Khơi kênh dẫn vốn đầu tư PPP cho doanh nghiệp tư nhân

(ĐTCK) Nhiều rủi ro tiềm ẩn do chính sách thay đổi, chưa có cơ chế phân bổ rủi ro và bảo đảm lợi ích cho nhà đầu tư về mặt dài hạn, trong khi quy trình giải ngân phức tạp là những rào cản lớn khiến các doanh nghiệp tư nhân ngại tham gia dự án đối tác công - tư (PPP). Trong bối cảnh này, việc xây dựng và ban hành Luật Đầu tư theo phương thức đối tác công - tư được kỳ vọng sẽ khơi thông dòng vốn tư nhân vào các dự án PPP. 
Theo ước tính của Ngân hàng Thế giới, nhu cầu đầu tư cho dự án hạ tầng của Việt Nam lên tới 25 tỷ USD/năm trong giai đoạn tới. Theo ước tính của Ngân hàng Thế giới, nhu cầu đầu tư cho dự án hạ tầng của Việt Nam lên tới 25 tỷ USD/năm trong giai đoạn tới.

Dòng vốn khủng chờ khơi thông

Tính đến đầu năm 2019, có tới trên 1,6 triệu tỷ đồng đã được huy động vào đầu tư phát triển cơ sở hạ tầng từ 336 dự án PPP, bao gồm các loại hợp đồng BOT, BT đã ký kết. Dòng vốn khổng lồ từ nguồn lực đối ứng công - tư này, trong đó có phần đáng kể từ khu vực tư nhân trong và ngoài nước, có ý nghĩa rất quan trọng trong bối cảnh nguồn ngân sách nhà nước có hạn trong khi nhu cầu đầu tư cơ sở hạ tầng phục vụ yêu cầu tăng trưởng của nền kinh tế và dịch vụ công cho toàn xã hội ngày càng tăng cao.

Ở quy mô quốc tế, con số được bà Lynn Tho, chuyên gia quốc tế về đầu tư theo hình thức đối tác công - tư (PPP) thuộc Công ty EY Singapore đưa ra cho thấy, năm 2018, các công ty đầu tư đã huy động được 80 - 90 tỷ USD trên thị trường tài chính quốc tế nhằm mục đích đầu tư vào việc xây dựng và hoàn thiện cơ sở kết cấu hạ tầng trên toàn cầu. Dòng vốn này đã thể hiện xu hướng tăng mạnh khi năm 2017 là 75 tỷ USD và dự kiến năm 2020 sẽ lên tới 150 tỷ USD.

Bà Lynn cho hay, xét trên bình diện toàn cầu, khu vực tư nhân đang có sự quan tâm đáng kể đối với các dự án xây dựng kết cấu hạ tầng, phát triển, xây dựng, vận hành và bảo trì, sở hữu các tài sản mang lại dòng tiền dự báo được, ổn định và độc quyền.

Dự án Luật PPP gồm 11 chương 102 điều, đã được bổ sung vào Chương trình xây dựng luật, pháp lệnh năm 2019. Dự thảo luật sẽ được cho ý kiến lần đầu tại kỳ họp Quốc hội thứ 8 cuối năm nay và dự kiến trình Quốc hội thông qua tại kỳ họp thứ 9 vào giữa năm 2020. Trong tuần này, Uỷ ban Kinh tế có phiên họp toàn thể để thẩm tra chính thức dự án Luật.   

“Nhà đầu tư sẽ lựa chọn đầu tư thận trọng vào nơi có môi trường pháp lý vững chắc và có thể ký kết hợp đồng dài hạn với các đối tác đáng tin cậy”, bà Lynn Tho nhấn mạnh.

