Sẽ làm mới tư duy về cổ phần hóa

(ĐTCK) 5 tháng đầu năm nay, cả nước cổ phần hóa (CPH) được 36 DN và 2 đơn vị sự nghiệp. Tiến độ này, theo đại diện Bộ Tài chính, có dấu hiệu chậm lại, nhất là trong quý I/2016. 
Sẽ làm mới tư duy về cổ phần hóa

Nguyên nhân là tiến trình CPH bắt đầu chạm đến các DN quy mô lớn, việc xử lý tài chính, xác định giá trị DN phức tạp. Bộ Tài chính đang đề xuất cơ chế mới để khắc phục các vướng mắc này nhằm thúc đẩy quá trình CPH.

CPH các “siêu” công ty

Theo ông Đặng Quyết Tiến, Phó Cục trưởng Cục Tài chính doanh nghiệp (Bộ Tài chính), sau Tập đoàn Dệt may Việt Nam đã CPH năm 2014, Tập đoàn Công nghiệp Cao su Việt Nam (VRG) là tập đoàn lớn nhất đang tiến hành CPH.

VRG có quy mô lớn, với vốn chủ sở hữu ước lên đến 40.000 tỷ đồng. Để đẩy nhanh tiến độ, điểm mới của phương án CPH VRG là CPH đồng thời công ty mẹ và 25 công ty con, không theo cách làm cũ là CPH toàn bộ công ty con xong mới tới công ty mẹ.

“Tài sản lớn, có tính chất đa dạng, cộng với số lượng các công ty con CPH đồng thời với công ty mẹ nhiều, nên việc xử lý tài chính, xác định giá trị DN tại VRG tốn nhiều thời gian và khá phức tạp. Do đó, cơ quan chủ quản là Bộ Nông nghiệp và Phát triển nông thôn, Ban chỉ đạo CPH VRG, cũng như các bên liên quan phải theo dõi sát sao để kịp thời tháo gỡ các vướng mắc phát sinh mới đảm bảo tiến độ CPH đề ra”, ông Tiến nói và cho biết thêm, VRG đã bắt đầu phê duyệt tư vấn xác định giá trị DN, xây dựng phương án tìm cổ đông chiến lược, để theo kế hoạch tiến hành chào bán cổ phần lần đầu ra công chúng (IPO) trong quý I/2017.

Bên cạnh đó, nhiều “ông lớn” khác cũng đang phải xử lý các vướng mắc, nhất là về tài chính, để hoàn thành CPH trong năm nay. Có thể kể tới Tổng công ty MobiFone (thuộc Bộ Thông tin và Truyền thông) có vốn điều lệ 15.000 tỷ đồng; Tổng công ty Máy động lực và Máy nông nghiệp Việt Nam (thuộc Bộ Công thương), có vốn chủ sở hữu 5.506 tỷ đồng, với 22 đơn vị thành viên;  Tổng công ty Vật tư nông nghiệp thuộc Bộ Nông nghiệp và Phát triển nông thôn…

Theo ông Tiến, các công ty này có lượng tài sản lớn, cấu trúc tài sản phức tạp, việc hoàn tất các khâu chuẩn bị cho tiến hành IPO mất nhiều thời gian. Đây là một trong những nguyên nhân khiến tiến độ CPH từ đầu năm tới nay chững lại. 

“Làm mới” tư duy CPH

Từ đặc thù là CPH phần nhiều tập trung vào các tập đoàn, tổng công ty quy mô lớn, và bài học về tình trạng nhiều phiên IPO ế ẩm thời gian qua, ông Tiến cho biết, việc sửa đổi Nghị định 59/2011 về chuyển doanh nghiệp 100% vốn nhà nước thành công ty cổ phần đang được Bộ Tài chính triển khai nhằm cụ thể hóa các tư tưởng mới về sắp xếp, CPH DN Nhà nước mà Chính phủ, Thủ tướng Chính phủ đã chỉ đạo. Đó là tăng cường bán tối đa, thậm chí bán toàn bộ vốn Nhà nước ở các DN mà Nhà nước không cần nắm giữ; ngay cả những lĩnh vực Nhà nước cần nắm giữ thì tỷ lệ cổ phần nắm giữ cũng không cần quá cao, nhằm tạo động lực cho đổi mới quản trị DN.

Theo kế hoạch, trong tháng 9/2016, dự thảo sửa đổi nghị định này sẽ được Bộ Tài chính trình Chính phủ xem xét ban hành.

Điểm mới đáng chú ý mà Ban soạn thảo đề xuất khi sửa đổi Nghị định 59, theo ông Tiến, là định ra cơ chế để DN, ban chỉ đạo CPH tại DN lựa chọn được các đơn vị tư vấn CPH, IPO tốt nhằm đảm bảo phương án IPO của DN đạt tỷ lệ thành công cao.

Đại diện Bộ Tài chính nhìn nhận, chất lượng nhiều đơn vị tư vấn trong nước hiện nay yếu là một trong những nguyên nhân chính khiến cho nhiều đợt IPO không thành công, với lượng cổ phần bán được thấp, cá biệt có những DN chào bán 30-40% cổ phần, nhưng chỉ bán được 1-2% cổ phần. Do đó, Bộ Tài chính đề xuất trong những trường hợp cụ thể sẽ rộng đường hơn cho đơn vị tư vấn nước ngoài có uy tín, chất lượng, tham gia vào tư vấn CPH, IPO cho DN Việt Nam. Tư vấn không chỉ là đưa ra trình tự, thủ tục, phương án xác định giá trị DN, mà quan trọng hơn là tìm được các NĐT tham gia IPO để giúp DN bán được lượng cổ phần cao nhất với giá tốt.

Một “điểm nghẽn” nữa khiến tiến độ CPH nhiều DN chậm là liên quan đến tìm kiếm cổ đông chiến lược. Bộ Tài chính đặt vấn đề: có nhất thiết 100% DN CPH phải có cổ đông chiến lược không? Có những DN Nhà nước không cần nắm giữ cổ phần, nên có nhu cầu bán hết. Do đó, việc đặt ra yêu cầu tìm kiếm cổ đông chiến lược là không cần thiết, trong khi phương án CPH nêu ra nội dung này khiến cho việc triển khai CPH kéo dài, thậm chí rơi vào bế tắc.

“Ngoài ra, trong lần sửa đổi Nghị định 59 này, Bộ Tài chính còn đề xuất các phương án tháo gỡ vướng mắc, bất cập về định giá tài sản, xác định giá trị DN; các nguyên tắc xây dựng phương án CPH sao cho mang tính thị trường cao, thân thiện với nhà đầu tư; cách thức mới về xử lý lao động dôi dư…”, ông Tiến nói và cho biết thêm, Bộ Tài chính cố gắng vào cuối tháng 6 này sẽ công bố dự thảo nghị định sửa đổi Nghị định 59 phiên bản 1 để lấy ý kiến rộng rãi.       

Hữu Hòe

Tin liên quan

Tin cùng chuyên mục