
"Siết" điều kiện NĐT tham gia góp vốn
Theo Dự thảo, để thành lập CTQLQ, cần phải có tối thiểu 2 cổ đông sáng lập là tổ chức, trong đó, ít nhất một tổ chức làm việc trong lĩnh vực tài chính - ngân hàng (TC-NH) và tỷ lệ nắm giữ của cổ đông tổ chức phải tối thiểu 65% vốn điều lệ, trong đó ít nhất 30% vốn do tổ chức trong lĩnh vực TC-NH nắm giữ. Như vậy, việc tham gia góp vốn thành lập CTQLQ sẽ hạn chế hơn rất nhiều. Tuy nhiên, Dự thảo không quy định giới hạn tỷ lệ nắm giữ vốn của NĐT trong trường hợp mua lại CTQLQ. Do đó, khe cửa hẹp cho NĐT cá nhân tham gia loại hình DN này vẫn có, dù phải chịu… đi vòng.
Không chỉ NĐT cá nhân bị tăng điều kiện, NĐT tổ chức cũng phải đảm bảo yêu cầu gắt gao hơn khi tham gia góp vốn vào CTQLQ. Ví dụ, tổ chức phải có vốn lưu động tối thiểu bằng phần vốn góp dự kiến, hoạt động kinh doanh có lãi 2 năm liền, không có lỗ lũy kế tính đến khi nộp hồ sơ xin thành lập CTQLQ; thời gian hoạt động tối thiểu là 5 năm nếu là tổ chức kinh tế thông thường, 2 năm đối với tổ chức TC-NH. Trường hợp muốn thành lập công ty TNHH quản lý quỹ thì đơn vị muốn thành lập phải là tổ chức TC-NH. Như vậy, những CTCK nếu chưa kịp thành lập CTQLQ thì sẽ rất khó để thực hiện mục tiêu "CTCK không tự doanh".
Một quy định khác áp dụng cho mọi tổ chức khi làm cổ đông sáng lập CTQLQ là phải có báo cáo tài chính (BCTC) kiểm toán năm liền trước không có ngoại trừ. Quy định này cũng giống như quy định liên quan đến điều khoản không có ngoại trừ trong BCTC kiểm toán của các DN đại chúng muốn phát hành chứng khoán ra công chúng. Nhiều ý kiến cho rằng, quy định này là nhằm đảm bảo DN không "lách" được quy định liên quan đến các điều kiện về tài chính. Tuy nhiên, việc một DN có điểm ngoại trừ trong BCTC kiểm toán là khá phổ biến, nhất là những điểm ngoại trừ "không ảnh hưởng". Vì vậy, nếu Dự thảo được thông qua, liệu có cơ chế "giải trình cho qua" như với các DN muốn phát hành thêm cổ phiếu?
Giám sát chặt hoạt động
Dự thảo quy định, tại thời điểm lập BCTC năm, nếu tổng tài sản do CTQLQ quản lý vượt quá 5.000 tỷ đồng, thì công ty phải tăng vốn điều lệ trong vòng 6 tháng để đáp ứng điều kiện vốn điều lệ vượt mức vốn pháp định tối thiểu 0,2% phần chênh lệch giá trị tài sản vượt quá 5.000 tỷ đồng. Điều này có thể hiểu rằng, nếu DN càng làm ăn hiệu quả thì "sức ép" phải tăng vốn điều lệ càng lớn. Tất nhiên, mỗi 1.000 tỷ đồng vượt quá mức 5.000 tỷ đồng ở trên thì DN chỉ vượt mức vốn pháp định 2 tỷ đồng, nhưng điều này cũng có nghĩa là, nếu DN tăng vốn "rón rén" thì công cuộc chạy đua vốn điều lệ có thể xảy ra. Lý do của điều khoản này, đa số chuyên gia được người viết tìm hiểu đều không giải thích được!
Một điểm nữa liên quan đến giá trị tài sản quản lý của CTQLQ là: nếu tổng giá trị tài sản quản lý vượt quá 10.000 tỷ đồng, không bao gồm tài sản ủy thác của khách hàng là tổ chức có liên quan, thì CTQLQ phải có tối thiểu 3 thành viên HĐQT, hội đồng thành viên độc lập và số lượng thành viên độc lập không ít hơn 1/2 tổng số thành viên của HĐQT, hội đồng thành viên. Quy định này được đánh giá là nhằm đảm bảo tính khách quan của CTQLQ trong việc ra quyết định đầu tư, dù khá chặt chẽ so với hiện tại.
Không chỉ liên quan đến vấn đề tổ chức, Dự thảo cũng hướng dẫn chi tiết việc giải ngân vốn đầu tư của quỹ, quy định chế độ thưởng phạt. Theo đó, CTQLQ không được sử dụng tài sản ủy thác để đầu tư, không được nắm giữ trên 25% số chứng khoán đang lưu hành của một tổ chức phát hành, trên 25% số chứng khoán phát hành thêm trong một đợt chào bán của một tổ chức phát hành, ngoại trừ trái phiếu chính phủ hoặc được Chính phủ bảo lãnh. CTQLQ cũng không được nhận thưởng nếu hoạt động đầu tư các năm trước bị thua lỗ và chưa được bù đắp các khoản lỗ này. Thực tế, những quy định về đầu tư, phí và thưởng cho CTQLQ đều được quy định tại điều lệ quỹ. Những điều khoản này thể hiện cơ quan quản lý đang nhìn từ lợi ích của NĐT, nhưng thực chất lại đi quá sâu vào hoạt động của CTQLQ.