Năm 2024, Bộ Tài chính có kế hoạch thanh tra đối với 6 doanh nghiệp bảo hiểm, trong đó sẽ tiến hành thanh tra việc triển khai bán bảo hiểm qua tổ chức tín dụng, chi nhánh ngân hàng nước ngoài đối với 2 doanh nghiệp bảo hiểm nhân thọ.
Thông tin trên được Bộ trưởng Bộ Tài chính Hồ Đức Phớc nêu tại báo cáo một số nội dung liên quan đến nhóm vấn đề chất vấn tại Phiên họp thứ 31 của Ủy ban Thường vụ Quốc hội.
Như Báo Đầu tư đã thông tin hoạt động chất vấn sẽ diễn ra vào ngày 18/3 tới.
Phải ghi âm lại quá trình tư vấn
Công tác quản lý, giám sát hoạt động kinh doanh bảo hiểm và các hoạt động dịch vụ thuộc lĩnh vực kinh doanh bảo hiểm nhân thọ là một trong các nhóm vấn đề Bộ trưởng Bộ Tài chính sẽ trả lời.
Báo cáo nội dung này, Bộ trưởng cho biết, tính đến cuối năm 2023, các doanh nghiệp bảo hiểm đã đầu tư trở lại nền kinh tế với tổng số tiền ước đạt 762.580 tỷ đồng và chi trả quyền lợi bảo hiểm ước đạt 86.376 tỷ đồng. Tổng tài sản của các doanh nghiệp bảo hiểm ước đạt 913.308 tỷ đồng, tăng 11,12% so với năm 2022.
Mặc dù còn rất non trẻ nếu so với lịch sử hàng trăm năm của thị trường bảo hiểm thế giới, song thị trường bảo hiểm Việt Nam đã trải qua hơn 1/4 thế kỷ với sự tăng trưởng cao và tương đối ổn định. Mức tăng trưởng của thị trường này bình quân 20%/năm, cơ bản hoàn thành các mục tiêu đề ra tại Chiến lược Phát triển thị trường bảo hiểm giai đoạn 2011 – 2020, Bộ trưởng đánh giá.
Tuy nhiên, theo người đứng đầu ngành tài chính, do phát triển nhanh, trong thời gian vừa qua, thị trường bảo hiểm, đặc biệt là bảo hiểm nhân thọ đã phát sinh một số vấn đề về chất lượng hoạt động tư vấn, cũng như dịch vụ chăm sóc và giải quyết quyền lợi bảo hiểm cho khách hàng.
Cùng với đó, nếu như trước đây, thị trường chỉ có kênh đại lý truyền thống, thì thời gian qua đã hình thành thêm nhiều kênh phân phối khác là các đại lý tổ chức mà điển hình là kênh phân phối qua ngân hàng (Bancassurance).
“Bancassurance giúp hoạt động khai thác bảo hiểm trở nên đa dạng, nhưng cũng tạo ra sự phức tạp hơn và cần chúng ta phải nhìn nhận lại và chấn chỉnh để hoạt động đúng hướng, lành mạnh”, Bộ trưởng nhìn nhận.
Ông Phớc cho hay, qua phản ánh của báo chí, dư luận, cũng như công tác quản lý, giám sát, dưới sự chỉ đạo quyết liệt của Chính phủ, thời gian qua, Bộ Tài chính đã tăng cường nhiều giải pháp để chấn chỉnh những mặt trái, sai lệch trong triển khai hoạt động khai thác các sản phẩm bảo hiểm trên thị trường bảo hiểm nhân thọ nói chung và kênh bancassurance nói riêng.
Cụ thể, Bộ Tài chính đã nghiên cứu để trình cấp có thẩm quyền ban hành và ban hành bổ sung nhiều quy định pháp luật nhằm kịp thời điểu chỉnh những vấn đề phát sinh của thị trường, tăng cường tính minh bạch thông tin và bảo vệ tốt hơn người tham gia bảo hiểm.
Như, chuẩn hóa một số quy định về hợp đồng bảo hiểm nhằm đảm bảo quyền lợi của người tham gia bảo hiểm;
Bổ sung các quy định nhằm tăng cường trách nhiệm của doanh nghiệp bảo hiểm trong quá trình tư vấn, giao kết hợp đồng bảo hiểm, đảm bảo tính minh bạch, người dân được tư vấn đúng, đủ thông tin, rõ ràng về sản phẩm bảo hiểm, để lựa chọn được sản phẩm bảo hiểm trên cơ sở tự nguyện và phù hợp với nhu cầu;
Bổ sung các quy định nhằm ngăn chặn tình trạng “ ép” mua bảo hiểm qua ngân hàng hoặc tư vấn không đúng về sản phẩm bảo hiểm liên kết đầu tư như:
Các tổ chức tín dụng hoạt động đại lý phải giải thích rõ cho khách hàng về sản phẩm bảo hiểm không phải là sản phẩm của tổ chức tín dụng. Việc tham gia bảo hiểm không phải là điều kiện bắt buộc để sử dụng các sản phẩm, dịch vụ khác của tổ chức tín dụng hoạt động đại lý.
