Nhiều ngân hàng “chật vật” tăng vốn
Theo quy định, từ ngày 1/1/2020, các ngân hàng sẽ phải áp dụng theo chuẩn của Thông tư 41/2016-TT/NHNN quy định về tỷ lệ an toàn vốn đối với ngân hàng, chi nhánh ngân hàng nước ngoài.
Một trong những điểm quan trọng nhất của Thông tư 41 là đảm bảo tỷ lệ CAR ít nhất là 8%. Đây được coi là bước tiến quan trọng trong việc triển khai mô hình Basel II trong quản trị rủi ro cho toàn bộ hệ thống ngân hàng.
Thực tế, các ngân hàng trên thế giới đã áp dụng chuẩn mực Basel II từ 14 năm trước nhưng đến thời điểm hiện nay hệ thống ngân hàng Việt Nam có chưa đến 20 ngân hàng tuyên bố hoàn tất triển khai chuẩn mực Basel II và còn khoảng 20 ngân hàng đang “lỗi hẹn”.
Thực tế cho thấy, việc triển khai Basel II tại Việt Nam còn vướng nhiều khó khăn, thách thức.
Ví dụ, công tác phân tích, đánh giá rủi ro khách hàng của các NHTM Việt Nam còn nhiều bất cập, bộ máy giám sát tài chính ngân hàng chưa được xây dựng đồng bộ.
Mặc dù đã có các ban chuyên về chức năng quản trị rủi ro nhưng chỉ dừng lại ở quản trị rủi ro tín dụng, rủi ro thanh khoản. Nhiều ngân hàng chưa ứng dụng phương pháp chuẩn và phương pháp đánh giá nội bộ của Basel II trong đánh giá rủi ro tín dụng.
Các nghiệp vụ và công nghệ giám sát toàn bộ thị trường tài chính, cảnh báo sớm và ngăn ngừa rủi ro theo Basel II còn yếu. Bên cạnh đó, vấn đề nhân lực cũng là một thách thức trong việc áp dụng Basel II tại các ngân hàng Việt Nam.
Basel II đòi hỏi nhu cầu nhân lực cho một kế hoạch kéo dài qua nhiều năm, ngân hàng sẽ phải đối mặt với vấn đề số lượng, chất lượng tuyển dụng, đào tạo nhân lực nhằm đáp ứng với yêu cầu đặt ra.
Hiện nay, các ngân hàng đang chấp hành các quy định về công bố thông tin, chế độ báo cáo thống kê của NHNN theo Thông tư 35/2015/TT-NHNN quy định chế độ báo cáo thống kê áp dụng đối với các TCTD, chi nhánh ngân hàng nước ngoài; Thông tư 11/2018/TT-NHNN sửa đổi, bổ sung một số điều của Thông tư 35/2015/TT-NHNN có hiệu lực từ ngày 1/10/2018 và các công văn yêu cầu riêng biệt khác của NHNN (Cơ quan Thanh tra giám sát ngân hàng).
Do đó, vẫn còn khoảng cách lớn đối với yêu cầu của Basel II đối với trụ cột III bao gồm công bố thông tin định tính, định lượng về mức đủ vốn, công bố mức độ rủi ro và kỹ thuật đo lường rủi ro…
Hơn nữa, theo Basel II thì không ít NHTM vẫn gặp khó khăn với vấn đề đảm bảo CAR. Thực tế cho thấy, CAR của riêng 10 ngân hàng được NHNN lựa chọn thực hiện thí điểm Basel II luôn có mức cao hơn 9% từ năm 2014 đến nay.
Dù giữ mức đủ vốn an toàn theo đúng quy định nhưng tỷ lệ CAR của 10 ngân hàng đang có xu hướng giảm dần.
Để tăng vốn tự có, các ngân hàng Việt Nam đã cố gắng tăng cả vốn cấp 1 và vốn cấp 2. Tuy nhiên, các ngân hàng đang gặp khó khăn trong việc tăng vốn cấp 1, vì ngành ngân hàng không còn dễ thu hút vốn đầu tư như trước.
Đa số các ngân hàng hiện nay đang phụ thuộc nhiều vào biện pháp ngắn hạn là tăng vốn cấp 2 thông qua phát hành trái phiếu. Như vậy, thiếu vốn đang là vấn đề mà tất cả các ngân hàng khi triển khai Basel II phải đối mặt.
Trong bối cảnh nhiều ngân hàng đang “chật vật” tìm giải pháp cho “tấm đệm” thì có những ngân hàng đã đi xa hơn.
SHB và câu chuyện tăng vốn thành công
Được sự phê duyệt của NHNN và Ủy ban Chứng khoán Nhà nước, SHB vừa phát hành thành công hơn 500 triệu cổ phiếu để tăng vốn điều lệ lên 17.558 tỷ đồng.
Trong đó, từ ngày 17/2/2020 đến ngày 27/4/2020, SHB chào bán thành công gần 300,8 triệu cổ phiếu và trong quý I/2020 phát hành hơn 251 triệu cổ phiếu để chi trả cổ tức với tỷ lệ 20,9% của hai năm 2017 và 2018.
Được biết, việc tăng vốn điều lệ nằm trong kế hoạch phát triển của SHB và đã được thông qua tại Đại hội đồng cổ đông thường niên năm 2019.
Cổ tức SHB chưa chia năm 2019 được thông qua tại Đại hội đồng cổ đông với tỷ lệ 11% sẽ được chia muộn nhất vào quý III/2020 theo đúng các quy định của NHNN.
