Phát biểu tại Hội thảo chuyên đề: "Quan hệ đối tác công tư" trong khuôn khổ Hội nghị toàn quốc về Phát triển bền vững 2019, bà Vũ Quỳnh Lê chia sẻ tóm tắt một số điểm mới của Dự thảo Luật Đầu tư theo phương thức đối tác công tư (Dự thảo Luật PPP).
Theo bà Lê, dự thảo luật lần này đã thu hẹp lĩnh vực đầu tư, sẽ có một số lĩnh vực không được đầu tư theo phương thức PPP. Theo đó, có một số lĩnh vực đã được lược bỏ bao gồm: Công trình chiếu sáng công cộng; Văn hoá; Thể thao; Du lịch; Hạ tầng viễn thông; Hạ tầng phục vụ phát triển khoa học và công nghệ; Hạ tầng khu kinh tế, khu công nghiệp, cụm công nghiệp, khu công nghệ cao; Hạ tầng nông nghiệp, nông thôn
Tổng kết từ kinh nghiệm quốc tế, thực tiễn triển khai tại nước ta và khuyến nghị từ các bộ, ngành, địa phương, cộng đồng doanh nghiệp, tổ chức tín dụng, các nhà tài trợ, bà Lê cho biết, hiện tại, Bộ Kế hoạch và Đầu tư bổ sung vào Dự thảo các chính sách như:
Về quy mô dự án áp dụng PPP, Bộ Kế hoạch và Đầu tư đã xin ý kiến rộng rãi về tính cần thiết của việc quy định một hạn mức được đầu tư PPP. Tổng hợp các ý kiến nhận được, đa số thống nhất tính cần thiết phải có hạn mức và kiến nghị áp dụng PPP đối với dự án nhóm B trở lên. Theo dự thảo Luật Đầu tư công sửa đổi hiện nay, dự án thuộc các lĩnh vực như giao thông, điện... có quy mô từ 240 tỷ đồng đến dưới 4.600 tỷ đồng được phân loại là dự án nhóm B.
Ngoài ra, qua thống kê, đa số các dự án PPP đã thực hiện có tổng mức đầu tư trên 200 tỷ đồng (233/336 dự án – 69,34%; nếu không tính hợp đồng BT, số dự án trên 200 tỷ là 113/148 dự án – 76,35%). Do đó, Bộ Kế hoạch và Đầu tư đề xuất áp dụng hạn mức để đầu tư PPP ở mức 200 tỷ đồng.
Về phân loại dự án PPP, liên quan đến nội dung phân loại dự án PPP, Dự thảo Luật quy định việc phân loại theo quy mô dự án gắn với thẩm quyền quyết định chủ trương đầu tư.
Theo đó, Quốc hội phê duyệt chủ trương đầu tư dự án sử dụng vốn đầu tư công từ 20.000 tỷ đồng trở lên; Thủ tướng Chính phủ phê duyệt chủ trương đầu tư các dự án sau đây: Dự án có tổng mức đầu tư từ 4.500 tỷ đồng trở lên (trừ dự án quy định tại điểm a Khoản 2 Điều này); dự án có tổng mức đầu tư dưới 4.500 tỷ đồng nhưng sử dụng vốn đầu tư công bố trí từ ngân sách trung ương từ 1.500 tỷ đồng trở lên.
Ngoài ra, Bộ trưởng, Thủ trưởng cơ quan ngang bộ, cơ quan thuộc Chính phủ, Thủ trưởng cơ quan khác ở Trung ương, Chủ tịch UBND cấp tỉnh phê duyệt chủ trương đầu tư các dự án thuộc trách nhiệm, quyền hạn của mình.
Về việc lựa chọn nhà đầu tư, bà Lê cho biết, dự thảo Luật đã chỉnh sửa một số nội dung về lựa chọn nhà đầu tư để phù hợp với điều kiện thực tế của nước ta và các kinh nghiệm trên thế giới.
Cụ thể: Đơn giản hóa quy trình, lựa chọn nhà đầu tư, việc phát hành hồ sơ mời thầu, hồ sơ yêu cầu căn cứ báo cáo nghiên cứu khả thi được phê duyệt. Các nội dung trong kế hoạch lựa chọn nhà đầu tư (như phương thức và hình thức lựa chọn nhà đầu tư; thời gian tổ chức lựa chọn nhà đầu tư) được phê duyệt đồng thời tại báo cáo nghiên cứu khả thi (Điều 22 dự thảo).
Về lộ trình xây dựng Luật, bà Lê cho biết, hiện Dự thảo Luật PPP đang được thảo luận để xin ý kiến lần đầu. Dự thảo đã được đăng tải công khai trên Cổng thông tin điện tử của Bộ Kế hoạch Đầu tư để lấy ý kiến góp ý để tiếp tục được chỉnh sửa và tin tưởng rằng Luật đầu tư công theo hình thức đối tác công tư sẽ giúp tăng niềm tin và thu hút nhiều nguồn lực của xã hội vào các dịch vụ công trong đó có việc phát triển cơ sở hạ tầng của đất nước.
Bà Lê cũng cho biết, Dự thảo Luật đang có 12 Chương 102 điều, đảm bảo đồng bộ thống nhất giữa Luật PPP và các luật khác. Dự kiến, Dự thảo Luật PPP sẽ trình Quốc hội tại kỳ họp vào tháng 10/2019.