Các tổ chức tín dụng thực hiện hoạt động đại lý bảo hiểm không được tư vấn, giới thiệu, chào bán, thu xếp việc giao kết hợp đồng bảo hiểm liên kết đầu tư cho các khách hàng trong thời hạn 60 ngày trước và 60 ngày sau ngày giải ngân toàn bộ khoản vay, nhằm tránh tình trạng các nhân viên ngân hàng sử dụng quyền xem xét, cấp duyệt khoản vay để gây sức ép buộc người vay mua bảo hiểm.
Đối với các sản phẩm bảo hiểm liên kết đầu tư, đại lý bảo hiểm hoặc nhân viên trong tổ chức hoạt động đại lý bảo hiểm phải ghi âm lại quá trình tư vấn, trong đó có xác nhận của khách hàng về việc tham gia bảo hiểm trên cơ sở tự nguyện và phù hợp với nhu cầu tài chính. Doanh nghiệp bảo hiểm không được phát hành hợp đồng trong trường hợp nội dung ghi âm không có xác nhận của bên mua bảo hiểm về việc tham gia bảo hiểm trên cơ sở tự nguyện.
Chuyển thông tin cho Ngân hàng Nhà nước để phối hợp xử lý
Về công tác quản lý, giám sát, theo báo cáo, Bộ Tài chính đã có nhiều công văn yêu cầu các doanh nghiệp bảo hiểm chấn chỉnh hoạt động bán bảo hiểm qua ngân hàng, tăng cường kiểm tra, giám sát việc thực hiện hợp đồng đại lý bảo hiểm đối với các ngân hàng, nghiêm túc tuân thủ quy định tại Luật Kinh doanh bảo hiểm về việc không được ép buộc các tổ chức, cá nhân mua bảo hiểm dưới mọi hình thức.
Bộ Tài chính đã tổ chức họp với toàn bộ các doanh nghiệp bảo hiểm nhân thọ và yêu cầu các doanh nghiệp bảo hiểm rà soát tổng thể và tăng cường giám sát việc thực hiện các quy trình nghiệp vụ và quản lý chất lượng đại lý, nhân viên của đại lý tổ chức tín dụng, tăng cường các chế tài đối với đại lý và xử lý nghiêm các trường hợp vi phạm.
Yêu cầu các doanh nghiệp bảo hiểm tổ chức thiết lập và công bố đường dây nóng và các bộ phận thường trực với cán bộ có đủ thẩm quyền để tiếp nhận và giải đáp, xử lý dứt điểm, kịp thời các phản ánh/thắc mắc của khách hàng về hợp đồng bảo hiểm. Đối với các doanh nghiệp có nhiều đơn thư phản ánh, kiến nghị của khách hàng, Bộ Tài chính đều tổ chức làm việc trực tiếp với doanh nghiệp bảo hiểm để yêu cầu rà soát, báo cáo và có giải pháp xử lý dứt điểm khiếu nại của khách hàng.
Đồng thời, để tăng cường tính hiệu lực, hiệu quả đối với công tác quản lý, giám sát hoạt động bán bảo hiểm qua ngân hàng, trong thời gian qua, đối với các thông tin phản ánh qua đường dây nóng về việc bị ép mua bảo hiểm khi giải ngân khoản vay, Bộ Tài chính đã chuyển thông tin cho Cơ quan thanh tra, giám sát Ngân hàng nhà nước để phối hợp quản lý, giám sát
Trong năm 2022 và năm 2023, Bộ Tài chính đã tiến hành thanh tra, kiểm tra đối với 10/17 doanh nghiệp bảo hiểm nhân thọ có triển khai bán bảo hiểm qua tổ chức tín dụng, chi nhánh ngân hàng nước ngoài (có doanh thu phí bảo hiểm khai thác qua kênh bancassurance chiếm 96,83% tổng doanh thu phí khai thác qua kênh bancassurance của cả thị trường bảo hiểm nhân thọ).
Qua thanh tra đã phát hiện các hành vi vi phạm qua kênh bancassurance: Sai phạm về việc ban hành quy trình, quy chế, sai phạm về việc tuân thủ biểu phí sản phẩm, đại lý bảo hiểm không tuân thủ quy định Công ty và quy định pháp luật.
Kiến nghị xử lý về tài chính tổng số tiền là 21.000 tỷ đồng, trong đó loại ra khỏi chi phí được trừ khi xác định thu nhập chịu thuế thu nhập doanh nghiệp năm 2021, năm 2022 với tổng số tiền là 1.955,997 tỷ đồng.
Xử phạt vi phạm hành chính đối với 2 doanh nghiệp bảo hiểm, phạt tiền 310 triệu đồng.
Cạnh đó là áp dụng hình thức xử phạt bổ sung đình chỉ hoạt động ký kết hợp đồng bảo hiểm mới khai thác qua tổ chức tín dụng, chi nhánh ngân hàng nước ngoài có thời hạn; Biện pháp khắc phục hậu quả: Khôi phục lại tình trạng ban đầu đối với hành vi vi phạm.
Năm 2024, theo kế hoạch đã được phê duyệt, Bộ Tài chính có kế hoạch thanh tra đối với 6 doanh nghiệp bảo hiểm, Trong đó sẽ tiến hành thanh tra việc triển khai bán bảo hiểm qua tổ chức tín dụng, chi nhánh ngân hàng nước ngoài đối với 02 doanh nghiệp bảo hiểm nhân thọ (Công ty TNHH bảo hiểm nhân thọ Mirae Asset Prévoir, Công ty TNHH bảo hiểm Cathay Life Việt Nam), Bộ trưởng thông tin thêm.