Hiện tại, việc tăng vốn điều lệ có ý nghĩa vô cùng quan trọng đối với SHB; qua đó sẽ giúp Ngân hàng tăng cường năng lực tài chính, năng lực quản trị, nâng cao khả năng cạnh tranh trong quá trình hội nhập kinh tế quốc tế, tạo điều kiện thuận lợi trong việc mở rộng mạng lưới hoạt động, đầu tư cơ sở vật chất, công nghệ, đa dạng hóa các sản phẩm dịch vụ nhằm đáp ứng tốt hơn nữa nhu cầu của khách hàng trong và ngoài nước.
Đồng thời, việc tăng vốn là cơ sở để SHB hoàn tất đầy đủ toàn bộ các trụ cột của Basel II.
Bên cạnh đã hoàn thành trụ cột thứ nhất của Basel II đáp ứng đầy đủ quy định tại Thông tư 41 của NHNN, với việc tăng vốn điều lệ hơn 5.000 tỷ đồng, SHB đã cơ bản hoàn tất trụ cột 2 và tiến tới hoàn tất đầy đủ toàn bộ ba trụ cột của Basel II.
Hiện tại, chỉ có rất ít ngân hàng công bố đã hoàn tất đầy đủ 3 trụ cột của Basel II. Trong năm 2020, trên cơ sở hoàn tất các cấu phần cuối cùng của khung ICAAP, SHB sẽ chính thức hoàn tất đầy đủ 3 trụ cột của Basel II, tiếp tục góp phần khẳng định nỗ lực và hành động cụ thể của Ngân hàng nhằm nâng cao năng lực tài chính, tăng khả năng cạnh tranh trên thị trường, đồng thời đảm bảo tuân thủ quy định của cơ quan quản lý và tiến tới đáp ứng các thông lệ quốc tế tiên tiến về quản trị rủi ro.
“Để đạt được các yêu cầu của Basel II, SHB đã và đang nỗ lực rất lớn dưới sự đánh giá nghiêm ngặt của NHNN về mức độ phù hợp với Thông tư 13.
Đặc biệt, NHNN đánh giá cao về cơ cấu quản trị, hệ thống chính sách quản trị rủi ro, công nghệ thông tin mà SHB đã đáp ứng được”, một lãnh đạo cao cấp SHB cho biết.
Với việc tuân thủ đầy đủ 3 trụ cột của Basel II, SHB sẽ tiếp tục phát triển và sử dụng phương pháp nâng cao trong việc tính vốn, đảm bảo tiệm cận với các tiêu chuẩn quốc tế, nâng cao tính minh bạch của ngân hàng, dần hướng tới áp dụng Basel III trong tầm nhìn dài hạn về quản trị rủi ro của ngân hàng, là một nền tảng quan trọng để hoạt động kinh doanh của SHB an toàn hơn và hiệu quả hơn…
Đây cũng chính là cơ sở giúp SHB khẳng định và nâng cao uy tín với cộng đồng đầu tư trong nước và nước ngoài cũng như các tổ chức đánh giá tín nhiệm.
Theo các chuyên gia kinh tế, việc thực hiện Basel II là bước đi chiến lược đối với ngân hàng, giúp hệ thống ngân hàng khỏe mạnh và ổn định; đòi hỏi ngân hàng cần đầu tư nguồn lực về chất lượng dữ liệu, nguồn nhân lực, song sẽ đạt được rất nhiều lợi ích.
Những ngân hàng thực hiện Basel II đồng nghĩa với việc uy tín của ngân hàng tăng lên, xếp hạng tín nhiệm toàn cầu tốt hơn, có cơ hội tiếp cận nguồn vốn dồi dào hơn và chi phí rẻ hơn.
Trên hành trình xây dựng hệ thống ngân hàng hoạt động ngày càng lành mạnh và bền vững hơn, việc các ngân hàng đáp ứng được đầy đủ các quy định đưa ra trong Thông tư 41 và Thông tư 13 của NHNN là vô cùng quan trọng.
Nếu đáp ứng và triển khai tốt được các quy định trong hai thông tư trên cũng có nghĩa là các ngân hàng sẽ hoàn thành việc triển khai 3 trụ cột của Basel II.
Ngoài ra, việc tăng vốn thành công có ý nghĩa trọng yếu đối với sự phát triển an toàn và bền vững của SHB trong bối cảnh hiện nay.
Được biết, vừa qua, SHB đã lên kế hoạch thoái vốn tại Công ty Tài chính tiêu dùng SHBFC cho đối tác chiến lược nước ngoài. Việc thoái vốn cũng sẽ đảm bảo đem lại nguồn thặng dư vốn đáng kể cho SHB nâng cao năng lực tài chính.
Theo đó, mức đệm vốn được tăng cường là nền tảng vững chắc để Ngân hàng tiếp tục mở rộng quy mô kinh doanh trên cơ sở duy trì các tỷ lệ an toàn, đặc biệt là tỷ lệ an toàn vốn theo quy định tại Thông tư 41, đồng thời hỗ trợ các khách hàng gặp khó khăn do ảnh hưởng của dịch bệnh Covid-19.
Để ứng phó với dịch Covid-19, Ngân hàng đã tiến hành kiểm tra sức chịu đựng và lập kế hoạch vốn nhằm đảm bảo duy trì tỷ lệ an toàn vốn trong bối cảnh dịch bệnh tác động đến toàn bộ nền kinh tế như hiện nay.