Tại Việt Nam, theo ước tính của Ngân hàng Thế giới, nhu cầu đầu tư xây dựng cơ sở hạ tầng bền vững phục vụ phát triển kinh tế - xã hội sẽ lên tới 25 tỷ USD/năm trong giai đoạn tới. Ðây là con số rất lớn, không thể trông đợi hoàn toàn từ nguồn ngân sách công, mà phải dựa vào nguồn lực tư nhân. Trong bối cảnh này, mô hình đầu tư PPP dựa trên các thỏa thuận hợp đồng sẽ là lựa chọn phù hợp giúp tối ưu hóa đòn bẩy kinh tế và tài chính của tài sản giữa khu vực công và tư.

Theo đánh giá của bà Lynn Tho, Việt Nam có vị thế thuận lợi để thu hút các nhà đầu tư trong nước và quốc tế. “Với nhu cầu đầu tư lớn để phát triển các ngành nghề kỹ thuật, tài chính và vận hành công trình cơ sở hạ tầng trong nước, Việt Nam nên đưa ra các chương trình thực sự hấp dẫn để thu hút dòng vốn đầu tư trong nước và quốc tế nhằm mang lại hiệu quả đầu tư cao nhất. Việc hoàn thiện khung pháp lý đủ vững chắc là điều kiện cần thiết để thu hút đầu tư từ quốc tế vào các dự án hạ tầng và hoàn thành được mục tiêu này”, bà Lynn Tho khuyến nghị.

Tháo gỡ rào cản chính sách    

Ngỏ ý quan tâm đặc biệt đến các dự án PPP trong lĩnh vực vận hành cơ sở hạ tầng của Việt Nam trong các lĩnh vực sản xuất điện, xây dựng đường cao tốc, sân bay và đường sắt, song cũng như phần lớn các nhà đầu tư Nhật Bản, Tập đoàn Mitsubishi Corporation cho rằng, khung pháp lý đầu tư PPP hiện nay còn thiếu các cơ chế tổng thể, bao gồm các hình thức hỗ trợ, ưu đãi và bảo đảm đầu tư từ phía Nhà nước. Ðây là một trong những cơ chế mấu chốt mà dự án Luật Ðầu tư PPP cần bổ khuyết để đảm bảo sự tin tưởng và tính hấp dẫn đối với các nhà đầu tư nước ngoài, bởi nó đóng vai trò là cơ chế bảo đảm, công cụ bảo lãnh trong chính sách hiện nay.

“Chúng tôi nhiều lần đưa ra quan điểm nhất quán trong các cuộc làm việc và tham vấn với Ban soạn thảo dự án Luật rằng, trong trường hợp nhà đầu tư tư nhân đầu tư vào các dự án công thì việc đảm bảo khả năng được chấp nhận cho vay vốn là điều rất quan trọng. Chính vì vậy, 1 trong 4 hạng mục tối thiểu mà chúng tôi luôn giữ quan điểm đề xuất cần bổ sung vào dự án Luật là xây dựng cơ chế thiết lập bảo lãnh chính phủ theo dự án nhằm giúp các nhà đầu tư tư nhận thực hiện bảo lãnh chuyển đổi ngoại tệ hay bảo đảm thu nhập tối thiểu để có thể thu hồi vốn”, ông Tetsu Funayama, Chủ tịch kiêm Tổng giám đốc Công ty Mitsubishi Corporation Việt Nam nhấn mạnh.

Trong khi đó, quan ngại khả năng Luật Ðầu tư PPP có những quy định xung đột, khác biệt so với luật khác, ông Trần Chủng, Chủ tịch Hiệp hội Các nhà đầu tư công trình giao thông đường bộ Việt Nam cho rằng, nếu quy định nào cũng cần tham chiếu thì sẽ lại gây khó cho nhà đầu tư, khó triển khai thực thi hiệu quả trên thực tiễn.

