Sẽ có bao nhiêu DN được bán bảo hiểm tài sản công?

(ĐTCK) Nếu không có gì thay đổi, tháng 10 này, Bộ Tài chính sẽ đệ trình Dự thảo quy định bảo hiểm bắt buộc đối với tài sản công để bổ sung vào Luật Tài sản công.
Bảo hiểm PVI hiện có chỉ tiêu tài chính tốt nhất để bảo hiểm tài sản công
Bảo hiểm PVI hiện có chỉ tiêu tài chính tốt nhất để bảo hiểm tài sản công

Nếu quy định này được Quốc hội thông qua thì bộ này sẽ tiếp tục trình Chính phủ Dự thảo Nghị định quy định chi tiết về bảo hiểm tài sản công.

Sau khi hoàn tất các phần việc liên quan, trong đó có việc lấy ý kiến rộng rãi trên thị trường, nhiều khả năng cuối năm 2016, Nghị định sẽ chính thức được ban hành.

Cần nói thêm rằng, hiện tại, hoạt động bảo hiểm cho một số loại hình tài sản công đang được quy định rải rác ở nhiều văn bản khác nhau như Luật Dự trữ quốc gia, Luật Quản lý sử dụng vốn nhà nước đầu tư vào sản xuất - kinh doanh tại DN… Nhưng cũng chính bởi quy định về bảo hiểm cho các tài sản công tại nhiều văn bản như thế được các bên, nhất là các DN bảo hiểm cho là đã gây khó khăn trong hướng dẫn tổ chức thực hiện.

Vì vậy, cần thiết bổ sung quy định trên vào Dự thảo Luật Tài sản công nhằm tạo sự đồng bộ trong hệ thống pháp luật cũng như tạo thuận lợi trong triển khai, đảm bảo mọi loại tài sản công đều được bảo hiểm bảo vệ.

Do tài sản công có ý nghĩa lớn về mặt kinh tế, chính trị, xã hội, nên việc lựa chọn các DN bảo hiểm, bao gồm DN bảo hiểm phi nhân thọ và DN tái bảo hiểm đủ năng lực cũng là điều đáng lưu tâm.

Mặc dù không được mang ra thảo luận nhưng trong tài liệu Hội thảo về bảo hiểm tài sản công mới đây, các đề xuất liên quan đến việc lựa chọn các nhà bảo hiểm cũng như các nhà tái bảo hiểm để cung cấp sản phẩm bảo hiểm mang ý nghĩa lớn này cũng được đặt ra. 

Cụ thể, theo Cục Quản lý và Giám sát bảo hiểm (Bộ Tài chính), các DN bảo hiểm phi nhân thọ cần hội tụ khá nhiều yếu tố từ  năng lực tài chính an toàn, vững mạnh, có kinh nghiệm, mạng lưới… đến đội ngũ cán bộ chuyên nghiệp.

“Các DN bảo hiểm phi nhân thọ cần có vốn chủ sở hữu tối thiểu 600 tỷ đồng và tổng tài sản tối thiểu 2.000 tỷ đồng tại thời điểm kết thúc năm tài chính gần nhất, đảm bảo biên khả năng thanh toán theo quy định. Ngoài ra, các DN này cũng cần có chương trình tái bảo hiểm để bảo vệ chương trình bảo hiểm tài sản công hiệu quả; có tối thiểu 10 năm hoạt động kinh doanh bảo hiểm, trong đó tối thiểu 5 năm triển khai bảo hiểm tài sản; có mạng lưới kinh doanh tại tất cả tỉnh, thành cả nước. Đội ngũ cán bộ triển khai bảo hiểm tài sản của các DN này cần có kinh nghiệm và chứng chỉ đào tạo phù hợp”, báo cáo từ Cục Quản lý và Giám sát bảo hiểm cho biết.

Nếu điều kiện trên được nhất trí thông qua thì theo tổng hợp của ĐTCK, tính đến thời điểm này, sẽ có 6 DN bảo hiểm đủ chuẩn là Bảo hiểm PVI, Bảo hiểm Bảo Việt, Bảo Minh, PJICO, PTI và BIC. Trong đó, Bảo hiểm PVI đang đứng đầu thị trường về cả 2 chỉ tiêu tài chính trên khi đạt gần 2.200 tỷ đồng vốn chủ sở hữu; hơn 10.500 tỷ đồng tổng tài sản, tính đến hết năm 2014.

Tất nhiên, nếu hạ chuẩn trên hoặc có sự tăng năng lực tài chính của các DN bảo hiểm thì có thể có thêm sự tham gia của các DN khác, chẳng hạn như MIC khi kết thúc năm 2014, DN này có vốn chủ sở hữu hơn 500 tỷ đồng, tổng tài sản 1.500 tỷ đồng.

Còn với các nhà tái bảo hiểm, cũng theo cơ quan này, ngoài điều kiện cần có tối thiểu 10 năm kinh nghiệm trong tái bảo hiểm tài sản thì có thêm điều kiện về xếp hạng tín nhiệm quốc tế (Ratings): tối thiểu là BBB (nếu của S&P), B++ (nếu của AM Best) hoặc các tổ chức xếp hạng tương đương trong 5 năm tài chính liên tiếp liền kề năm triển khai bảo hiểm tài sản công.

Để tận dụng năng lực tài chính của thị trường bảo hiểm Việt Nam cũng như tăng cường hợp tác, chia sẻ thông tin giữa các DN bảo hiểm để cung cấp dịch vụ bảo hiểm tài sản công tối ưu nhất cho các cơ quan, tổ chức, các thành viên thị trường cũng cho rằng, việc cung cấp bảo hiểm tài sản công cần do một nhóm DN bảo hiểm (trong đó có một DN bảo hiểm đứng đầu) thực hiện. Tỷ lệ đồng bảo hiểm sẽ do các DN bảo hiểm này thỏa thuận dựa trên đối tượng khách hàng thế mạnh của từng DN (DN bảo hiểm có thế mạnh về đối tượng khách hàng nào sẽ là đơn vị đứng đầu cung cấp bảo hiểm cho đối tượng khách hàng đó).

Tương tự, việc cung cấp tái bảo hiểm cũng sẽ do một nhóm các nhà tái bảo hiểm đủ điều kiện thực hiện (hiện ở Việt Nam mới chỉ có 2 nhà tái bảo hiểm là Vinare và PVI Re). Cuối mỗi năm tài chính, các DN bảo hiểm sẽ đàm phán và lựa chọn các nhà tái bảo hiểm về chương trình tái bảo hiểm cho tài sản công trong năm tài chính tiếp theo.  

Kim Lan

Tin liên quan

Tin cùng chuyên mục