngân hàng khác để bảo lãnh cho các khoản vay của hàng chục pháp nhân do ông Danh thành lập hoặc đi mượn. Hậu quả, VNCB thiệt hại hơn 6.100 tỷ đồng và bản thân ông Danh - từng là doanh nhân thành đạt, sở hữu nhiều dự án bất động sản lớn, nay phải chấp hành án tù chung thân.

Nguyễn Duy
Đặc san Toàn cảnh Ngân hàng Việt Nam 2018

Tin liên quan

Tin cùng chuyên mục