SHB và ADB tiếp sức doanh nghiệp do phụ nữ làm chủ

0:00 / 0:00
0:00
(ĐTCK) Ngân hàng TMCP Sài Gòn - Hà Nội (SHB) vừa ra mắt chương trình tài trợ ưu đãi doanh nghiệp SME do phụ nữ làm chủ từ nguồn tài trợ của Ngân hàng Phát triển Châu Á (ADB).
SHB và ADB tiếp sức doanh nghiệp do phụ nữ làm chủ

Theo đó, SHB và ADB thiết kế chương trình tiếp sức doanh nghiệp do phụ nữ làm chủ với mục đích hỗ trợ các doanh nghiệp này phục hồi và ổn định sản xuất kinh doanh trước dịch bệnh Covid-19, giúp các doanh nghiệp phát huy tối đa tiềm năng của mình trong việc đóng góp cho phát triển kinh tế - xã hội của đất nước. Thời gian thực hiện dự án dự kiến từ nay đến hết năm 2022.

Trong chương trình, SHB hỗ trợ xem xét cơ cấu thời hạn trả nợ với những doanh nghiệp nữ chủ đang gặp khó khăn bởi dịch bệnh. Nếu phát sinh cơ cấu nợ kể từ ngày 07/01/2021 thì sẽ được hỗ trợ 6 tháng tiền lãi, đồng thời được miễn toàn bộ các loại phí liên quan đến cơ cấu nợ. Giá trị khoản hỗ trợ này lên đến 230 triệu đồng (tương ứng là 10.000 USD).

Ngoài ra, để tạo đòn bẩy kinh doanh cho các doanh nghiệp nữ chủ vay vốn mới, ADB đứng ra thay mặt khách hàng trả phí cam kết rút vốn lên đến 8% giá trị khoản vay, đồng thời SHB cũng có chính sách ưu đãi lãi suất chỉ từ 3,85% để tạo điều kiện cho khách hàng tiếp cận vốn tín dụng giá thấp.

Không những tiếp sức về tài chính, SHB sẽ phối hợp với ADB tổ chức các lớp đào tạo, các chương trình tư vấn với sự tham gia của các chuyên gia hàng đầu để nâng cao kỹ năng quản trị cho doanh nghiệp, từ đó nâng cao năng lực cạnh tranh và phát triển bền vững.

Bà Ngô Thu Hà, Phó tổng giám đốc SHB cho biết: “Doanh nghiệp nữ chủ đang ngày càng đóng góp tích cực cho sự phát triển kinh tế. Chúng tôi tin rằng, nếu có những chính sách và giải pháp hỗ trợ, đặc biệt trong giai đoạn Covid-19; nhóm doanh nghiệp này sẽ còn phát huy được nhiều hơn nữa khả năng, thế mạnh của mình”.

Doanh nghiệp do phụ nữ làm chủ được xác định là doanh nghiệp do phụ nữ sở hữu ít nhất 51% hoặc đồng thời thỏa mãn các tiêu chí sau: phụ nữ sở hữu ít nhất 21%, giữ vai trò điều hành cao nhất hoặc cao thứ hai và ít nhất 30% thành viện hội đồng quản trị là nữ (nếu doanh nghiệp có HĐQT).

Theo báo cáo Chỉ số Nữ doanh nhân Mastercard 2020 vừa được công bố cho thấy, số doanh nghiệp vừa và nhỏ do phụ nữ làm chủ (doanh nghiệp nữ chủ) tại Việt Nam ở mức 26,5%. Xếp thứ 9 trên 58 nền kinh tế được nghiên cứu về số lượng phụ nữ trong vai trò lãnh đạo, tuy nhiên xếp thứ 44 về chỉ số đánh giá điều kiện hỗ trợ doanh nghiệp, cho thấy còn cần nhiều hoạt động để hỗ trợ nữ doanh nhân.

Một trong những khó khăn lớn nhất của doanh nghiệp nữ chủ là khả năng tiếp cận nguồn vốn tài chính bị hạn chế, chỉ nhận được 5% tổng khoản vay dành cho doanh nghiệp. Vì vậy, việc tiếp cận vốn là nhu cầu cấp thiết nhất của các doanh nghiệp nữ chủ.

Nhuệ Mẫn

Tin liên quan

Tin cùng chuyên mục