“Luật này cần phải được ưu tiên áp dụng để nhà đầu tư có thể yên tâm đầu tư và tạo ra sự đột phá trong thu hút đầu tư tư nhân vào phát triển kết cấu hạ tầng”, ông Chủng nhấn mạnh và chia sẻ quan điểm thống nhất với đề xuất của các doanh nghiệp và chuyên gia cho rằng, dự án Luật nên thiết kế hạn chế thấp nhất các điều khoản giao Chính phủ quy định chi tiết để đảm bảo đơn giản hóa các điều kiện thủ tục cho nhà đầu tư. Ðây cũng là kinh nghiệm rất hiệu quả đã được chứng minh trên thực tiễn từ tham chiếu các luật tương tự của các nước phát triển như Hàn Quốc, Nhật Bản. Trong đó, có thực tiễn thông lệ của quốc tế hay Luật Ðầu tư theo hình thức PPP về kết cấu hạ tầng của Hàn Quốc với quy định cứng khẳng định tính ưu tiên áp dụng luật này so với các luật chuyên ngành khác đối với các dự án PPP.

Liên quan đến vấn đề này, ông Nguyễn Ðăng Trương, Cục trưởng Cục Quản lý Ðấu thầu cho biết, hình thức đầu tư PPP được thực hiện bắt đầu từ năm 1997 theo hình thức hợp đồng BOT trên cơ sở Nghị định 77/NÐ-CP. Tuy nhiên, đến nay, khung khổ pháp lý cho đầu tư PPP vẫn chỉ dừng ở cấp nghị định, lại chịu sự điều chỉnh của nhiều luật khác nhau nên việc cơ sở pháp lý thiếu ổn định là một điểm yếu lớn nhất của hình thức đầu tư PPP tại Việt Nam, dù đây là lĩnh vực có sức hấp dẫn rất lớn đối với các nhà đầu tư tư nhân.

“Hiện quy định về PPP được các nhà đầu tư đánh giá là có tính ổn định chưa cao. Ða phần các hợp đồng PPP đều có quy mô lớn trong thời hạn ít nhất từ 20 - 30 năm nên tiềm ẩn nhiều rủi ro. Nhà đầu tư và các bên cho vay đều yêu cầu tính bền vững của các quy định pháp luật điều chỉnh hợp đồng”, ông Trương nói.

Ðại diện Cục Quản lý Ðấu thầu cũng nêu một thực tế là rủi ro khi chính sách thay đổi là hoàn toàn hiện hữu đối với nhà đầu tư, nên thời gian qua, nhà đầu tư gia tăng đề xuất áp dụng bảo lãnh hoặc yêu cầu một mức lợi nhuận cao hơn đối với các hợp đồng PPP, thời gian thu hồi vốn dài hơn nhằm bù đắp cho những rủi ro mà họ phải chịu do dự án kéo dài. Ðiều này gián tiếp làm tăng chi phí của dự án, chi phí xã hội để thực hiện dự án khi thời gian thu phí kéo dài, mức phí cao ảnh hưởng người sử dụng và hơn nữa, giảm sức hấp dẫn đối với nhà đầu tư nước ngoài. Ðây là những bất cập cần được giải quyết trong dự án Luật đang được soạn thảo.

Ông Nguyễn Văn Phúc - Nguyên Phó Chủ nhiệm Uỷ ban Kinh tế của Quốc hội

Nhiều câu hỏi đặt ra là nếu xác định dự án PPP là dự án đầu tư công thì có nên thống nhất thẩm quyền quyết định chủ trương đầu tư theo Luật Ðầu tư công hay không? Nếu xác định dự án PPP cũng là dự án đầu tư công thì liệu có nên thống nhất cách phân loại theo Luật Ðầu tư công? Và dự án PPP liệu có phải là dự án đầu tư công được thực hiện bằng nguồn vốn tư nhân và vận hành bằng quản trị tư nhân để cung cấp dịch vụ công, vì mục tiêu công?

Các câu hỏi này cần được lý giải tường minh để xác định được bản chất của mối quan hệ đối tác công - tư, cũng như dự án đối tác công - tư, từ đó thống nhất hướng phân loại dự án PPP cũng như cơ quan có thẩm quyền quyết định chủ trương đầu tư dự án.

Hiếu Minh

Tin liên quan

Tin cùng chuyên mục