Vào ngày 12 tháng 10 năm 1847, Siemens bắt đầu hoạt động từ một phân xưởng nhỏ với mười nhân viên sản xuất máy điện tín tại khu sân sau của một tòa nhà trên đường Schoeneberger ở thành phố Berlin. Hiện tại, sau 175 năm, Siemens có hơn 300.000 nhân viên trên khắp thế giới và với khoảng 62 tỷ euro doanh thu hàng năm đã trở thành một trong những tập đoàn công nghệ lớn nhất thế giới.
Ngày 12 tháng 10 năm 2022, Siemens tổ chức sinh nhật lần thứ 175 của mình bằng một lễ kỷ niệm tại nhà máy Schaltwerk ở quận Siemens của thủ đô Berlin.
Thủ tướng Cộng hòa Liên bang Đức ông Olaf Scholz, cùng đông đảo khách mời là các nhà chính trị, doanh nhân và giới học thuật cùng tham dự lễ kỉ niệm trọng đại này.
Trong 175 năm qua, Siemens đã tạo nên bề dày lịch sử trong công nghiệp và công nghệ, góp phần thay đổi cuộc sống hàng ngày của mọi người trên khắp thế giới. Nhà sáng lập, ông Werner von Siemens đã tạo ra một trong những phát minh quan trọng nhất vào năm 1847 là chiếc máy điện tín. Phát minh của ông giúp sử dụng điện để truyền các tin và thông điệp nhanh hơn và đáng tin cậy hơn nhiều trên khoảng cách địa lý rất xa. Những tiến bộ như vậy đã đánh dấu sự khởi đầu của việc kết nối trên toàn cầu.
Đột phá hơn nữa của Werner von Siemens là phát minh ra máy phát điện vào năm 1866. Chiếc hộp chỉ bằng cỡ máy đánh chữ này là thiết bị đầu tiên có thể chuyển hóa cơ năng thành điện năng một cách kinh tế và khả năng này đã mở đường cho kỷ nguyên điện năng. Tuy nhiên, Siemens đã làm được nhiều điều hơn là đạt các thành tựu về công nghệ. Công ty cũng đi trước thời đại về các vấn đề an sinh xã hội. Ví dụ như công ty đã áp dụng quỹ lương hưu cho nhân viên của mình từ năm 1872. Ở Đức, phải đến khoảng 20 năm sau, các phúc lợi tương đương như vậy của chính phủ mới được đưa vào luật.
Ngày nay, Siemens tập trung vào các lĩnh vực công nghiệp, cơ sở hạ tầng, giao thông vận tải và y tế đồng thời là công ty công nghệ hàng đầu trong lĩnh vực số hóa. Kể từ năm 2008, Siemens đã đầu tư 10 tỷ Euro vào các công ty phần mềm. Trong năm tài chính 2021, Siemens đã chi khoảng 5 tỷ Euro cho nghiên cứu và phát triển.
Các nhà nghiên cứu của Siemens đã đăng ký bằng sáng chế cho khoảng 4.500 phát minh. Như vậy là mỗi ngày làm việc sẽ có khoảng 20 phát minh ra đời. Để định hình công cuộc chuyển đổi số, Siemens kết hợp phần cứng và phần mềm lại với nhau, kết hợp thế giới thực và thế giới số trong công nghệ vận hành và công nghệ thông tin. Những khả năng này cho phép khách hàng và đối tác gia tăng năng suất, khả năng cạnh tranh và thúc đẩy nhanh đổi mới sáng tạo.