Sếp thêm tội, Cascon thêm nặng gánh

(ĐTCK) Hậu Vinashin, Cascon không chỉ đối mặt với thực trạng khó khăn chung của ngành vận tải biển, mà còn nặng gánh với những khoản nợ từ thời kỳ trước.
Sếp thêm tội, Cascon thêm nặng gánh

Công ty cổ phần Container Quốc tế tiền thân là Công ty liên doanh Container Vinashin – TGC (viết tắt là VTC) thành lập năm 2005. Trong đó, Tập đoàn Công nghiêp tàu thủy Việt Nam (Vinashin) nắm giữ 55% vốn và Công ty Toong Goen Đài Loan sở hữu 45% vốn.

Năm 2010, VTC đổi tên thành Công ty cổ phần Container Quốc tế CAS (Cascon), trong đó Vinashin giảm tỷ lệ sở hữu xuống còn 25%. Đến năm 2012, cơ cấu cổ đông lớn của Cascon có sự thay đổi: Vinashin tiếp tục giảm sở hữu về 8,89% vốn; Công ty Amphibian Aircraft International Inc (Mỹ) nắm 26,66% vốn; Công ty International Global Investment Company Limited (Anh) nắm giữ 64,45% vốn.

Bị can Nguyễn Hồng Anh (sinh năm 1974, tức Lisa Nguyễn, trú tại Hà Nội) giữ chức Chủ tịch Hội đồng quản trị kiêm Tổng giám đốc Cascon. Công ty chuyên sản xuất, kinh doanh các loại container; sản xuất, gia công, lắp ráp cơ khí linh kiện phục vụ sản xuất container, kho bãi và lưu giữ hàng hóa.

Trong năm 2010, Công ty United Arab Shipping Company (UASC) thuộc Các tiểu Vương quốc Ả Rập thống nhất gửi văn bản mua 10.000 container do Cascon sản xuất. Nguyễn Hồng Anh đã chỉ đạo Nguyễn Thị Ngà (sinh năm 1982, tức Jennifer Nguyễn - Trưởng phòng kinh doanh) soạn thảo văn bản gửi đối tác đồng ý sản xuất và bán 10.000 container với giá  4.038 USD/container.

Ngày 11/6/2010, tại Đài Loan, Cascon và UASC ký biên bản ghi nhớ nội dung, thống nhất chia lô hàng thành 2 hợp đồng. Hợp đồng thứ nhất là 1.000 container, Cascon bán trực tiếp cho UASC, còn hợp đồng thứ hai là 9.000 container, Cascon bán gián tiếp qua Công ty TNHH Container VTC (Hồng Kông), thời hạn thanh toán là 30 ngày kể từ ngày nghiệm thu từng đợt hàng tại kho của Cascon ở Hải Dương.

Đơn hàng 1.000 container đã được UASC thanh toán đầy đủ. Tuy nhiên, đơn hàng 9.000 container xảy ra tranh chấp, khiếu nại từ năm 2011 đến nay. Đơn hàng này được chia thành 2 hợp đồng và các phụ lục hợp đồng. Cơ quan điều tra xác định, Nguyễn Hồng Anh và Nguyễn Thị Ngà đã lấy danh nghĩa đại diện Công ty Sunny Investment (SNI) ký kết hợp đồng trên để vay tiền ngân hàng, chiếm đoạt tiền.

Để thực hiện hành vi, Nguyễn Hồng Anh lập biên bản ghi nhớ giả ngày 11/6/2010 với nội dung UASC mua 9.000 container thông qua SNI, thời hạn thanh toán là 60 ngày. Kèm theo đó là hợp đồng giả giữa SNI và Cascon cùng phương án kinh doanh, Nguyễn Hồng Anh đã nộp hồ sơ vay ngân hàng số tiền 31,3 triệu USD.

Thực hiện hợp đồng, Cascon sản xuất và chuyển giao đủ số lượng 9.000 container cho UASC. Đến ngày 3/1/2012, UASC đã thanh toán đủ số tiền 39,1 triệu USD tiền hàng. Tuy nhiên, Nguyễn Hồng Anh chỉ chuyển trả ngân hàng số tiền 11,3 triệu USD.

Đến hạn trả nợ ngân hàng, để lấp liếm khoản nợ, Nguyễn Hồng Anh chỉ đạo Nguyễn Thị Ngà làm giả thư xác nhận “SNI xin chậm thanh toán 21,1 triệu USD tiền hàng”. Nguyễn Hồng Anh đã sử dụng email này thế chấp quyền đòi nợ SNI cho ngân hàng.

Thực chất, SNI là công ty “sân sau” do Nguyễn Hồng Anh và Hsu Wen-ta (người Đài Loan) thành lập năm 2010 tại quần đảo Virgin thuộc Liên hiệp Vương quốc Anh. Từ khi có giấy phép,  công ty này không có bất cứ hoạt động kinh doanh nào. Năm 2011, SNI được chuyển nhượng cho người khác.

Trừ tiền ký quỹ, đến nay, Nguyễn Hồng Anh còn phải trả ngân hàng số tiền 16,7 triệu USD (tương đương 353,1 tỷ đồng). Mới đây, Viện kiểm sát nhân dân tối cao truy tố Nguyễn Hồng Anh, Nguyễn Thị Ngà về tội Lừa đảo chiếm đoạt tài sản.

Theo Điều 597 Bộ luật Dân sự 2015, pháp nhân phải bồi thường thiệt hại do người của mình gây ra trong khi thực hiện nhiệm vụ được pháp nhân giao; nếu pháp nhân đã bồi thường thiệt hại thì có quyền yêu cầu người có lỗi trong việc gây thiệt hại phải hoàn trả một khoản tiền theo quy định của pháp luật

Thực tế, ngoài vụ án trên, giai đoạn 2015-2017, Cascon nhiều lần phải “đáo tụng đình” với vai trò bị đơn dân sự liên quan đến khoản nợ 32,2 tỷ đồng với Công ty Tài chính Công nghiệp tàu thủy (VFC), còn nguyên Tổng giám đốc Cascon phải hầu tòa tội Cố ý làm trái quy định về quản lý kinh tế gây hậu quả nghiêm trọng.

Lãnh đạo Cascon đương nhiệm cho biết, khi tiếp nhận Công ty, nhà máy trong tình trạng đóng cửa, không có công nhân, điện, nước. Tài sản là 200 container bị mục nát, chỉ có thể bán sắt vụn hoặc phải sửa chữa mới có khả năng bán được.

Như vậy, hiện nay, không chỉ đối mặt với thực trạng khó khăn chung của ngành vận tải biển, Cascon còn thêm nặng gánh với những khoản nợ từ thời kỳ trước để lại, chưa biết bao giờ mới có thể xử lý dứt điểm.

Vào trung tuần tháng 6/2016, TAND Cấp cao tại Hà Nội đã mở phiên tòa phúc thẩm vụ án Cố ý làm trái quy định của Nhà nước về quản lý kinh tế gây hậu quả nghiêm trọng xảy ra tại Cascon. Sau 1 ngày xét xử, Hội đồng xét xử cấp phúc thẩm quyết định hủy bản án sơ thẩm để làm rõ một số vấn đề liên quan. Tuy nhiên, đến nay vẫn chưa có thời gian cụ thể cho phiên xử tiếp theo. Báo Đầu tư Chứng khoán sẽ thông tin đến bạn đọc khi có diễn biến mới.    

Đỗ Mến

Tin liên quan

Tin cùng chuyên mục