Ông có thể tóm tắt kết quả sản xuất - kinh doanh, tình hình tín dụng và đầu tư của SHP trong năm 2013?
Năm 2013, các nhà máy đã sản xuất 261,76 triệu Kwh, bằng 116,8% kế hoạch; tổng doanh thu đạt 201,61 tỷ đồng; lợi nhuận sau thuế đạt 104,21 tỷ đồng, bằng 201,03% kế hoạch. Lợi nhuận vượt cao so với kế hoạch là do sản lượng điện của 2 nhà máy Đa Siat và Đa Dâng 2 vượt kế hoạch vì điều kiện thủy văn thuận lợi và công tác quản lý vận hành được thực hiện tốt, giảm yếu tố ngừng máy, không để mất nước qua hồ chứa.
Về tình hình tín dụng, Công ty đã trả 60 tỷ đồng nợ gốc và 12 tỷ đồng lãi vay. Đối với Dự án Đa Siat, dư nợ vay đến cuối năm 2013 còn 17,2 tỷ đồng, thời hạn trả hết nợ là tháng 11/2014. Đối với Dự án Đa Dâng 2, dư nợ vay đến cuối năm 2013 còn 85 tỷ đồng, đến tháng 12/2015 Công ty sẽ trả hết nợ. Còn Dự án Thủy điện Đa M’Bri được Ngân hàng Phát triển Việt Nam cho vay với hạn mức 1.250 tỷ đồng và Vietcombank cho vay 260,11 tỷ đồng. Ngày 31/12/2013, Nhà máy Thủy điện Đa M’Bri hòa lưới phát điện tổ máy đầu tiên, đến nay cả hai tổ máy đã đi vào sản xuất.
Kế hoạch kinh doanh của SHP trong năm nay như thế nào?
Từ năm 2014, mỗi năm SHP sản xuất và đưa lên lưới điện quốc gia 550 triệu Kwh, tổng công suất 122,5 MW. Năm 2014, SHP đặt kế hoạch doanh thu 497,9 tỷ đồng, lợi nhuận sau thuế 78,4 tỷ đồng và chia cổ tức 8%. 6 tháng đầu năm, Công ty đạt 60 tỷ đồng lợi nhuận sau thuế, bằng 76,5% kế hoạch năm. Qua đánh giá kết quả 6 tháng, chúng tôi dự báo lợi nhuận sau thuế cả năm có thể đạt 120 - 130 tỷ đồng và lợi nhuận các năm sau sẽ tăng từ 10 - 15%/năm.
Để tăng hiệu quả đầu tư, SHP đang tái cơ cấu tài chính. Đối với tín dụng Dự án Đa M’Bri SHP, trong năm nay, Công ty sẽ thu xếp nguồn tín dụng với hạn mức 630 tỷ đồng có lãi suất tốt, thời gian trả nợ gốc dài để trả trước khoản vay Ngân hàng Phát triển Việt Nam giai đoạn giải ngân 2010 - 2011 có lãi suất cao, thời gian trả nợ ngắn. Từ năm 2015, Công ty sẽ có nguồn để tiếp tục đầu tư phát triển.
Đâu là thuận lợi, khó khăn của SHP khi đưa tất cả các nhà máy vào vận hành?
Ba nhà máy thủy điện của SHP nằm trên địa bàn tỉnh Lâm Đồng, một trong những vùng có lượng mưa bình quân cao nhất cả nước, mùa mưa thường bắt đầu sớm và kéo dài, đây là yếu tố thuận lợi cơ bản để SHP có sản lượng điện phát cao.
Hai trong ba nhà máy của SHP tham gia thị trường phát điện cạnh tranh, công suất tương đối nhỏ so với các nhà máy tham gia thị trường là yếu tố ít thuận lợi. Tuy nhiên, khu vực phía Nam có nhu cầu điện tăng cao, được dự báo còn thiếu điện trong dài hạn, tỷ lệ nguồn thủy điện trong hệ thống ngày một giảm là yếu tố thuận lợi lâu dài của SHP.
Ngành thủy điện có những rủi ro khách quan như bão lũ. SHP có giải pháp gì để ứng phó với rủi ro?
Thực tế, đã có nhà máy thủy điện phải ngừng hoạt động vì ảnh hưởng đến môi trường, trong vận hành có thể dừng sản xuất vì lũ lụt. Đối với SHP, các nhà máy thủy điện đều có hồ chứa chiếm diện tích nhỏ, không ảnh hưởng đến môi trường. Cả ba nhà máy của SHP đều được Ủy ban Biến đổi khí hậu Liên hợp quốc cấp chứng nhận đã đăng ký thành công và được hưởng cơ chế giảm khí thải CDM (Carbon Development Machanism). Để được chứng nhận là dự án CDM, dự án phải có được sự công nhận là sẽ đóng góp vào sự phát triển bền vững. Các nhà máy cũng đã lập phương án phòng chống lụt bão, chứng nhận an toàn đập, phòng chống lũ hạ du và được các cơ quan có thẩm quyền phê duyệt.
Niêm yết trên HOSE giúp tăng cơ hội huy động vốn. Trong thời gian tới, SHP có chủ trương phát hành cổ phiếu tăng vốn?
SHP được thành lập với mục tiêu đầu tư các nhà máy thủy điện vừa và nhỏ trên địa bàn, mục tiêu đầu tư 3 nhà máy đã hoàn thành và phát huy hiệu quả, giai đoạn khởi nghiệp thành công. Là nhà đầu tư chuyên nghiệp về năng lượng tái tạo, SHP tiếp tục tìm kiếm để đầu tư các dự án thủy điện vừa và nhỏ, nghiên cứu dự án năng lượng gió… Vì thế, chúng tôi nhận định, HOSE là thị trường tốt để SHP huy động vốn tiếp tục đầu tư.
Vậy đâu là cơ hội cho nhà đầu tư?
Sau khi Công ty đưa nhà máy thứ ba vào vận hành, doanh thu tăng hơn gấp đôi, lợi nhuận sẽ tăng lên từng năm. Giá cổ phiếu SHP đã tăng đáng kể, đầu năm 2013 ở mức 6.900 đồng/CP, đến cuối năm tăng lên 10.000 đồng/CP. Trong phiên giao dịch đầu tiên trên HOSE ngày 21/7/2014, giá cổ phiếu SHP tăng trần lên 14.400 đồng/CP. Ngoài ra, chuyển sàn sẽ tăng khả năng thanh khoản, minh bạch hóa thông tin cho nhà đầu tư…
SHP chủ động theo đuổi mục tiêu kinh doanh, lợi nhuận, nhưng vẫn thực hiện tốt trách nhiệm với xã hội, môi trường và cam kết trách nhiệm với cổ đông như slogan của Công ty: “Năng lượng của trách nhiệm". Vì thế, đầu tư vào cổ phiếu SHP là cơ hội tốt và an toàn cho nhà đầu tư.