Sẽ đáp ứng được bao nhiêu điện trong tuần đầu tháng 7?

(ĐTCK-online) Cuối cùng thì các bên có liên quan cũng đã thỏa thuận được với nhau về thời điểm dừng cấp khí để bảo dưỡng đường ống Nam Côn Sơn và nâng cấp giàn khai thác khí tại lô 06.1 ngoài khơi thềm lục địa Việt Nam mà đợt 1 sẽ được bắt đầu từ ngày 1 đến ngày 6/7 tới. Tất nhiên, việc dừng cấp khí này được đánh giá là sẽ ảnh hưởng trực tiếp đến vấn đề cung cấp điện cho nền kinh tế.
Khả năng thiếu nguồn có thể lên tới trên 1000 MW. Khả năng thiếu nguồn có thể lên tới trên 1000 MW.

Theo thỏa thuận của các bên có liên quan, thời điểm dừng cấp khí sẽ chia thành 3 đợt (từ ngày 1 đến 6/7/2007; từ ngày 29/8 đến 16/9/2007 và từ ngày 29 đến 30/9/2007) đã được cân nhắc và tính toán kỹ, đảm bảo tránh rủi ro cho các công tác ở trên biển. Trung tâm Điều độ Hệ thống điện quốc gia (A0) cho hay, tổng công suất Cụm điện Phú Mỹ là khoảng 4.000 MW, chiếm 35% tổng công suất toàn hệ thống. Sản lượng điện huy động từ khí Nam Côn Sơn là khoảng 70 triệu kWh/ngày, chiếm 34% sản lượng điện toàn hệ thống.

Để bù đắp lượng điện thiếu hụt do phải ngừng hệ thống cung cấp khí Nam Côn Sơn, ngoài việc huy động hợp lý các tổ máy hiện có, Tập đoàn Điện lực Việt Nam (EVN) dự kiến huy động các tổ máy tua-bin khí chạy dầu thay khí trong thời gian công tác. Tuy vậy, EVN cũng khuyến cáo rằng, do đặc thù của các tổ máy tua-bin khí chu trình hỗn hợp được thiết kế chạy với nhiên liệu khí là chủ yếu, nhiên liệu dầu chỉ huy động hạn chế. Ngoài ra, theo kinh nghiệm vận hành từ trước tới nay, khả năng khởi động các tổ máy bằng nhiên liệu dầu chỉ thành công khoảng 50%, chế độ chạy không ổn định, dễ xảy ra sự cố và công suất khả dụng chạy bằng dầu thấp hơn nhiều so với chạy bằng khí. Bên cạnh đó, theo dự báo của EVN, trong các ngày đầu tháng 7, mức nước tại các hồ thủy điện rất thấp. Do vậy, công suất khả dụng của các nhà máy thủy điện trong thời gian này có thể bị giảm.

Tình hình xem ra còn căng thẳng hơn khi EVN “lo xa” rằng, trong các khoảng thời gian ngừng cung cấp khí, nhiều nhà máy nhiệt điện như Phả Lại, Uông Bí, Ninh Bình, Thủ Đức… sẽ phải tách ra sửa chữa, do đã có thời gian dài phải huy động cao và không được sửa chữa. Dự báo chính thức từ EVN cho thấy, trong các giờ ban ngày, khả năng thiếu nguồn có thể lên tới trên 1.000 MW.

Trước những cảnh báo về thực trạng cung cấp điện trong thời gian ngưng cấp khí của EVN, dư luận không khỏi băn khoăn với câu hỏi: “Nguồn điện sẽ được đảm bảo tới đâu trong thời gian cắt khí và cơ quan nào sẽ giám sát việc vận hành các nguồn điện để đảm bảo không có chuyện cắt điện tùy tiện, ảnh hưởng đến hoạt động sản xuất, kinh doanh của doanh nghiệp, cũng như đời sống sinh hoạt của người dân, nhất là khi cung về điện trong tình trạng 100% nguồn điện được vận hành cũng chưa thật sự dư dả để đáp ứng nhu cầu của nền kinh tế, đặc biệt trong thời tiết nắng nóng như hiện nay?”.

Hiện tại, công suất đặt của toàn hệ thống là 12.270 MW, tuy nhiên, công suất khả dụng cao điểm huy động được chỉ vào khoảng 10.187 MW. Còn trên thực tế, tại Cụm điện Phú Mỹ khi cắt khí, khó có thể biết đổ dầu vào chạy sẽ phát huy được bao nhiêu phần trăm công suất thiết kế. Đặc biệt, trong điều kiện phải mua dầu với mức giá cao như hiện nay, sẽ khiến các công ty sản xuất điện bị ảnh hưởng về tài chính, cũng như hiệu quả hoạt động. Còn với các nguồn thủy điện, nhiệt điện than của EVN, dù chiếm tỷ trọng không nhỏ trong số các nguồn điện còn lại thì cũng đã được “đánh tiếng” là có thể “không phát huy được cao nhất vì nước ít và có thể có sự cố”. 

Để đối phó với việc ngưng cấp khí từ Nam Côn Sơn, EVN đã đề ra nhiều giải pháp, như điều chỉnh lịch sửa chữa các nguồn điện để huy động cao trong thời gian này; tăng cường mua điện Trung Quốc qua các đường dây 220 kV; yêu cầu các đơn vị chuẩn bị đầy đủ nhiên liệu than, dầu, sẵn sàng đáp ứng yêu cầu vận hành cao; phối hợp với các chủ đầu tư, ban quản lý để Nhà máy điện Cà Mau, Nhiệt điện Uông Bí mở rộng phát công suất tối đa hay như thông báo trước tới khách hàng để chủ động ứng phó với tình huống thiếu điện “bất khả kháng”.

Lẽ dĩ nhiên, khó có thể nói trước điều gì khi các nguồn điện còn lại phải “gồng mình” vận hành với cường độ cao và liên tục, nhưng sẽ là không thừa khi các cơ quan hữu trách cần công bố ngay cơ chế giám sát độc lập về tình trạng huy động nguồn điện trong điều kiện hệ thống điện quốc gia chịu tác động của việc ngưng cấp khí cho nhiều nhà máy điện. Đây cũng là sự minh bạch cần thiết để tránh tình trạng doanh nghiệp cắt điện để giảm chi phí, giữ được ổn định tài chính, dù đó là doanh nghiệp nhà nước được giao nhiệm vụ.

Thanh Hương
Thanh Hương

Tin cùng chuyên mục